Tiếng Việt | English

28/08/2016 - 08:57

Làm gì để tranh dân gian hồi sinh?

Để tranh dân gian sống được trong cuộc sống hiện đại, cần đưa tranh dân gian thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân và du khách.

Trước sự mai một của các dòng tranh dân gian, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai, góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để hoạt động này đạt hiệu quả bền vững cần phải có một giải pháp đồng bộ, đặc biệt là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực để bảo tồn di sản này.

Nhiều năm nay, những dòng tranh dân gian Việt Nam như tranh Kim Hoàng, tranh gói vải… gần như biến mất hoặc cận kề với nguy cơ thất truyền. Việc phục hồi những dòng tranh này có thời gian tưởng như đã đi vào quên lãng. Nhưng nhờ nỗ lực của những người tâm huyết với nghệ thuật, những tác phẩm mang hồn cốt dân gian này đang dần trở lại gần hơn với công chúng.

Triển lãm giới thiệu tranh dân gian đến công chúng

Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội đã có 800 bức tranh dân gian các loại ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bà đã phối hợp thực hiện 2 triển lãm về tranh dân gian tại Hà Nội, đồng thời triển khai dự án phục chế các dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam, trong đó có dự án khôi phục tranh Kim Hoàng một dòng tranh dân gian nổi tiếng của Hà Nội.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ở làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống" trở thành điểm tham quan quen thuộc của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu tranh dân gian Đông Hồ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, bên cạnh sự nỗ lực của nghệ nhân, cá nhân tâm huyết, để làm sống lại dòng tranh dân gian Đông Hồ nói riêng và tranh dân gian nói chung cần có hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách đối với các nghệ nhân làng tranh và đặc biệt là đầu ra của sản phẩm.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ: "Ở Đông Hồ nhiều gia đình cũng rất tâm huyết với nghề tranh nhưng bây giờ đầu ra không có thì họ không làm được. Còn hàng mã bây giờ sống được là do cả nước có nhu cầu. Nếu bây giờ tranh Đông Hồ phát triển được được như hàng mã thì vui quá. Đấy là điều tôi rất trăn trở".

Sưu tập Mộc bản tranh dân gian Kim Hoàng, Thập vật, làng Sình

Với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, sự du nhập của nhiều loại tranh, ngày nay tranh dân gian dần mất đi vị trí trang trọng trong những ngôi nhà hiện đại. Mặt khác, thú chơi tranh dân gian ngày Tết cũng ngày một bị lãng quên. Vì vậy, để tranh dân gian sống được trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại cần quảng bá đưa tranh dân gian thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân và du khách. Đặc biệt là khi mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhà nhà lại tìm mua tranh treo Tết hay làm quà cho bạn bè, người thân.

Họa sỹ Trang Thanh Hiền, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Thực ra người Việt đã có lịch sử chơi tranh rất lâu, từ những thế kỷ t 15, 16 khi mà những dòng tranh này xuất hiện. Họ không chỉ chơi tranh trong dịp Tết mà tranh của người Việt còn đóng góp vào đời sống tâm linh, ví dụ trong đạo thờ gia tiên hay trong các đền phủ, chùa chiền thì tranh cũng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, việc khơi lại truyền thống của người Việt chơi tranh và quay trở lại với thẩm mỹ dân gian truyền thống là điều nên làm, cần phải gìn giữ để khuyến khích người Việt không chỉ chơi tranh hiện đại mà còn chơi tranh dân gian để làm phong phú đời sống tinh thần".

Việc truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian. Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học nghệ thuật Huế: Ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, bảo tồn kỹ thuật làm tranh dân gian và có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho các nghệ nhân còn sống để họ truyền nghề cho thế hệ trẻ.

PGS-TS Phan Thanh Bình chia sẻ: "Chúng ta dường như không có kinh nghiệm trong vấn đề này, việc bảo tồn hết sức hình thức và bảo tồn theo thời vụ, tổ chức festival hoặc lễ hội xong rồi không ai kiểm tra, không ai tiếp tục đầu tư nên lại chết. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy, phục dựng tranh thì nên đi sâu vào chiều sâu của tranh và niềm tin mà người dân gửi gắm trong đó, vào trong cốt lõi văn hóa nhân văn của nó. Và từng nào còn tìm được những người tâm huyết với điều đấy thì chúng ta mới bảo tồn được. Không thể hô hoán lớp trẻ hãy học dân gian, học truyền thống đi, hình thức thì không thể tồn tại được".

Theo nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội: Hiện nay, những người khắc được bản mộc tranh dân gian và người bồi tranh dân gian ở nước ta không còn nhiều. Đây cũng là một khó khăn trong không việc khôi phục các ván in tranh dân gian cổ, nguyên mẫu. Đặc biệt, các bản mộc tranh hiện bị thất lạc nhiều nên các mộc bản còn lưu giữ hiện nay vô cùng quý giá. Vì vậy, Nhà nước, các địa phương có làng nghề cần có những giải pháp lưu giữ, bảo tồn kịp thời.

"Tranh dân gian vẫn chỉ là một ngách rất nhỏ trong văn hóa Việt Nam. Do đó, nó vẫn chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức và cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào dài hơi hoặc một cuốn sách nào đấy nó quy mô, khái quát được. Nếu như Nhà nước có những dự án, hỗ trợ để nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam thì tôi nghĩ việc bảo tồn và phát triển nó sẽ tốt hơn rất là nhiều. Và Nhà nước mình mà thành lập được bảo tàng tranh dân gian nữa thì rất là tốt" - nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa nói.

Những giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong tranh dân gian phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân, đơn vị, cá nhân tâm huyết, Nhà nước, chính quyền địa phương các làng nghề cần có chính sách bảo tồn đồng bộ, dài hơi để những giá trị quý báu của tranh dân gian Việt Nam được phát huy trong cuộc sống đương đại./.

Hồng Bắc/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết