Tiếng Việt | English

19/09/2018 - 09:24

Kiểm toán tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa

Những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế; Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo việc tái cơ cấu - cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, coi đây là một trong 3 trụ cột căn bản của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế.

Ảnh minh họa: internet

Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN)những năm qua đã góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, góp phần  tăng thu, giảm chi ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2016, qua kiểm toán KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38.775,9  tỉ đồng tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015, là năm cókết quả kiến nghị  cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN; Năm 2017 sơ bộ kết quả kiểm toán, riêng KTNN chuyên ngành VI đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thu NSNN gần 4 ngàn tỉ đồng (3.981 tỉ đồng); xử lý tài chính khác trên 6 ngàn tỉ đồng (6.350 tỉ đồng); Kết quả xác định GTDN đã tăng vốn nhà nước trên 9 ngàn tỉ đồng (9.495 tỉ đồng);nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công  đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.

Hoạt động kiểm toán cũng đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước; góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật.Bên cạnh đó, KTNN đã đưa ra những kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại, sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; đã chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng....

Những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế; Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo việc tái cơ cấu - cổ phần hóa DNNN, coi đây là một trong 3 trụ cột căn bản của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế. Từ năm 2011, với chức năng nhiệm vụ được giao, KTNN đã bắt đầukiểm toán tái cơ cấu cổ phần hóa DNNN và kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó, KTNN đã tổ chứcnhiều đoàn kiểm toán TCC và kiểm toán xác định GTDN, kết quả các đoàn kiểm toán đã góp phần tăng thu NSNN, tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện TCC DNNN, trong xác định GTDN cũng như những hạn chế về chế độ chính sách của nhà nước trong lĩnh vực này.

Đi sâu vào đánh giá thực trạng và kết quả hoạt động kiểm toán tái cơ cấu (TCC) và kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN) trước khi cổ phần hóa (CPH) chúng tôi xin tập trung đánh giá 02 nội dung cơ bản: (1) Kết quả đạt được của KTNN trong kiểm toán TCC và xác định GTDN trước khi CPH; (2) Những khó  khăn thách thức trong kiểm toán TCC và xác định GTDN trước khi CPH với những thông tin cụ thể sau:

1. Kết quả đạt được của KTNN trong kiểm toán TCC và xác định GTDN trước khi CPH

1.1. Kiểm toán công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015, KTNN đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện như sau:

Đến 31/12/2015, công tác cổ phần hóa chỉ đạt 96,3% kế hoạchCPH DNNN của giai đoạn 2011-2015. Trong đó,những doanh nghiệp chưa được cổ phần hóa theo kế hoạch tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đều là những doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc, thua lỗ, kém hiệu quả, không có lợi thế về đất...nên rất khó cổ phần hóa, nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa nếu không có biện pháp tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp không bán được hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, hoặc tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ. Các Tập đoàn, Tổng công ty mới chỉ thoái được khoảng 40% số vốn phải thoái ra khỏi lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, quỹ đầu tư. Nhiều trường hợp thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn chưa theo nguyên tắc thị trường mà dưới các hình thức cấn trừ công nợ hoặc chuyển nợ thành vốn góp, bàn giao nguyên trạng...

Nhiều doanh nghiệp thoái vốn không triệt để, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ nhưng tỷ lệ thoái vốn thấp, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức cao, chưa đa dạng hóa sở hữu. Quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước không chi phối khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác. Một số doanh nghiệp cổ phần có hiệu quả kinh doanh cao nhưng hàng năm chia cổ tức ở mức rất thấp dẫn đến Quỹ Đầu tư phát triển có số dư lớn nhưng không được sử làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giai đoạn 2011-2015, công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp của các bộ, ngành, UBND các tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chưa tốt và chậm; việc thực hiện mục tiêu quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Từ phát hiện trên, KTNN đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; kiến nghị cơ chế chuyển giao quyền đại diện vốn về SCIC và đánh giá cơ chế thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; kiến nghị các Bộ sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý; kiến nghị các doanh nghiệp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.

