Tiếng Việt | English

22/10/2020 - 10:24

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến hai dự thảo Luật

Ngày 22/10, phiên làm việc sáng, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; phiên chiều sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Luât Cư trú trong phiên làm việc ngày 21/10 ( Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 22/10, trong phiên làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Cụ thể, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 04 Điều.

Những nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính...


Vấn đề được dư luận quan tâm trong dự thảo Luật là về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, quy định tại Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được bổ sung điểm đ khoản 2 và khoản 2a: “biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. 

Nội dung này có hai phương án khác nhau trình xin ý kiến Quốc hội. Phương án 1: Giữ quy định của khoản 2 Điều 86 như hiện hành (không bổ sung điểm đ khoản 2 và khoản 2a).

Phương án 2: Bổ sung điểm đ khoản 2 và khoản 2a Điều 86 theo hướng: Quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong hai lĩnh vực là xây dựng và bảo vệ môi trường; đồng thời, việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác không liên quan đến vụ việc vi phạm hành chính.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Dự án Luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 46. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 7 chương, 52 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định rõ Luật không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật dân sự; hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, một số nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: khái niệm thỏa thuận quốc tế; bên ký kết Việt Nam; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; ký kết thỏa thuận quốc tế; hướng dẫn công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; hiệu lực thi hành Luật; quy định chuyển tiếp./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết