Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là thách thức lớn trong quá trình hội nhập. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), giáo dục nghề nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Những thay đổi trong giáo dục nghề nghiệp sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Cơ cấu lao động bất hợp lý
Phân tích sâu về những thách thức của lao động Việt Nam trước thềm hội nhập, ông Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, cơ cấu lao động đang ngày càng bất hợp lý.
Nếu từ năm 1979, cứ 1 người trình độ đại học thì có 2 người trung cấp và 7 lao động kỹ thuật thì đến giữa năm 2015, tỷ lệ này lần lượt là 1 đại học/0,35 người học cao đẳng/0,65 người trung cấp và 0,4 người học sơ cấp.
“Một kiến trúc sư một năm thiết kế được 10 tòa nhà, nhưng để làm được 1 tòa nhà, cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân. Quy luật khách quan bao giờ cũng đòi hỏi số lao động trực tiếp (trình độ trung cấp, sơ cấp) nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp. Trong khi ở nước ta, lao động trực tiếp ngày càng ít đi, còn lao động gián tiếp cứ ngày càng phình ra,” Vũ Xuân Hùng phân tích.
Các chuyên gia lo ngại, người lao động trực tiếp ngày càng ít đi, rồi đa số người lao động sẽ trở nên không chuyên nghiệp, phải làm trái ngành nghề và hệ quả tất yếu là thất nghiệp. Thực tế, con số cử nhân thất nghiệp đang ngày một gia tăng: Từ 166.000 người năm 2013 lên 174.000 người năm 2014 và năm 2015 là 199.000 người.
Mặc dù tỷ lệ cử nhân thất nghiệp tại Việt Nam ngày càng gia tăng nhưng theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao.
Ngoại ngữ nào cũng kém
Kết quả nghiên cứu của WB cho thấy, chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể cả các thành phố lớn, rất ít lao động của Việt Nam học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0-9), thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Idonesia (5,79).
ILO khuyến cáo, viễn cảnh về dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong AEC với các ngành có giá trị tăng cao hơn sẽ đòi hỏi lực lượng lao động phải có trình độ ưu tú về khoa học, toán học và công nghệ cũng như thành thục trong những kỹ năng làm việc khác. Do vậy, hệ thống giáo dục đào tạo cũng cần được thay đổi để bảo đảm sản phẩm đầu ra của mình tìm được vị trí trong một thị trường lao động khắc nghiệt.
Lao động Việt Nam học ngoại ngữ trước khi ra nước ngoài làm việc. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy (Tổng cục dạy nghề) cho rằng, thách thức lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp là khắc phục những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam trong hội nhập AEC. Quá trình hội nhập đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp, hướng đi phù hợp với những thay đổi của thị trường lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí, thực hiện Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng Kế hoạch thực hiện đề án.
Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hội nhập quốc tế, triển khai áp dụng Khung trình độ Quốc gia, nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới...
Học kỹ năng, thái độ làm việc
Giáo dục nghề nghiệp sẽ phải chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và tập trung đào tạo lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập ASEAN, quốc tế. Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục xây dựng các trường chất lượng cao tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực ASEAN, đồng thời đào tạo các nghề trọng điểm được các nước trong khu vực ASEAN và thế giới công nhận.
Mặc dù đánh giá cao việc cần phải đào tạo đáp ứng với thị trường lao động, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Manpower phụ trách Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông cũng nhấn mạnh, đào tạo không phải là vấn đề duy nhất, vì thực chất vấn đề chênh lệch giữa cung cầu của thị trường lao động là khoảng cách giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng với kỹ năng của người lao động.
Theo ông Simon Matthews, khi người lao động tham gia vào thị trường lao động, họ nên tìm hiểu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần và làm thế nào để phát triển những kỹ năng đó.
Như vậy, không chỉ những chương trình giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi, cập nhật liên tục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính người lao động ngoài trang bị cho mình kiến thức còn cần học hỏi kỹ năng, thái độ làm việc để tìm được việc làm trong nước và sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN./.
ASEAN đã có các thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong 8 lĩnh vực gồm: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, dịch vụ kế toán, hành nghề y khoa, nha khoa, và dịch vụ du lịch. Theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó, có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngừ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. |
Hồng Kiều/Vietnam+