1.2. Kết quả kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa:

Từ năm 2012 -2016, KTNN đã thực hiệnkiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố GTDN cổ phần hóa của 17 DNNN;Kết quả đã xác định tăng giá trịvốn nhà nước 22.230,8 tỉ đồng (22.356,7 tỉ đồng - 125,9 tỉ đồng); kiến nghị tăng thu cho NSNN hàng ngàn tỉ đồng.

Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều sai sót trong tổ chức định giá và xử lý tài chính, như: (1) Kiểm kê thiếu tài sản, phân loại tài sản không đúng quy định; (2) Một số đơn vị đã không xử lý các khoản tài chính đủ điều kiện ghi tăng vốn nhà nước; (3) BCTC tại thời điểm XĐGTDN chưa được điều chỉnh theo kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền; (4) Định giá tài sản nhà cửa vật kiến trúckhông tuân thủ ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư, xác định thiếu chi phí trong suất vốn đầu tư, áp dụng hệ số trượt giá chưa đúng; (5) Xác định giá trị tài sản theo chất lượng còn lại của nhà cửa, vật kiến trúc chưa phù hợp, chưa thống nhất; áp dụng niên hạn sử dụng tài sản chưa đúng; xác định tỷ lệ chất lượng còn lại các kết cấu chính của tài sản không phù hợp; (6) Xác định giá trị hàng tồn kho theo giá sổ sách kế toán mà không xác định theo giá thị trường; xác định giá trị vật tư, phụ tùng, hàng hoá nhập khẩu nhưng không tính đến biến động của tỷ giá ngoại tệ; (7) Xác định lại các khoản đầu tư tài chính không đúng quy định về thời điểm xác định giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán; (8) Kê khai thiếu hoặc không chính xác giá trị lợi thế kinh doanh; (9) Áp dụng hiệu lực của văn bản pháp luật không đúng khi xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn tại doanh nghiệp khác; (10) Nợ phải thu có gốc ngoại tệ chưa được xác định theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng; (11) Một số tài sản chưa được định giá hoặc đã định giá nhưng chưa có đủ cơ sở để xác nhận, chưa được chỉ ra để cơ quan có thẩm quyền quyết định GTDN lưu ý khi quyết định công bố GTDN; (12) Có trường hợp chỉ xác định theo phương pháp tài sản mà không áp dụng thêm các phương pháp khác để so sánh, lựa chọn kết quả định giá;(13) Công tác quản lý sử dụng đất, việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất, phương án sử dụng đất, việc tính toán theo biểu giá đất khi chuyển đổi doanh nghiệp còn tồn tại, sai sót. Đặc biệt, việc chuyển nhượng đất thông qua hình thức ban đầu góp quyền sử dụng đất để liên doanh với công ty bên ngoài, liên doanh chưa thực hiện khai thác sử dụng đất thì đã chấm dứt hoạt động và đơn vị ưu tiên nhượng QSDĐ với giá chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận, không tổ chức chào giá thị trường, không đấu thầu đấu giá, không phản ánh đúng giá thị trường tiềm ẩn những gian lận, sai sót, thất thoát.

Để làm rõ hơn những tồn tại, sai sót trong quản lý sử dụng đất đai trong triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp, năm 2017 KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề việc sử dụng lợi thế quyền thuê đất để góp vốn đầu tư các dự án BĐS của các DNNN, kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai sót, tồn tại và đã có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề ra các giải pháp quản lý thích hợp với lĩnh vực này.

