Tiếng Việt | English

30/08/2017 - 14:03

Làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội

Giữa cuộc sống hiện đại, một số giá trị truyền thống trong văn hóa gia đình Việt dần bị lãng quên. Vì vậy, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cần được quan tâm nhiều hơn nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội, mà ở đó, nếp nhà phải được giữ gìn và ông bà, cha mẹ phải là người nêu gương.

Dạy con từ thuở còn thơ

Lớn lên cùng những câu chuyện kể của cha là thầy Nho chuẩn mực, xem trọng lễ nghĩa, phép tắc gia đình nên vợ chồng ông Nguyễn Minh Tuấn, ngụ ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An luôn làm theo lời dạy của cha mẹ. Bây giờ, mái tóc điểm bạc nhưng vợ chồng ông vẫn khắc sâu lời dạy ấy để vừa làm gương, vừa giáo dục con, cháu trong nhà.

Giáo dục đạo đức lối sống, gìn giữ hạnh phúc gia đình để hướng đến xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội

Nhấp ngụm trà, ông Tuấn nhớ lại: “Lúc đứa con trai út còn nhỏ, cứ tối đến, nó lại sang nhà đấm lưng cho ông nội. Mỗi lần như vậy, ông nội lại kể cho cháu nghe nhiều câu chuyện về lòng hiếu thảo, nghị lực vươn lên trong cuộc sống,...”. Có lẽ, cùng sự dạy dỗ của mẹ cha, những bài học của ông nội đúc kết sau mỗi câu chuyện ấy nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách tốt cho các con ông Tuấn.

Những năm mới lập gia đình, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nhờ nghị lực nên từ đôi tay trắng, đến nay, vợ chồng ông Tuấn có 12ha đất ruộng - kết quả từ những tháng ngày làm thuê, làm mướn dành dụm, tích lũy nhiều năm. Nhưng, thời ấy, thu nhập từ trồng lúa thấp nên vừa làm ruộng, vừa nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học vô vàn khó khăn.

Ông Tuấn nói rằng: “Mấy đứa nhỏ chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn nên vợ chồng tôi có cực khổ cũng vui. Được dạy bảo từ nhỏ nên mấy đứa con rất ý thức, vừa học, vừa lo phụ gia đình. Đứa con gái lớn một buổi đi học, buổi còn lại bán mía ghim, kiếm tiền đến lớp. Rồi đứa lớn vào đại học, ra trường đi làm, phụ cha mẹ nuôi em nên bây giờ, 3 đứa con đều có nghề nghiệp. Tuy các con lớn khôn, có cuộc sống ổn định nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn nhắc nhở tụi nhỏ phải giữ nề nếp gia đình. Cuối tuần, các con lại hẹn nhau cùng về nhà ăn cơm vui vẻ. Thấy con, cháu hiếu thảo, yêu thương, đoàn kết như vậy, vợ chồng tôi mừng lắm!”.

Còn anh Nguyễn Văn Tâm, dù bây giờ là sĩ quan quân đội, có vợ, con nhưng mỗi ngày, lúc đi làm và về nhà đều khoanh tay lễ phép chào cha, mẹ.

“Có hôm, thấy con đi làm về có uống rượu nên tôi để nó nghỉ ngơi. Vậy mà, từ nhà bếp, nó đi lên phòng khách khoanh tay chào cha, mẹ. Cháu nội tôi cũng giống ba nó, tuy nhỏ nhưng mỗi khi gặp hàng xóm đều lễ phép thưa ông, thưa bà. Chuyện đi thưa, về trình tuy là chuyện nhỏ nhưng phải dạy dỗ từ lúc ấu thơ và duy trì đến lớn khôn. Bởi, đó là lễ nghĩa đầu tiên mà con, cháu phải học để thể hiện sự kính trên, nhường dưới trong gia đình” - ông Nguyễn Văn Lộc, 66 tuổi, ngụ ấp Bình Đức, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An bộc bạch.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - Trần Minh Hiếu, ở gia đình, người lớn nên dạy con cháu biết đối nhân xử thế, điều hay, lẽ phải, lòng khoan dung, những chuẩn mực đạo đức, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác,... Việc dạy, rèn luyện cho con cháu những thói quen, nề nếp và cách sống tốt ngay từ lúc còn nhỏ là yếu tố thuận lợi để phát triển nhân cách.

Cha mẹ phải nêu gương

“Dạy con từ thuở còn thơ” là tốt nhưng để hiệu quả, cha mẹ phải nêu gương. Cũng theo ông Trần Minh Hiếu, khi cha mẹ nêu gương qua từng lời nói, cử chỉ, hành động sẽ tạo một chuẩn mực sống giúp các con học những điều hay, lẽ phải, hình thành nhận thức, tình cảm, niềm tin và định hướng hành động đúng đắn, biết vượt qua thử thách, tránh thói hư, tật xấu và trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt.

