Tiếng Việt | English

10/08/2020 - 19:29

Luật Biên phòng Việt Nam: Rõ trách nhiệm để tránh “công anh, công tôi”

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh dự luật phải quy định chặt chẽ, cụ thể, nhất là trách nhiệm chủ trì, phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và Công an.

Trình bày báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam chiều 10/8,  ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho biết, dự thảo bổ sung: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định pháp luật”.


Thượng tướng Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên thảo luận

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị cân nhắc việc xác định lực lượng công an là “phối hợp” trong bảo vệ an ninh trật tự, xử lý vi phạm pháp luật, nhất là khi công an được xác định là lực lượng chuyên trách trong công tác này.

“Nếu phối hợp, ai phát hiện trước xử lý trước thì trách nhiệm quản lý Nhà nước là khó. Đề nghị UBTVQH cân nhắc để sau này vẫn đảm bảo nhiệm vụ biên phòng nhưng cũng thống nhất bảo vệ an ninh trật tự trong toàn bộ đất nước” – ông Bùi Văn Nam nêu ý kiến và đề nghị cũng có thể tạm để như hiện nay rồi sau này qua thực tế có quy định phù hợp.

Liên quan đến quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, dự thảo luật quy định "Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở khu vực biên giới, qua lại biên giới trong các trường hợp đe dọa đến chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, địch xâm nhập, gây bạo loạn, truy bắt tội phạm nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân, ngăn chặn dịch bệnh lan truyền qua biên giới hoặc theo đề nghị của nước có chung đường biên giới" 

Đại diện Bộ Công Thương thì bày tỏ băn khoăn về quy định trên, nhất là việc giao quyền hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở khu vực biên giới, trong đó có khu vực cửa khẩu, xuất nhập khẩu cho Đồn trưởng Đồn Biên phòng trong khi hiện tại do cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến theo quy định của pháp luật, sự kế thừa các văn bản pháp luật hiện có và tình hình thực tiễn hơn 61 năm, qua những việc Bộ đội Biên phòng đã và đang làm chứng minh là đúng và hiệu quả .

Về trách nhiệm phối hợp, nhất là đối với cả cơ quan tư pháp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp rà soát nhưng “đến nay chưa phát hiện cái gì chồng chéo hoặc trái quy định”.


Trung tướng Hoàng Xuân Chiến

Liên quan ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, dự thảo quy định rất cụ thể trong vành đai biên giới thì thẩm quyền của Đồn trưởng Đồn Biên phòng được tạm dừng thế nào, khi tạm dừng phải lập tức báo cáo cấp có thẩm quyền ra sao. 

“Những vấn đề uy hiếp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì tất cả phải vì mục đích quốc gia dân tộc chứ không phải vì bộ ngành, địa phương. Thực tế trong tình hình dịch bệnh, thiên tai địch hoạ thì Đồn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng có quyền thống nhất với lực lượng chức năng của nước láng giềng và các lực lượng chuyên ngành ở cửa khẩu tạm thời dừng hoạt động qua lại biên giới để ngăn chặn” - ông Hoàng Xuân Chiến nói và khẳng định, quy định như dự thảo là không có gì chồng chéo hay lạm quyền.

Về ý kiến của Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Hiến pháp và các luật liên quan đều giao Bộ Quốc phòng chủ trì đảm bảo an ninh trật tự ở vùng biên giới, cửa khẩu. Đây là một trong hai vấn đề cơ bản được xin ý kiến các thành viên Chính phủ và nhận được sự thống nhất rất cao.

“Tôi thấy hình ảnh phối hợp giữa Công an và Quân đội, đặc biệt Bộ đội Biên phòng nói riêng trong phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự rất tốt” – Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh và cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp rà soát để đảm bảo dự thảo chất lượng, chặt chẽ trình Quốc hội.

Làm rõ thêm một số vấn đề, Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt cho biết, quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự luật, cơ quan chủ trì rất thận trọng và lắng nghe cũng như cân nhắc câu chữ rất chặt chẽ và đảm bảo không có chồng chéo về trách nhiệm, thẩm quyền.


Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt

Liên quan đến trách nhiệm chủ trì, việc quy định cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định pháp luật cũng xuất phát từ thực tế để tránh “công anh, công tôi”. Còn thẩm quyền xử lý đến đâu thì pháp luật đã quy định.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trên biên giới và cửa khẩu có rất nhiều hoạt động và dự luật cũng quy định khá rõ khi nào ai chủ trì, khi nào thì phối hợp. Tuy nhiên, còn có những vấn đề mà hai bên cần ngồi lại với nhau để cụ thể và rõ hơn nữa./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết