Tiếng Việt | English

27/10/2023 - 08:47

Lời thì thầm của biển

Ảnh minh họa internet

Ảnh minh họa internet

“Hôm nay giỗ cha, mẹ không ở nhà làm mâm cơm cúng cha hay sao mà còn đi bán?”. “Tao đập đòn gánh lên đầu mày bây giờ, cha mày có chết đâu mà cúng cho ổng”.

Hoàng lùi ra sau tránh nhanh cây đòn gánh của mẹ. Bà hăm he Hoàng rồi nâng đòn gánh lên vai, gánh 2 thúng đựng đầy tàu hủ vẫn còn nóng hôi hổi. Mùi đậu nành hòa quyện vào không khí buổi sáng tinh sương làm mắt Hoàng nhòe đi vì thương mẹ.

*

Nhà Hoàng ở làng chài, đại đa số đàn ông trong làng ai cũng sống với nghề ra khơi bám biển. Biển nuôi lớn biết bao lớp người, biển ươm mầm cho nhiều thế hệ tương lai có đủ điều kiện nuôi dưỡng ước mơ thành tài. Nhưng biển cũng cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình mỗi khi nổi giận hùng hổ, vồ vập sóng to gió lớn. Cha Hoàng cũng bị biển nuốt mất vào trận bão lớn năm trước. Ông ra đi chẳng kịp để lại lời căn dặn nào cho mẹ con Hoàng. Bão lớn nhấn chìm ông nằm lại dưới đại dương mênh mông, người ta không tìm được ông để đem về. Đó cũng là lý do duy nhất mẹ Hoàng không tin rằng ông đã mất.

Kể từ lúc cha mất, mẹ Hoàng như người điên dại, lúc tỉnh, lúc mê nhưng chưa một ngày nào bà không ra bờ biển bán đậu hủ nóng.

Bà kể, ngày xưa, cha Hoàng mê bà say đắm cũng vì gánh tàu hủ - cái nghề truyền thống từ thời ông bà để lại cho. Ở xứ biển nhưng món tàu hủ của mẹ Hoàng lại được dân biển săn đón hàng ngày.

*

 “Ai... đậu hủ nóng hông? Đậu hủ nóng đây...”.

Tiếng rao của người phụ nữ bán đậu hủ vang vọng cả dãy bờ biển vắng lặng ít người.

Từ tờ mờ sáng, khi mặt trời ở phía xa dần ửng hồng, người ta đã thấy một phụ nữ gánh tàu hủ lặng thầm đi trên bờ biển. Những ngày mưa, người ta cũng thấy người phụ nữ ấy oằn đôi gánh trên vai lầm lũi bước đi. Sương sớm hòa cùng gió biển se lạnh làm người ta không khỏi rùng mình. Xoa nhẹ bàn tay vào chén, ăn một miếng tàu hủ vẫn còn ấm nóng, cả người lập tức ấm áp lạ thường.

Mặt trời dần ửng đỏ phía xa, từng dòng người đến ngắm mặt trời mọc cũng đông đúc. Người bán hàng rong cũng nhộn nhịp tiếng rao. Cô bán nước nhìn thấy bóng người phụ nữ đang bán tàu hủ cho khách liền giật mình kéo áo chú Sáu.

“Ủa chú Sáu, bữa nay con nhớ là đám giỗ ông Tư chồng bà Tư tàu hủ mà sao bả còn đi bán?”.

“Mày ngon nói với bả chồng bả chết rồi đi, bả đập đòn gánh vô đầu mày nghe con!”.

Cô bán nước lấy tay che miệng mình rồi nhìn ra chỗ bà Tư. Nếu chú Sáu không nhắc khéo thì cô bán nước cũng quên. Bà Tư chưa bao giờ thừa nhận với ai là ông Tư đã mất trong cơn bão. Mỗi lần có người đến hỏi thăm, bà đều bảo ông Tư đi biển đánh cá chưa về, phải đôi ba tháng mới trở về. Ai cũng xót thương cho hoàn cảnh đơn chiếc mẹ góa con côi của bà Tư, thương cảm cho nỗi đau mất chồng của bà.

Mặt trời càng lên cao, dòng người càng tấp nập. Bà Tư bán đậu hủ đắt như tôm tươi, ở bãi biển không ai bán đắt hơn bà dù đủ loại thức ăn sáng khác mang mùi vị đặc trưng của biển như bún ốc, hủ tiếu mực, bánh mì chả cá. Có du khách nước ngoài lần đầu ăn chén đậu hủ nóng của bà tấm tắc khen ngon, dúi vào tay bà tờ tiền mua được cả gánh đậu hủ. Bà chạy đôn chạy đáo đổi tiền để thối lại tiền thừa cho khách, nhất định không lấy thêm xu nào. Tính thật thà, chất phác của bà cũng được mọi du khách và bà con trong vùng thương.

*

Trời đã nhá nhem tối, người qua lại trên bờ biển cũng thưa dần. Buổi tối trên biển, gió lạnh thổi vào làm người ta không khỏi run rẩy. Một phụ nữ ngồi bần thần bên gánh hàng rong, mắt nhìn ra phía mặt biển tối đen. Bất ngờ, bà đứng dậy, chân trần lững thững đi vào mặt nước.

“Dì ơi! Dì làm gì thế? Biển tối đen thế kia, dì muốn đi đâu?”.

“Ông nhà tôi ở ngoài kia vẫy tay gọi tôi đi tới chỗ ổng mà. Ổng ở chỗ đóm sáng kia kìa”.

Người phụ nữ chỉ tay về phía đóm sáng phía xa rồi từng bước tiến về phía trước.

Cô gái sợ hãi kéo tay người phụ nữ, đồng thời gọi thêm mọi người đến giúp đỡ. Nhờ có cô gái mà người phụ nữ được an toàn, được người dân trong vùng khuyên nhủ đưa về nhà.

*

Quyên trở về nhà, nghĩ vẫn còn hốt hoảng vì những chuyện vừa xảy ra trên bãi biển. Hóa ra, chuyện gia đình của Quyên so với chuyện gia đình của người phụ nữ kia chẳng đáng là gì. Nỗi đau cha mẹ ly hôn, mỗi người một nơi còn đỡ hơn tình cảnh sinh ly tử biệt.

Hôm nay là ngày cha mẹ Quyên ra tòa ly hôn. Cô đã cố gắng khuyên nhủ cả hai người hãy vì cô mà nhẫn nhịn nhau nhưng cuối cùng, không ai nghĩ đến cảm xúc đau khổ của Quyên cả. Có lẽ vì họ nghĩ Quyên đã trưởng thành, đủ mạnh mẽ để chấp nhận sự thật cha mẹ cô không còn yêu thương nhau nữa.

“Quyên à! Cha mẹ đã cố gắng ở cùng nhau đến tận hôm nay chỉ vì con. Bây giờ, con cũng đã tốt nghiệp đại học, đã trưởng thành, cha mẹ sẽ trả cho nhau tự do để tìm hạnh phúc của tuổi xế chiều”.

Ngắm nhìn màn đêm tĩnh mịch bên ngoài cửa sổ, Quyên ôm lấy chân, co ro ngồi trong góc phòng, nước mắt lặng lẽ rơi.

Quyên không chấp nhận được sự thật cha mẹ tan vỡ, gia đình không còn đầy đủ thành viên. Quyên bỏ nhà ra đi không cho cha mẹ biết. Thậm chí vừa rồi, trong lúc tức giận, Quyên đã từng nghĩ dùng cái chết để thức tỉnh cha mẹ, để hai người quay lại với nhau, để hai người hiểu được Quyên đã đau khổ, tuyệt vọng như thế nào.

Quyên lang thang trên bãi biển, cuối cùng lại gặp người phụ nữ đang muốn tự tử. Sau khi cứu được người phụ nữ ấy và hỏi thăm người dân, Quyên mới biết hóa ra hôm nay là ngày giỗ đầu tiên của chồng bà ấy. Chồng bà ấy đã mất trong trận bão dữ dội năm vừa rồi khi theo tàu ra khơi. Bà ấy làm nghề bán hàng rong, người ta vẫn thấy bà ấy buôn bán mỗi ngày, cứ nghĩ bà ấy đã nguôi ngoai nỗi đau mất chồng nhưng nếu ai nói chồng bà mất, bà liền nổi điên đánh người. Bà không chấp nhận sự thật chồng bà chết mất xác ngoài biển. Bà vẫn luôn ôm suy nghĩ chồng bà ra khơi chưa về.

*

Quyên lặng lẽ nhìn ngắm ra phía biển xa xa, nơi có những con tàu nhỏ đang neo đậu. Giờ thì Quyên mới nhận ra đó chính là đốm sáng mà tối qua người phụ nữ ấy chỉ cho Quyên.

“Tàu hủ nóng không cô ơi? Mười ngàn một chén thôi”.

Quyên giật mình quay đầu nhìn lại, người phụ nữ đang tươi cười mời gọi cô mua hàng lại chính là người phụ nữ đêm hôm qua cô vô tình cứu giúp. Quyên do dự rồi thử hỏi.

“Dì khỏe rồi hả? Dì có nhớ con không?”.

“Cô là...?”.

“Dạ, cháu là cô gái tối hôm qua đã…”

Quyên chưa kịp nói hết câu thì bỗng đâu một chàng trai trẻ trạc tuổi Quyên chạy tới cắt ngang lời cô.

“Mẹ ơi! Ba chén nữa cho gia đình cô chú đằng kia ạ”.

Quyên chớp mắt nhìn chàng trai. Người phụ nữ mỉm cười chào tạm biệt cô gái rồi gánh hàng đi về phía gia đình mà con trai bà vừa chỉ hướng, họ cũng đang dõi mắt mong chờ bà.

Chờ mẹ đi khỏi, chàng trai gãi đầu ngượng ngùng.

“Cảm ơn cô đã cứu mẹ tôi nhưng tôi mong cô có gặp lại bà thì đừng nhắc đến chuyện tối qua nữa”.

Quyên ngờ ngợ, chỉ tay vào người thanh niên.

“Hoàng phải không?”.

Hoàng nheo mắt nhìn chằm chằm cô gái có mái tóc ngắn ngang vai, đôi mắt tròn xoe ẩn hiện vẻ mừng rỡ phía sau cặp kính cận dày cộm.

“Quyên này! Hoàng không nhận ra Quyên sao? Quyên bí thư này!”.

Hoàng bừng tỉnh, kể từ ngày cha mất, Hoàng tiếc nuối gác lại việc học hành, ở nhà chăm sóc mẹ. Hoàng rời giảng đường cũng vỏn vẹn 1 năm, bộn bề với cuộc sống mưu sinh và nỗi lo lắng cho mẹ đã làm Hoàng quên mất người bạn đã từng chung lớp 3 năm đại học là Quyên.

Hoàng mời Quyên chén tàu hủ nóng của mẹ. Dưới ánh mặt trời đang dần
sáng tỏ, nắng bắt đầu lên cao trên đỉnh đầu, hai người ngồi trò chuyện, hỏi thăm cuộc sống của nhau trong 1 năm qua. Hoàng buồn bã kể về người cha đã khuất và người mẹ đáng thương chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng.

Bất chợt, Quyên nhận ra hoàn cảnh của mình chẳng đáng là gì so với nỗi đau khổ của Hoàng. Quyên tự hỏi Hoàng khốn khổ nhưng vẫn vui vẻ cùng mẹ sống những ngày còn lại, tại sao Quyên lại từng có suy nghĩ muốn kết thúc cuộc đời chỉ vì cha mẹ không còn ở bên nhau?

Quyên im lặng nghe Hoàng kể rồi cũng trải lòng với Hoàng về hoàn cảnh và tâm trạng của mình. Hoàng nhìn Quyên mỉm cười.

“Trên đời này, mỗi người đều có một nỗi khổ tâm riêng, mỗi nhà đều có hoàn cảnh đáng thương riêng. Nếu ai gặp chuyện cũng tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề thì chỉ sợ rằng, xã hội này không còn mấy người tồn tại”.

*

Trước khi rời khỏi làng biển trở về thành phố, Quyên lại lang thang trên bãi biển, ngắm nhìn những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ rồi nhắm mắt lắng nghe tiếng gió nhè nhẹ thổi bên tai hòa cùng tiếng sóng biển rì rào. Quyên bồi hồi nhớ lại nụ cười của Hoàng và câu nói cuối cùng trước khi hai người tạm biệt.

“Quyên thử một lần lắng nghe biển xem, biển sẽ an ủi và vỗ về tâm hồn của Quyên đấy!”.

Quyên hít thật sâu, cảm thấy tâm trạng đã thoải mái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mở điện thoại lên sau nhiều ngày tắt máy, Quyên phát hiện có đến mấy chục cuộc gọi nhỡ của mẹ và cha. Tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại trên Zalo cũng thi nhau nhảy ra cuồn cuộn như những cơn sóng trước mặt. Quyên mỉm cười, giọt nước mắt bất chợt lăn dài trên má. Cho dù cha mẹ đã ly hôn, đã không còn chung mái nhà nhưng họ vẫn yêu thương và lo lắng cho Quyên rất nhiều.

*

“Hoàng, về thôi con!”.

Hoàng rời mắt khỏi hình bóng cô gái đang đứng một mình lặng lẽ nhắm nghiền mắt trên bãi biển phía xa, quay đầu mỉm cười, vác lên vai gánh hàng rong cùng mẹ trở về nhà./.

Tuyết Luôn Võ

Chia sẻ bài viết