2. Những khó khăn thách thức trong kiểm toán TCC và xác định GTDN trước khi CPH

2.1. Đối với kiểm toán tái cơ cấu DNNN

Việc ban hành cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn bộc lộ nhiều bất cập, kẽ hở , cụ thể: (1) Chưa xác định giá bán tối thiểu đối với trường hợp thoái vốn doanh nghiệp đã niêm yết dẫn đến có thể bị lợi dụng thao túng giá cổ phiếu.(2) Cơ chế đặc thù cho phép SCIC bán vốn doanh nghiệp chưa niêm yết theo phương thức 30:70 (đấu giá công khai 30%, bán thoả thuận 70%) chưa có sự cạnh tranh nhiều về giá để đảm bảo tính hiệu quả như hình thức bán đấu giá công khai, rộng rãi. (3) Cơ chế bán cổ phần theo lô chưa có quy định ràng buộc nhà đầu tư trong việc thực hiện các cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nên dễ xảy ra hiện tượng nhóm lợi ích thâu tóm doanh nghiệp. (4) Quy định phương thức giao dịch thoái vốn doanh nghiệp niêm yết không phù hợp thực tế, chưa đảm bảo tối đa hiệu quả (hiện quy định bó hẹp phương thức giao dịch cổ phiếu theo phương thức giao dịch khớp lệnh, thỏa thuận; quy định giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng). (5) Phương thức đặt lệnh bán vốn Nhà nước không được quy định rõ ràng, nhất quán để hạn chế việc đặt lệnh tùy tiện, bán vốn Nhà nước với giá thấp. (6) Quy định giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, giá trị lợi thế vị trí địa lý không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn dẫn tới không phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế, không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát vốn nhà nước. (7) Còn tình trạng lách luật để chuyển nhượng đất thuê Nhà nước cho nhà đầu tư dưới hình thức: Góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp do quy định việc DNNN góp, thoái vốn đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước chưa chặt chẽ. Cụ thể: (i) Chưa quy định rõ khái niệm "góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản" dẫn đến các doanh nghiệp lách luật bằng cách tuy không góp vốn trực tiếp bằng tiền hoặc tài sản là hiện vật khác vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhưng lại góp vốn bằng giá trị quyền thuê đất hàng năm của nhà nước; (ii) Chưa có quy định xác định giá trị lợi thế vị trí đất theo giá thị trường để thu về cho Nhà nước, dẫn đến giá trị lợi thế về đất thay vì được trả cho Nhà nước thì lại được chuyển cho doanh nghiệp; (iii) Còn kẽ hở pháp lý để DNNN mặc dù không có quyền chuyển nhượng đất thuê nhưng vẫn có quyền lựa chọn hình thức liên doanh, hợp tác đầu tư thông qua góp vốn bằng quyền thuê đất, do đó tránh được việc nhà nước thu hồi đất; (iv) Chưa có qui định chặt chẽ trong việc cấp giấy phép thành lập, thời gian hoạt động của công ty liên doanh, hợp tác đầu tư có vốn góp là lợi thế quyền sử dụng đất của DNNN, dẫn đến các doanh nghiệp thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư chỉ là hình thức, có thể thoái vốn hoặc chuyển nhượng vốn góp ngay sau khi thành lập; (viii) Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa, thoái vốn chưa có quy định về tiêu chí, thời gian tối thiểu nắm giữ cổ phần khi thoái vốn, phát hành cổ phiếu riêng lẻ; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa chủ yếu là về năng lực tài chính, chưa thu hút được các nhà đầu tư có năng lực về chuyên môn có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ, quản trị, phát triển thị trường.

