Tiếng Việt | English

11/12/2020 - 09:11

Tập trung khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tập trung tái đàn vật nuôi để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GS, GC), ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân nên thận trọng và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB), bảo vệ đàn vật nuôi.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 225.000 con GS, trong đó, khoảng 104.000 con heo, hơn 120.000 con trâu, bò và khoảng 8,7 triệu con GC (7 triệu con gà, 1,7 triệu con vịt). Công tác PCDB về cơ bản được thực hiện tốt, người chăn nuôi chủ động hơn trong việc tiêm phòng để bảo vệ đàn GS, GC của mình.

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí, từ giữa tháng 10-2020 đến nay, tình hình dịch bệnh trên GS, GC diễn biến rất phức tạp, nhất là tại huyện Cần Đước và Tân Trụ. Toàn tỉnh xảy ra 5 ổ dịch cúm GC, 8 ổ dịch dịch tả heo châu Phi, 3 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên bò, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy trên 17.000 con GS, GC các loại. Nhìn chung, dịch bệnh xảy ra chủ yếu trên những đàn GS, GC chưa được tiêm phòng đối với bệnh cúm GC và LMLM.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, huyện có trên 9.300 con GS và hơn 400.000 con GC. Thời gian qua, huyện thực hiện tiêm phòng miễn phí và tiêm phòng thu tiền 214.460 liều vắc-xin/213 hộ, đạt 72% trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp và 43% so với tổng đàn gia cầm của huyện; trong đó 159.960 liều vắc-xin tiêm phòng miễn phí cho GC thuộc diện tiêm (≤ 2.000 con) trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và 54.500 liều vắc-xin tiêm phòng thu tiền trên địa bàn toàn huyện cho GC không thuộc diện tiêm phòng miễn phí và GC tại các xã vùng đệm.

Người dân chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi

“Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác PCDB trên GS, GC trước, trong và sau tết, Phòng đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên GS, GC và các biện pháp phòng, chống dịch đối với người dân” - ông Tây Lo cho biết thêm.

Ông Bùi Văn Cảnh, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi bò đã gần 10 năm. Tôi luôn tích cực tìm hiểu về các kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh trên bò để đàn bò được mạnh khỏe và phát triển nhanh. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ Thú y huyện mà đàn bò nhà tôi được tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại được xử lý sạch sẽ, bảo đảm an toàn. Hiện nay, đàn bò của gia đình tôi có 12 con và sẽ xuất bán vào dịp tết sắp tới”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) - Võ Đông Triều, HTX có khoảng 20.000 con gà lấy thịt và 120.000 con gà lấy trứng. Hiện các thành viên HTX đều tất bật tái đàn, tăng đàn phục vụ tết. Để PCDB và chăn nuôi hiệu quả, các thành viên HTX đều chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm an toàn trong chăn nuôi.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin, hiện toàn huyện có khoảng 1,2 triệu con GS, GC. Từ giữa tháng 10 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 ổ dịch trên GC ở các xã: Long Định, Tân Lân, Long Cang và Phước Đông và 1 ổ dịch LMLM trên bò tại xã Long Cang. Huyện đã tiến hành tiêu hủy trên 15.900 con GC và 1 con bò.

Kiên quyết không để dịch lây lan diện rộng

Ông Dương Minh Phí cho biết: “Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, buôn bán sản phẩm GS, GC trên thị trường; đồng thời, thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác PCDB trên GS, GC tại các địa bàn có nguy cơ cao, kiên quyết dập dịch và không để dịch lây lan ra diện rộng.

Phun xịt khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Sở đã họp với các huyện để triển khai các hoạt động PCDB, qua đó thống nhất một số biện pháp khẩn cấp trong công tác khống chế dịch bệnh trên GS, GC tại huyện Tân Trụ và Cần Đước. Cụ thể, sẽ tiêu hủy GS, GC bệnh, chết theo quy định (chôn, đốt); phun xịt khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi tại các ổ dịch; thực hiện tất cả biện pháp khẩn cấp để triển khai chống dịch như: Hỗ trợ tiêm phòng miễn phí vắc-xin cúm GC đối với vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp; tiêm phòng miễn phí vắc-xin LMLM toàn đàn trâu, bò, dê của huyện Tân Trụ và vùng dịch uy hiếp thuộc địa bàn huyện Châu Thành; thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn địa bàn huyện Cần Đước và Tân Trụ, tại các ổ dịch và vùng bị dịch uy hiếp trên địa bàn các huyện giáp ranh; thực hiện thông tin, truyền thông tình hình dịch bệnh cúm GC trên địa bàn huyện Cần Đước và phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công bố dịch bệnh tại huyện Tân Trụ gồm: Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Tân Bình và thị trấn Tân Trụ, cúm GC A/H5N6 trên địa bàn xã Quê Mỹ Thạnh và LMLM trên địa bàn xã Đức Tân. Thực hiện lấy mẫu giám sát, đánh giá tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng cúm GC tại xã Tân Lân và các khu vực nguy cơ của huyện Cần Đước. Triển khai các văn bản khống chế ổ dịch Dịch tả heo châu Phi, cúm GC và LMLM tại các huyện có dịch (huyện Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và Châu Thành).

“Hiện bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm trong không khí tăng là điều kiện lý tưởng để các loại dịch bệnh như tai xanh trên heo, LMLM trên trâu, bò và cúm H5N6 trên gà, vịt dễ xảy ra. Do đó, người chăn nuôi cần lưu ý, quan tâm đàn vật nuôi; thường xuyên khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc-xin, theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn GS, GC nhằm phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời xử lý” - bà Đinh Thị Phương Khanh khuyến cáo./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích