Dâng hương tại phần mộ đồng chí Hồ Văn Long. Ảnh tư liệu
Đồng chí Hồ Văn Long sinh năm 1907 trong một gia đình nhà nho ở làng Tân Tạo, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), là con của ông Hồ Văn Quản và bà Nguyễn Thị Ý. Sau khi lấy bằng Thành Chung, năm 1925, ông về quê nhà dạy học và được mọi người gọi một cách thân thiết là Giáo Long.
Thuộc lớp thanh niên trí thức tân học lúc bấy giờ, ông sớm nhận ra bất công của chế độ thực dân, phong kiến và nuôi ý chí cách mạng, tham gia vào “hội kín” Nguyễn An Ninh vận động chống Pháp ở Gia Định - Chợ Lớn, rồi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 7/1929). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3/2/1930), đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Gia Định, đã đẩy mạnh hoạt động phát triển cơ sở đảng ở tổng Long Hưng Thượng, quận Trung Quận và nhiều địa phương thuộc tỉnh Gia Định - Chợ Lớn. Tháng 4/1930, đồng chí cùng anh trai là Hồ Văn Kỷ và một số đồng chí khác về ấp Phước Thuận, làng Phước Lâm, quận Cần Giuộc (nay thuộc xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) ở nhà ông Bùi Bổn Phận để tuyên truyền, vận động gây dựng cơ sở đảng, khoảng 1 tháng sau thành lập Chi bộ Phước Lâm - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của quận Cần Giuộc và là một trong những chi bộ đầu tiên của tỉnh. Trong thời gian hoạt động ở Cần Giuộc, đồng chí kết nạp vào Đảng nhiều đảng viên ưu tú, trong đó có đồng chí Trương Văn Bang (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn và Bí thư Xứ ủy Nam kỳ).
Ngày 04/6/1930, đồng chí Hồ Văn Long trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của nông dân vùng Bà Hom, song song với cuộc đấu tranh của nông dân Đức Hòa, Hóc Môn, là đợt biểu tình lớn chưa từng có ở Nam bộ, làm chấn động dư luận, thực dân Pháp và tay sai hết sức hoảng sợ.
Tháng 8/1930, đồng chí Hồ Văn Long và đồng chí Trương Văn Bang về thị trấn Cần Giuộc lập Quận ủy đầu tiên của quận Cần Giuộc. Từ cuối năm 1930 đến năm 1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố, cơ sở đảng ở tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định nhiều lần tan vỡ, đồng chí làm nhiệm vụ củng cố, khôi phục và lần lượt giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau khi Xứ ủy Nam kỳ bị vỡ, ngày 05/02/1932, đồng chí chủ trì Hội nghị cán bộ Đảng của một số tỉnh tại Bình Đăng, quyết định thành lập Xứ ủy lâm thời Nam kỳ do chính đồng chí làm Bí thư. Cuộc họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị điều kiện tái lập Xứ ủy chính thức. Sau thời gian củng cố các tỉnh ủy, đồng chí triệu tập Đại hội Xứ ủy toàn xứ bầu Xứ ủy chính thức. Ngày 11/10/1932, do nội gian, đồng chí bị bắt khi đang họp cùng một số xứ ủy viên tại một căn nhà ở đường Cô-lô-nen Gơ-ri-mô (nay là đường Lê Lai) và bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày Côn Đảo và 10 năm biệt xứ. Trong lao tù đế quốc, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với địch, được bầu vào chi ủy chi bộ nhà tù cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí được Xứ ủy Nam bộ rước về đất liền và giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trong thời gian đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, đồng chí tích cực lãnh đạo công tác phục hồi, phát triển tổ chức đảng, củng cố, phát triển phong trào kháng chiến. Cuối năm 1946, khi tình hình tỉnh Chợ Lớn tạm ổn, đồng chí được Xứ ủy phân công làm nhiệm vụ Thanh tra chính trị các tỉnh miền Đông. Tháng 5/1948, trong một chuyến công tác qua quê nhà Tân Tạo, đồng chí bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết nên địch không biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng và đưa về giam ở Bến Lức rồi Sài Gòn, sau đó là trại giam Phú Lâm. Do bị cực hình tra tấn nhiều năm trong ngục tù đế quốc, đồng chí lâm bệnh nặng, địch phải đưa vào Nhà thương Chợ Rẫy và qua đời vào ngày 17/3/1949 (nhằm ngày 18/02 năm Kỷ Sửu).
Giặc giết đồng chí Hồ Văn Long nhưng không giết được tinh thần và khí tiết cách mạng mà đồng chí gieo mầm trên mảnh đất Chợ Lớn - Tân An, để rồi khí phách ấy, tinh thần ấy và phong trào cách mạng ấy đã tô thắm thêm truyền thống của mảnh đất này. Đồng chí đã để lại cho lớp thanh niên yêu nước khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng một tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù của người cộng sản kiên cường, mẫu mực, hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản. Tinh thần ấy, khí tiết ấy mãi mãi xứng đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Thuộc lớp những người cộng sản tiền bối, cuộc đời hoạt động của đồng chí Hồ Văn Long gắn liền với buổi đầu ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng và nhân dân Nam bộ thành đồng. Trong những ngày đầu ươm mầm cách mạng, đồng chí đã chọn cho mình nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, nặng nề, đầy khó khăn, phức tạp,... Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng quang vinh của đồng chí là niềm tự hào, là biểu tượng sinh động và hào hùng của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Long An và TP.HCM - 2 địa phương đã kề vai sát cánh cùng tạo nên trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. 70 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Hồ Văn Long ra đi nhưng tấm gương hoạt động cách mạng kiên trì, bền bỉ, tinh thần dũng cảm, bất khuất của đồng chí vẫn sống mãi với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An và TP.HCM.
Tôn vinh người chiến sĩ cộng sản tiên phong, nhà cách mạng kiên cường, nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tình cảm cách mạng cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Long An phối hợp TP.HCM tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 70 năm ngày mất đồng chí Hồ Văn Long (1949-2019) vào ngày 23/3/2019 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) - nơi an nghỉ của đồng chí. Dự lễ dâng hương đồng chí Hồ Văn Long, ngoài các đại biểu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan của 2 địa phương TP.HCM và Long An, đại diện gia tộc đồng chí Hồ Văn Long, còn có mặt đông đảo học sinh của các trường học ở quận Bình Tân và đặc biệt là của ngôi trường mang tên đồng chí, Trường THCS Hồ Văn Long. Đây là dịp để tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong của Đảng, là biểu hiện có ý nghĩa thiết thực trong việc tri ân và tôn vinh thế hệ cách mạng tiền bối có công với nước, góp phần giáo dục truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông ta.
Kỷ niệm 70 năm ngày mất đồng chí Hồ Văn Long, nhắc lại tấm gương, tinh thần và khí tiết của người cộng sản chân chính để học tập và phát huy trong điều kiện mới phải chăng cũng là một hành động thiết thực giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp./.
Tôn vinh người chiến sĩ cộng sản tiên phong, nhà cách mạng kiên cường, nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tình cảm cách mạng cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Long An phối hợp TP.HCM tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 70 năm ngày mất đồng chí Hồ Văn Long (1949-2019) vào ngày 23/3/2019 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) - nơi an nghỉ của đồng chí". |
Nguyễn Tấn Quốc