2.2. Đối với kiểm toán xác định GTDN trước khi cổ phần hóa

(1) Việc hướng dẫn xác định GTDN trong việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ đối giá trị  tài sản đã hạch toán bằng ngoại tệ, nợ phải trả có gốc ngoại tệ không thống nhất. Qua kiến nghị của KTNN, đến nay, tồn tại này mới được làm rõ trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2018).(2)Chưa có hướng dẫn xác định giá trị tiềm năng phát triển đối với các trường hợp Công ty mẹ không có lợi nhuận sau thuế, nhưng các công ty phụ thuộc hạch toán đầy đủ và có lợi nhuận sau thuế đồng thời nộp thuế TNDN tại địa phương.(3)Nội dung hướng dẫn việc xác định tỷ lệ chất lượng của tài sản không rõ ràng, khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. (4)Một số văn bản hướng dẫn về xác định GTDN còn có điểm chưa rõ, còn tạo nên cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện như về thời điểm tổ chức xác định GTDN và thời điểm tổ chức thực hiện xác định GTDN đối với “ Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán...”.Tồn tại này, tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP đã quy định một thời điểm là thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.(5) Một số văn bản quy định về suất đầu tư, chỉ số giá xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành chưa có quy định về tên gọi, loại tài sản, kết cấu có tính đặc thù của doanh nghiệp nên các tổ chức tư vấn định giá phải nội suy theo tài sản tương đương để định giá vì vậy chưa đảm bảo tính thống nhất, chưa đủ cơ sở pháp lý;(6)Việc xác định giá thực tế của tài sản còn chưa thống nhất trong công thức tính giá về thời điểm tổ chức định giá và thời điểm định giá dẫn đến không thống nhất về việc lựa chọn thời điểm xác định giá thực tế của tài sản. Vấn đề này, tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP đã quy định một thời điểm là thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.(7) Việc xác định giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác còn chưa có hướng dẫn đối với các trường hợp sau: (i) Trường hợp giá trên thị trường chứng khoán hoặc giá trên thị trường UPCOM thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng), công ty cổ phần có vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động kinh doanh có lãi, giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần này được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nhưng vẫn thấp hơn khi xác định theo giá trên thị trường chứng khoán hoặc UPCOM. (ii)Trường hợp giá trên thị trường chứng khoán hoặc giá trên thị trường UPCOM thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng), công ty cổ phần có vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động kinh doanh có lãi, giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần này được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có giá trị cao hơn khi xác định theo giá trên thị trường chứng khoán hoặc UPCOM nhưng lại thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán của DN CPH.(8)Chưa có hướng dẫn việc xác định giá trị thực tế của hàng tồn kho tại thời điểm xác định GTDN, đối với hàng tồn kho được doanh nghiệp cổ phần hoá nhập mua thanh toán bằng ngoại tệ.

Từ thực tế hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI đã rút ra bài học để thực hiện nhiệm vụ các năm tiếp theo như sau:

Thứ nhất: Kinh nghiệm về công tác kiểm toán xác định GTDN

(1) Về  tổ chức đoàn kiểm toán xác định GTDN

Theo quy định,chỉ sau nhận được hồ sơ xác định GTDN do cơ quan có thẩm quyền quyết định GTDN thì KTNN mới đủ điều kiện để thực hiện kiểm toán.Vì vậy KTNN không thể chủ động lập kế hoạch kiểm toán, để khắc phục cần:

+ Chủ động cập nhật thông tin, tình hình xác định GTDN để dự kiến kế hoạch kiểm toán dự phòng.

+ Cập nhật tình hình đơn vị đầy đủ, trao đổi và tiếp thu những kinh nghiệm từ các cuộc kiểm toán xác định GTDN đã làm và những cuộc đang thực hiện; Tổ chức khảo sát có trọng tâm trọng điểm, phát hiện đúng trọng yếu, rủi ro của cuộc kiểm toán;

+ Sắp xếp nhân sự đoàn kiểm toán có trình độ chuyên môn cao, phân công KTV hợp lý với cơ cấu của đơn vị được kiểm toán; Thảo luận, tập huấn cho KTV nắm rõ cách thức thực hiện kiểm toán, vì vậy khi triển khai kiểm toán, KTV làm được ngay;

+ Kiểm toán xác định GTDN liên quan đến nhiều đầu mối kiểm toán, nhiều đơn vị quản lý phát sinh nhiều vấn đề mới và phức tạp, thời gian ngắn. Trong một số trường hợp cụ thể, cần báo cáo lãnh đạo KTNN xin cơ chế đặc thù về xét duyệt KHKT. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Đoàn kiểm toán thường xuyên báo cáo và xin ý kiến trao đổi với lãnh đạo Vụ và các vụ tham mưu để giải quyết các vấn đề phát sinh có đang có sự khác biệt giũa lý luận và thực tế để có hướng giải quyết kịp thời.

