Tiếng Việt | English

17/05/2023 - 09:46

Kiến Bình: Phấn đấu "về đích" xã nông thôn mới nâng cao năm 2023

Năm 2020, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, xã nỗ lực giữ vững, nâng chất các tiêu chí, phấn đấu "về đích" xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023.

Chủ tịch UBND xã Kiến Bình - Trần Thanh Hưng cho biết: “Mục đích xây dựng xã NTM, NTM nâng cao là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, xây dựng vùng quê đáng sống. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ điều này nên đồng tình hưởng ứng, hiến đất, hoa màu, kinh phí, ngày công,… cùng địa phương thực hiện”.

Cầu giao thông xã Kiến Bình được xây dựng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"

Tuyến đường 2000 Bắc (thuộc ấp 7 Mét) vừa có 5 cây cầu giao thông được khánh thành, đưa vào sử dụng, kinh phí bình quân 500 triệu đồng/cây cầu, xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (trong đó ngân sách xã, huyện đối ứng 40%, số còn lại vận động xã hội hóa). Anh Võ Thanh Phong (ấp 7 Mét) bộc bạch: “Dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng khi hay tin địa phương chuẩn bị xây cầu giao thông, vợ chồng tôi đăng ký nấu ăn cho thợ gần 1 tháng. Hàng xóm thấy vậy cũng đem gạo, cá đến giúp bữa ăn cho thợ được đa dạng hơn. Đặc biệt, khi đổ sàn cầu, nhiều người bỏ hết công việc nhà để cùng thợ làm. Ngày khánh thành cầu, ai nấy đều vui mừng, cùng nhau nấu ăn, gói bánh”.

Một trong những "điểm sáng" trong hành trình xây dựng NTM nâng cao ở xã Kiến Bình là việc huy động sức dân nâng chất tiêu chí môi trường. UBND xã giao các hội, đoàn thể ra quân trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường; vận động người dân có hoa, cây xanh trước nhà thường xuyên tưới nước, bón phân. Đối với những tuyến đường nhỏ, xe lấy rác không vào được, xã thành lập 4 đoàn đến từng nhà phát tờ rơi, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn; duy trì và nhân rộng mô hình Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lợi (ấp 7 Mét) cho hay: “Tôi thường xuyên dọn dẹp cỏ trước cổng nhà. Đặc biệt, sau khi nghe các ngành chức năng tuyên truyền, gia đình tôi bỏ thói quen chôn lấp rác sinh hoạt mà phân loại rồi vận chuyển đến nơi xử lý thích hợp”.

Ông Trần Thanh Hưng cho biết thêm: “Thực hiện theo lời Bác dạy: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Trước khi vận động người dân hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động thì cán bộ, đảng viên luôn là người đi đầu thực hiện, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai ra dân. Trong quá trình thực hiện, xã cử cán bộ chuyên môn, trưởng ấp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ dân, trường hợp gặp khó khăn thì báo cáo ngay để có biện pháp tháo gỡ kịp thời”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết