Những ngày tháng Tư, những người lính trở về nhớ thương đồng đội. Ký ức đau thương nhưng rất đỗi hào hùng.
Những ngày tháng Tư, người trở về trái tim chảy máu. Cuộc sống mưu sinh sau thời hậu chiến, không kém chiến trường đổ máu năm xưa. Vẫn canh cánh bên lòng lời trăn trối năm xưa “Kết thúc chiến tranh, đứa nào còn sống nhớ về thăm bố mẹ, trao lại cho người yêu tao chiếc lược này kỷ niệm, chiếc quẹt zipô này, nhớ trao tận bố mẹ tao... và tấm ảnh chụp chung gia đình tao nữa…nhớ…!”.
Có những người lính ra đi, không kịp để lại gì, kể cả lời trăn trối… Thân thể anh hòa vào sông suối,... bao năm dài mẹ mòn mỏi đợi chờ con. Trước lúc ra đi vẫn đau đáu nỗi buồn, thằng Út, con Tư, thằng Hai sao đi mãi không về cho mẹ nhìn lần cuối,...Nỗi đau của mẹ khắc vào sông núi. Giọt nước mắt giữa trời vòi vọi… Tượng đài cao, mây trắng mãi Mẹ ơi!
41 năm sau, có một người lính già lặn lội, lên thăm lại cao điểm năm xưa (cao điểm 1015), nơi trận đánh 400 người ngã xuống. Đơn vị anh phơi mình giữ chốt, giữa biển lửa napan, B52 trải thảm ngày đêm… Không một người lính nào rời vị trí, để kẻ thù phải khiếp đảm hồn kinh bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử!
Ngày kết thúc chiến tranh, những gương mặt lấm lem khói súng. Giữa nước mắt, nụ cười mấy chục năm ròng chờ đợi. Tiếng nấc nghẹn ngào khóc bao đồng đội, nằm lại ngay cửa ngõ Sài Gòn, ngay giây phút kết thúc chiến tranh cho đồng đội anh cắm cao cờ Dinh Độc Lập.
41 năm sau, nghĩa tình đồng đội. Những cuộc hành hương “Đưa quê hương đến cho đồng đội”, giữa bạt ngàn cỏ lau làm mộ chí, nắng gió tháng Tư chang chang đổ lửa, người lính già run run cắm bó nhang thơm khấn hương hồn đồng chí. Gọi những cái tên thân thương: Anh Hiệp, anh The, anh Hinh, anh Cường, anh Tiến… những linh hồn bất tử. Mãi mãi tuổi đôi mươi cùng sông núi, lòng người!/.
Trần Thị Bửu Luật