Hỏi về sự nêu gương của cha mẹ trong gia đình, ông Nguyễn Văn Lộc chân thành nói: “Điều này không có gì cao xa, cha mẹ sống thế nào thì các con sẽ như thế ấy! Với vợ chồng tôi, lối sống giản dị, tiết kiệm, biết quý trọng mọi người ảnh hưởng lớn đến các con. Từng trải qua thời gian nghèo khó, vợ chồng tôi chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học, chỉ mong các con có nghề nghiệp ổn định, tự lo cuộc sống riêng. Hiện tại, 3 đứa con tôi đều đi làm, lập gia đình. Vợ chồng con trai thứ 3 sống chung với tôi, 2 đứa còn lại ở TP.HCM, đều có nhà cửa ổn định,... Tuy kinh tế khá giả nhưng các con không hề sống xa hoa, lãng phí”.

Lối sống giản dị, yêu lao động của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lộc là tấm gương để các con, cháu trong nhà noi theo

Sống xa quê, bận bịu công việc nhưng ghi nhớ lời cha mẹ dạy, các con của ông Lộc đều dành thời gian chăm sóc gia đình riêng để vun bồi hạnh phúc.

Ông Lộc cho biết thêm: “Nếu tính cần, kiệm, tụi nhỏ học từ cha lẫn mẹ thì riêng tính chu đáo, chăm lo cơm ngon, áo đẹp cho cả nhà lại học từ mẹ. Vợ tôi khi còn làm giáo viên, cứ tan trường về nhà lại cặm cụi lo cơm nước cho gia đình nên các con bây giờ cũng vậy. Muốn tạo nề nếp, giữ hạnh phúc gia đình thì người lớn phải làm gương như thế! Nếu cha mẹ mải lo kiếm tiền, đi sớm, về trễ thì mai này, các con cũng học theo lối sống ấy. Đến thế hệ các cháu nhỏ, ngoài dạy dỗ lễ nghĩa, mỗi mùa hè, con tôi đưa các cháu về quê ở một tuần với ông bà để biết cuộc sống mộc mạc, nghĩa tình ở quê. Qua đó, bọn nhỏ được rèn tính tự lập, biết chịu đựng gian khổ và sống yêu thương nhau”.

Trong nhà phải hiếu thảo, vâng lời ông bà, cha mẹ, khi ra xã hội, với họ hàng, lối xóm,... phải kính trên, nhường dưới, với bạn bè phải tôn trọng, sống chan hòa. Đó là những đức tính mà ông Lộc và nhiều gia đình nêu gương khi giáo dục đạo đức, lối sống cho con, cháu. Cũng vì thế nên khi trưởng thành, sống xa vòng tay cha mẹ, nhiều người trẻ vẫn vững vàng, không sa vào thói hư, tật xấu.

“Dù cả 2 người con trai đều trọ học ở TP.HCM nhưng tôi luôn an tâm; bởi từ nhỏ đến giờ, nhờ được giáo dục tốt nên các con tôi rất ngoan, chăm học, tôi rất yên tâm!” - ông Tô Văn Thành, ngụ khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết.

Thể hiện sự kính trên, nhường dưới  là một trong những chuẩn mực đạo đức mà gia đình ông Tô Văn Thành quan tâm giáo dục con cháu

Sinh ra và lớn lên khi đời sống gia đình khá giả nhưng con trai ông Tô Văn Thành không ỷ lại. Giống như cha mẹ, yêu thích lao động nên cuối tuần về quê thăm nhà, em Tô Văn Công - con trai lớn của ông Thành, lại xắn quần lội ruộng phụ cha hái sen. Ngoài ra, ở địa phương, ông Thành từng hiến 2.000m2 đất ruộng làm đường cũng như ủng hộ các phong trào khác. Thấy cha làm việc có ích, Công cũng làm theo, phù hợp với sức lực, khả năng của mình.

Công chia sẻ: “Khi địa phương tổ chức hoạt động gì phù hợp, em sắp xếp thời gian học ở trường để về tham gia”. Tình yêu thương, ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đôi khi chỉ là những viêc làm nhỏ như thế! Hay gia đình ông Võ Minh Đức, ngụ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An dù có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng vẫn trong ấm, ngoài êm.

Chị Nguyễn Thị Mộng Huyền - con dâu ông Đức, tâm sự: “Ai đến nhà cũng nói tôi là con gái chứ không phải con dâu. Bởi, cha mẹ lúc nào cũng thương yêu, chỉ dạy tôi như con ruột trong nhà. Cha mẹ dù là nông dân nhưng luôn sống tốt, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Đó là niềm tự hào, tấm gương để các con noi theo khi có những người cha, người mẹ tuy không dư dả về vật chất nhưng giàu nghĩa tình”.

Một gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc là một tế bào xã hội lành mạnh trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương. Nhưng, để có nền tảng vững chắc ấy, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhất là trong giai đoạn hiện nay phải được xem trọng.

Chương trình số 38-Ctr/TU, ngày 17/10/2014 của Tỉnh ủy (khóa IX) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh, trong đó, đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình là nơi hình thành nhân cách, lối sống con người, nơi giữ gìn và lưu truyền di sản văn hóa dân tộc, cung cấp lực lượng lao động giỏi, công dân hữu ích cho xã hội,.../.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết