Báo cáo xuyên tạc, xa rời thực tế
HRW vu cáo rằng, năm 2023 là năm ảm đạm cho nhân quyền Việt Nam; quy chụp Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự. Báo cáo còn cho rằng “nhà cầm quyền hạn chế ngặt nghèo các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận và truyền thông, nhóm họp, lập hội”.
Ảnh minh họa: Internet
Báo cáo dẫn ra những số liệu không có căn cứ về những người vận động cho nhân quyền bị xét xử với bản án tù nhiều năm. Trong đó, có Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Văn Phước. Báo cáo nêu "các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bắt giữ tùy tiện, biệt giam". Trong đó, HRW còn quy chụp rằng, Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự, như bắt giữ và xét xử “nhà bảo vệ môi trường hàng đầu Hoàng Thị Minh Hằng với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế” hoặc “nhà vận động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách”. HRW còn rêu rao "hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm các tòa án ở Việt Nam thiếu tính độc lập, áp đặt cho những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội dân sự những án tù dài hạn dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia...".
Phó Giám đốc châu Á của HRW - Robetson tiếp tục bịa đặt: “Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp hay quyền tự do lập hội đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống. Chính phủ đã đi thụt lùi quá xa về nhân quyền, không theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn”. Rõ ràng đó là những vu cáo thể hiện rõ định kiến với thể chế chính trị ở Việt Nam của HRW. Báo cáo hàng năm của tổ chức này đều phiến diện, bịa đặt, “nhai đi nhai lại” những nội dung sai sự thật.
Thực tiễn tại Việt Nam hoàn toàn bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc của HRW
Phủ nhận những cáo buộc sai trái này, ngày 25/01/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là tổ chức nhân quyền với những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo".
Không chỉ bác bỏ bằng các quy tắc ngoại giao, Việt Nam còn phản bác lại HRW bằng thực tiễn về việc quan tâm bảo vệ, thực thi quyền con người. Hàng chục năm nay, Việt Nam liên tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Thành tựu, uy tín trong bảo vệ quyền con người của Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chính vì vậy, với số phiếu cao, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ thứ 2 (2023-2025).
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập hầu hết công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; gia nhập 25 công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế - cơ quan đặc biệt của Liên Hợp Quốc liên quan đến các vấn đề về lao động) như: Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (CCPR); Công ước quốc tế về các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW);...
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực, tiến bộ về quyền con người. Ngay cả Hoa Kỳ hiện nay chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989, Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, trong khi đó, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bắt, giam giữ, cải tạo được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, minh bạch, hạn chế oan sai, hạn chế bỏ lọt tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Từ đó, người dân được bảo đảm quyền về việc làm, thu nhập, quyền sở hữu, an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe, quyền được tham gia học tập, giáo dục, quyền được tham gia vào đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia tôn trọng, công nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đến hết năm 2023, Việt Nam đã cấp, đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với hơn 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 54.000 chức sắc, hơn 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự,...
Những thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam là không thể phủ nhận, vậy mà HRW vẫn "đổi trắng thay đen", xuyên tạc, vu cáo Việt Nam theo kiểu phủ định sạch trơn. Không những đối với Việt Nam, HRW còn có báo cáo phiến diện về tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, HRW ngày càng bị tẩy chay; các báo cáo, phúc trình về nhân quyền của tổ chức này thường bị bộ ngoại giao của nhiều nước cho rằng sai sự thật, mang màu sắc chính trị và chủ quan, áp đặt. Nga, Trung Quốc, Singapore, Cuba, Srilanka, Triều Tiên, Ethiopia, Sryria,... liên tục bác bỏ, phản đối, chỉ trích những báo cáo của HRW. Thậm chí, nhiều quốc gia đã “cấm cửa” trang website của HRW vì tổ chức này thường xuyên đội lốt “theo dõi nhân quyền” để tuyên truyền xuyên tạc, phát tán những nội dung thông tin sai lệch, kích động, vi phạm các quy định về an ninh quốc gia.
Ngay cả tại Hoa Kỳ - nơi HRW ra đời - cũng tẩy chay HRW. Ông Geoffrey Com - Giáo sư tại Đại học Luật Nam Texas Houston, thành viên Trung tâm Quốc phòng và Chiến lược của Viện Do Thái về an ninh quốc gia Hoa Kỳ (JINSA), đã có bài viết vạch trần những báo cáo của HRW và khẳng định: “Báo cáo của HRW không sở hữu những sự thật, mang nặng tính suy đoán và nhiều sai sót”.
Rõ ràng, một tổ chức mất uy tín như HRW mà lại ngang nhiên báo cáo về nhân quyền ở Việt Nam thì chẳng khác nào làm trò hề trong đời sống chính trị của thế giới./.
Huyền Linh