Tiếng Việt | English

07/05/2020 - 17:29

Lên hầm Đờ Cát, vấn vương cảm giác

Thành phố Điện Biên nhìn từ đồi A1 (Ảnh chụp lúc còn đang xây dựng giai đoạn đầu)

Thành phố Điện Biên nhìn từ đồi A1 (Ảnh chụp lúc còn đang xây dựng giai đoạn đầu)

Đọc lại Một week-end ở Điện Biên Phủ của Phan Quang trên Tạp chí Hồn Việt số tháng 5/2017, tự nhiên tôi vấn vương cảm giác với lần đặt chân lên hầm de Castries (Đờ Cát) qua chuyến đi kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng đoàn Hội Nhà báo Long An, chốc đã lùi xa 16 năm rồi.

Là nhà báo lão thành cách mạng, từng tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ vào thời điểm lịch sử, nhà báo Phan Quang có nhiều tác phẩm báo chí về Điện Biên Phủ. Trong Một week-end ở Điện Biên Phủ, ông trích dịch thiên bút ký cùng tiêu đề của nhà báo Pháp Robert Guillain viết tại mặt trận Điện Biên Phủ đầy ắp cảm xúc. Robert Guillain cho thung lũng Mường Thanh là một sân vận động khổng lồ với chiều dài ít nhất 20km, chiều ngang từ 6-8km. Đáy sân vận động là của quân Pháp, còn những bậc cấp xung quanh là rừng núi của Việt Minh. Quân Pháp nhảy dù xuống đáy cái sân vận động ấy, ngóng về đâu cũng thấy rừng và núi, núi và rừng, và đều lọt vào tầm ngắm của quân Việt Nam qua họng súng chỉa thẳng vào mục tiêu…

Hầm Đờ Cát nhìn từ cửa hầm vào

Hầm Đờ Cát nhìn từ cửa hầm vào

Một week-end ở Điện Biên Phủ của Robert Guillain viết về Mường Thanh: “Một nơi bao phủ một màu xanh thực vật giống hệt mọi rừng xanh, núi xanh vùng này, chỉ huy trưởng cụm cứ điểm Điện Biên Phủ Đờ Cát đã cho hàng ngàn binh sĩ ngày đêm dọn sạch lòng chảo Mường Thanh đến không còn sót lại một thứ gì. “Tôi tạo lập cho mình một đồng bằng, chờ đối phương”, Đờ Cát cao ngạo, tự tin nói.Thế rồi cái “đồng bằng” ấy đã biến thành cái “chảo lửa” thiêu đốt đội quân viễn chinh dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đờ Cát.

50 năm sau, chúng tôi đặt chân tới “lòng chảo” ấy, bây giờ là một thành phố tươi trẻ tràn đầy sức sống.Chúng tôi lên đồi Mường Phăng tham quan khu Chỉ huy sở và Hầm Đại tướng. Đó là hầm của Tổng Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ẩn dưới căn lán làm việc với những giò lan rừng tỏa hương thơm ngát. 

Lán làm việc của Tổng Chỉ huy mặt trận Điện Biên - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lán làm việc của Tổng Chỉ huy mặt trận Điện Biên - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau đó, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ dưới chân đồi A1 để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, rồi lên Đồi A1 bên lòng thành phố Điện Biên với bao chứng tích trận địa còn nguyên vẹn, cả chiếc xe thiết giáp cuối cùng của quân Pháp bị quân ta bắn hạ vào chiều 7/5/1954 vẫn còn nằm gục nòng xuống đất. Trên đỉnh đồi A1, tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng đồng nguyên chất cao 13,6m uy nghi với tượng 3 chiến sĩ Điện Biên Phủ phất cao cờ chiến thắng; trên vai tượng một chiến sĩ là tượng một em bé vẫy tay lên trời như một mầm non bụ bẫm đón chào bình minh. Bảo tàng Điện Biên với các loại vũ khí, khí tài tối tân của Pháp đã thành chiến lợi phẩm của ta và các loại vũ khí, phương tiện vận chuyển thô sơ của ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tác giả bên chiếc xe đạp thồ của dân công Điện Biên (trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên)

Tác giả bên chiếc xe đạp thồ của dân công Điện Biên (trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên)

Một điểm nhấn nữa phải tới là hầm Đờ Cát với nóc vỉ thép cong hình bán nguyệt và những bao cát chống đạn nhô lên cao. Tôi xuống hầm, rảo qua 4 phòng, mỗi phòng chừng 10m2 ốp ván, đều dành cho các sĩ quan chỉ huy của từng bộ phận của cứ điểm; lại có phòng dành cho nữ thư ký riêng của Đờ Cát. Trên hầm Đờ Cát, tôi nhìn thung lũng Mường Thanh với hơn 4.000ha lúa thơm IR64 ngạt ngào nức tiếng miền Tây Bắc, phủ màu xanh thanh bình. Từ đâu đó vọng lại tiếng sơn nữ cất cao giọng hát Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời/ Cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng bay trên trời…”.

Quang Hảo

 

Chia sẻ bài viết