(2) Phối hợp tốt với đơn vị được kiểm toán và đơn vị chủ sở hữu của đơn vị được xác định GTDN để Cổ phần hóa

Việc xác định GTDN gồm 02 phần: Phần xử lý tài chính do đơn vị được kiểm toán thực hiện, phần định giá tài sản do đơn vị tư vấn thực hiện, Đoàn kiểm toán phải trao đổi tranh luận với cả 2 đơn vị về kết quả định giá. Để làm việc có hiệu quả kế hoạch làm việc củaĐoàn kiểm toán phải phối hợp thời gian và nội dung làm việc với cả 2 bên để tránh tình trạng khi phát hiện kiểm toán về nội dung của bên này thì phải chờ đợi làm việc để khớp với ý kiến của bên kia mới kết luận được đồng thời  hạn chế vướng mắc trong viêc ký Biên bản kiểm toán cũng như thu thập bằng chứng kiểm toán theo quy định.

Do tính chất phức tạp của công tác xác định GTDN, nhiều vấn đề tại đơn vị được kiểm toán và Tổ chức tư vấn không đủ thẩm quyền giải quyết; các Đoàn kiểm toán cần kịp thời báo cáo lãnh đạo KTNN xin ý kiến chỉ đạo để gửi công hoặc trao đổi với đơn vị chủ sở hữu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ kiểm toán.

Thứ hai: Một sốgiải pháp triển khai thực hiện năm 2018và các năm tiếp theo

- Khắc phục khó khăn trong việc giao kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán; làm tốt ngay từ khâu khảo sát lập kế hoạch kiểm toán. Tổ chức tập huấn cho KTV đầy đủ trước khi thực hiện kiểm toán;

- Tăng cường sự phối hợp với các vụ tham mưu trong quá trình thực hiện kiểm toán; chủ động đề xuất và làm việc với cơ quan có thẩm quyền quyết định GTDN để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả kiểm toán;

- Tăng cường đào tạo kiến thức kiểm toán định giá và xử lý các vấn đề tài chính của doanh nghiệp trước khi chính thức cổ phần hóa cho KTV trong đơn vị; trước mắt cần ưu tiên chọn những KTV có trình độ thực hiện các cuộc kiểm toán xác định GTDN; Nghiên cứu cơ sở pháp lý cho việc định giá tài sản của kiểm toán viên, nếu việc định giá của KTV đủ cơ sở pháp lý thì phải xem xét việc đào tạo và cấp chứng chỉ thẩm định giá cho KTV.

Như vậy có thể nói, công tác kiểm toán tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa của KTNN thời gian qua có vai trò rất quan trọng. Thông qua công tác kiểm toán hoạt động quản lý sử dụng vốn tài sản tại các doanh nghiệp, kiểm toán chuyên đề tái cơ cấu DNNN, kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã kiến nghị các doanh nghiệp nộp thêm cho NSNN hàng chục ngàn tỉ đồng; kiến nghị tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 20 ngàn tỉ đồng; Kiến nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý sử dụng, đầu tư vốn, thoái vốn nhà nước; trong công tác quản lý đất đai và các nguồn lực khác thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp. Cũng thông qua kiểm toán, KTNN đã có nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần. Đặc biệt, KTNN cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành chỉnh sửa, hoàn thiện, bổ sung một số cơ chế, chính sách còn bất cập liên quan đến tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng như công tác tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; kiến nghị các giải pháp giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp được kiểm toán.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang nỗ lực lãnh đạo, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, những thành tựu đã nêu cho thấy, KTNN đã đóng góp quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN hướng đến mục tiêu hiệu quả, hiệu lực nhằm thực hiện thành công chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước./.

Kiểm toán trưởng - Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI - Nguyễn Anh Tuấn

Chia sẻ bài viết