Tiếng Việt | English

10/03/2021 - 08:56

Lợi ích từ phân loại rác tại nguồn

Việc triển khai, thực hiện chủ trương về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn rất cần thiết, đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

Công nhân phân loại rác để thu gom

Công nhân phân loại rác để thu gom 

Hiệu quả thí điểm ở Tân An

Thời gian qua, cùng với sự phát triển KT-XH, TP.Tân An hình thành nhiều khu đô thị, khu dân cư tập trung và phát triển nhanh chóng. Cùng với đó là sự gia tăng lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý, đặc biệt rác thải nhựa được xác định là một vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Hiện nay, trên địa bàn TP.Tân An phát sinh khoảng 130-150 tấn rác thải/ngày, chi phí cho việc thu gom, xử lý rác khoảng 156-180 triệu đồng/ngày nhưng nguồn kinh phí thu được từ các tổ chức, hộ gia đình không bảo đảm đủ cho việc thu gom, xử lý rác. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm kinh phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế, tái sử dụng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, phân loại rác tại nguồn là một giải pháp hữu hiệu.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Tân An - Trần Thị Hằng Nga cho biết: “Được sự quan tâm của UBND tỉnh trong việc quản lý rác thải, Tổ chức WWF Việt Nam - Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, đã hỗ trợ xây dựng Đề án Quản lý rác thải cho tỉnh. Trong đó, lựa chọn dự án thực hiện thí điểm hệ thống thu gom, xử lý rác phân loại tại nguồn trên địa bàn phường 3, TP.Tân An làm cơ sở cho việc triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh thời gian tới”.

Để thống nhất tổ chức triển khai, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thí điểm trên địa bàn phường 3, TP.Tân An. Đến ngày 05-11-2020, toàn bộ các hộ dân, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của phường 3, TP.Tân An đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự cam kết tham gia của gần 4.800 hộ gia đình, mô hình thí điểm tại phường 3, kỳ vọng sẽ đạt được thành công theo đúng mục tiêu đặt ra.

Bà Trần Thị Hằng, một hộ dân ngụ phường 3, cho biết: “Thực hiện theo quy trình này, rác được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải còn lại. Tất cả các loại rác được thu gom vào các ngày quy định. Từng loại chất thải đã phân loại được tổ chức thu gom và vận chuyển riêng bằng trang thiết bị có đặc điểm kỹ thuật phù hợp. Rác hữu cơ sẽ được sản xuất thành phân bón hữu cơ, rác tái chế sẽ được tái chế và rác còn lại được xử lý theo quy định”.

Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn ở phường 3 chính là một trong những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm tận dụng nguồn tài nguyên rác, giải quyết tình trạng quá tải của các bãi rác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần ngăn chặn rác, đặc biệt là rác thải nhựa, thất thoát ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch.

Theo bà Trần Thị Hằng Nga, thời gian tới, sẽ sơ kết, đánh giá hiệu quả dự án thí điểm. Tuy nhiên, bước đầu qua thời gian triển khai, thực hiện đã có hơn 80% rác ở phường 3 được phân loại, thu gom và xử lý. Mặt khác, kết quả của dự án bước đầu góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về rác thải, tạo tiền đề từng bước cải thiện, đổi mới, hoàn thiện hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn, bảo đảm định hướng phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên.

“Từ kết quả của dự án sẽ là cơ sở để nhân rộng việc thực hiện phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn TP.Tân An trong thời gian tới” - bà Nga nói.

Một tuyến đường ở phường 3, TP.Tân An sạch sẽ, không có rác vứt bừa bãi

Một tuyến đường ở phường 3, TP.Tân An sạch sẽ, không có rác vứt bừa bãi

Cần sự đồng bộ trong phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số người dân vẫn chưa thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn. Thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng thông tin thay đổi về thời gian thu gom rác chưa kịp thời; một bộ phận không nhỏ người dân chưa biết thời gian thay đổi.

Để thực hiện đạt hiệu quả bền vững, thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban phối hợp kiểm tra, giám sát công tác phân loại rác tại nguồn của các hộ dân để có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện phân loại rác; chỉ đạo tổ chức ra quân thu gom rác tại các điểm tập kết, không để hình thành bãi rác tự phát; tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ dân, tiểu thương kinh doanh ăn uống, nhà trọ thực hiện phân loại rác tại nguồn và tập kết rác đúng lịch, đúng thời gian thu gom của Công ty Cổ phần
Đô thị Tân An.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rác thải nói riêng. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện về tăng cường quản lý chất thải rắn; quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 560 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom ở tỉnh để tiếp tục xử lý và tiêu hủy.

Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại hộ gia đình. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm kinh phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế và tái sử dụng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay; trong đó, nổi bật là phân loại rác tại nguồn cần được nhân rộng.

“Qua thí điểm thực hiện ở phường 3, nhìn chung, người dân đồng tình hưởng ứng. Để đạt hiệu quả cao, bền vững thì mấu chốt là đơn vị thu gom, xử lý phải thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý riêng biệt đối với từng loại rác được phân loại. Về phía Sở sẽ phối hợp chính quyền địa phương và đơn vị thu gom rà soát, đánh giá cụ thể vấn đề này” - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết.

"Qua thời gian triển khai, thực hiện, đã có hơn 80% rác ở phường 3 được phân loại, thu gom và xử lý. Mặt khác, kết quả của dự án bước đầu góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về rác thải, tạo tiền đề từng bước cải thiện, đổi mới, hoàn thiện hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn, bảo đảm định hướng phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết