Tiếng Việt | English

13/03/2016 - 06:41

Làng gốm truyền thống Tân Phước Khánh

Làng gốm Tân Phước Khánh là một trong những lò gốm truyền thống còn lại tồn tại ở Bình Dương, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh những người thợ nơi đây phải trải qua rất nhiều công đoạn, tất cả công đoạn đều được làm thủ công và được nung bằng lò củi truyền thống.

Ngày trước khi nhắc đến phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ai cũng biết đến làng gốm nổi tiếng này, vì những sản phẩm được tạo ra rất công phu, tỉ mỉ từ chính đôi bàn tay tài hoa nhiều kinh nghiệm của những người thợ nơi đây. Thế nhưng, hiện nay khó khăn là đầu ra không ổn định, thu nhập lại thấp, thay vì các mặt hàng chén, bát được làm cổ truyền thì giờ họ chuyển sang hàng xuất khẩu, những mặt hàng nặn bằng tay đang bị khan hiếm dần.

Sau đây là một vài hình ảnh của làng gốm này:


Những chiếc khuôn làm sản phẩm được xếp đều trên khiêng, mỗi ngày cơ sở cho ra hàng ngàn sản phẩm được truyền liên tục cho người thợ tạo hình.


Miệng chén được người thợ dùng giấy lau thật bóng sau khi tạo hình, công việc này tuy đơn giản nhưng phải thành thạo mới làm được.


Những chiếc chén được nhúng vào men bóng với đôi bàn tay trần của người thợ, pha trộn công thức làm men là một điều khó - men phải đặc nhưng đảm bảo độ bóng.


Dùng men chấm chân đế để sản phẩm chất chồng lên nhau không bị dính - đây là công đoạn cuối cùng trước khi vào lò nung, đòi hỏi người thợ phải cần mẫn, tập trung cao độ để các chân đế đồng đều không bị chênh lệch nhau.


Lò nung bằng củi hiếm hoi còn sót lại, sản phẩm được nung từ 3 đến 4 ngày cho ra nhiều chất lượng khác nhau, nếu nung vừa lửa thì đẹp, quá lửa thì đen, yếu lửa thì trắng, đây là công đoạn khó đòi hỏi người thợ phải dày dặn kinh nghiệm trong nghề.


Khoảng 500 cái chén được làm ra trong buổi sáng, mỗi ngày họ bắt đầu công việc lúc 3 giờ sáng để kịp đem phơi trưa nắng.



Khó khăn vất vả là thế, tay chân quần áo lúc nào cũng dơ bẩn có lúc dính cả mặt và mũi, nhưng họ luôn yêu nghề vẫn hy vọng các thế hệ mai sau còn giữ cái nghề truyền thống này.


Sau khi thành phẩm, chén được phân loại theo màu sắc và bó thành chục, giá mỗi loại cũng khác nhau, tô khoảng 20.000 đến 28.000 đồng/chục, chén chỉ 12.000 đồng/chục.


Hầu hết các sản phẩm được thương lái tìm mua giao đi các tỉnh, thành, nhiều nhất là ở các tỉnh miền tây như: Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ…..

Thúy Liên

Chia sẻ bài viết