Tiếng Việt | English

09/02/2021 - 16:45

Kỳ công chế tác mỹ nghệ từ sừng

Qua bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo của người thợ, những nguyên liệu thô ráp, sần sùi, thậm chí là phần bỏ đi như sừng, móng, xương (trâu, bò),… đã trở thành những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, đẹp mắt. Làng mỹ nghệ từ sừng trâu, bò ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM nhờ đó cũng trở nên nổi tiếng với khách hàng gần, xa.

Trải qua không ít thăng trầm

Làng mỹ nghệ sừng ở Hóc Môn có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Những sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ sừng có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí nhiều sản phẩm đã “xuất ngoại” và có được vị thế nhất định. Song ít người biết rằng, những người thợ theo nghề làm đồ mỹ nghệ từ sừng ở Hóc Môn có nguồn gốc từ làng chế tác sừng Đô Hai (Hà Nam). Làng mỹ nghệ sừng Đô Hai đã trải qua hơn 100 năm thịnh đạt. Đây cũng là cái nôi đào tạo nên nhiều tay thợ lành nghề, sau này đến nhiều nơi để lập nghiệp. Và mảnh đất Tân Xuân, Hóc Môn trở thành “công xưởng” chế tác mỹ nghệ sừng trâu, bò từ năm 1954.

Loại sừng mua từ châu Phi thường to, dài và có màu trắng đặc trưng, khác biệt so với sừng trâu, bò thu mua trong nước nên thành phẩm có sự khác biệt

Cũng như nhiều làng nghề thủ công khác, làng nghề mỹ nghệ sừng trên mảnh đất vùng ven thành phố cũng trải qua không ít thăng trầm. Nhớ lại thời hoàng kim của nghề, anh Nguyễn Văn Trung (chủ cơ sở Sừng Mỹ nghệ Hóc Môn) kể: “Ngày đó, sau các hội chợ triển lãm, có nhiều khách sỉ, lẻ tìm đến làng nghề để đặt hàng. Đơn hàng xuất sang các nước châu Âu cũng đều đặn”. Tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu của khách trong nước giảm dần và yêu cầu của khách nước ngoài ít nhiều thay đổi nên có thời gian, làng nghề trầm lắng.

Muốn duy trì nghề, nhiều xưởng thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm. Anh Đỗ Thế Vinh (chủ cơ sở Tài Vinh) bộc bạch: “Nắm bắt nhu cầu thị trường, các sản phẩm dần đa dạng hơn. Ngoài sản phẩm mỹ nghệ, nhiều xưởng còn làm trang sức, đồ trang trí nội thất,... Nhờ vậy mà một số hộ vẫn sống được với nghề”.

Hiện nay, các sản phẩm từ sừng, móng, xương trâu, bò khá đa dạng nhưng chủ yếu được chia thành hai nhóm cơ bản: Hàng mỹ nghệ phục vụ trưng bày, trang trí và hàng mang tính ứng dụng như lược, muỗng, nĩa, chén,... Các sản phẩm của làng mỹ nghệ sừng ở Hóc Môn ngoài được bày bán tại xưởng, quảng bá qua các trang web của xưởng còn “có mặt” tại nhiều cửa hàng chuyên đồ thủ công phục vụ khách du lịch ở chợ Bến Thành và một số siêu thị,... Theo anh Nguyễn Văn Trung, năm qua, dù dịch bệnh ở các nước còn diễn biến phức tạp nhưng xưởng của anh vẫn nhận đơn hàng đều đặn, chủ yếu là làm lược, nĩa, muỗng, đũa từ móng, sừng trâu, bò.

Khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn

Nguyên liệu sừng, móng và xương trâu, bò được thu mua từ các cơ sở giết mổ lớn trong nước; ngoài ra có một số được mua từ các nước châu Phi. Loại sừng mua từ châu Phi thường to, dài và có màu trắng đặc trưng, khác biệt so với sừng trâu, bò thu mua trong nước nên thành phẩm cũng có sự khác biệt. Nguyên liệu thì dễ tìm mua nhưng chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng lại rất khó, qua nhiều công đoạn.

Hiện nay, các sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống hàng ngày như lược, nĩa, muỗng,… được nhiều khách hàng ưa chuộng

Sừng mua về ngâm nước từ 12-14 giờ, sau đó cắt thành ống, hơ, ép thành khuôn rồi cắt, chà láng, đánh bóng,... Mỗi công đoạn đều phải thật khéo tay, tinh mắt. Chẳng hạn, làm hoàn thiện một con rồng, người thợ phải cưa sừng thành phôi, mài, đục, uốn sản phẩm, sau đó tạo dáng và đục chi tiết trên sản phẩm,... Trước đây, khi chưa có máy móc thì tất cả công đoạn đều được làm thủ công. Hiện nay, với sự giúp sức của máy móc, các sản phẩm càng tinh xảo hơn.

Anh Nguyễn Văn Hải (một thợ sừng lành nghề) chia sẻ: “Chỉ với một dụng cụ là chiếc mô tơ điện và các nguyên liệu đã qua sơ chế, nghệ nhân có thể làm những con vật, vật dụng theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, những tay thợ giỏi có thể làm ra các sản phẩm trang trí có độ tinh xảo cao ngày càng ít vì thế hệ kế thừa không “tha thiết” với nghề”. Cũng theo anh Hải, trước kia, các loại hàng mỹ nghệ tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như các con vật, tượng, các tích cổ như bộ tượng Tam Đa, “long, lân, quy, phụng”, “tùng, cúc, trúc, mai”,… được khách chuộng để trưng bày ngày tết thì bây giờ, những sản phẩm này rất ít đơn hàng mà thay vào đó là các sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống hàng ngày như lược, nĩa, muỗng,...

Những ngày giáp tết, không khí lao động ở các xưởng mỹ nghệ sừng trở nên tất bật. Những đơn hàng cuối cùng trong dịp tết được bao bọc cẩn thận để chuyển đến tay khách hàng muôn nơi. Sự khéo léo, kỳ công của người thợ được đáp lại bằng nụ cười ưng ý của khách hàng khi sở hữu những bộ sừng cong vút trang trí tại phòng khách hoặc làm đẹp cho bàn ăn với những chiếc muỗng, nĩa,… chế tác từ sừng./.

Hà Vân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích