Tiếng Việt | English

19/09/2020 - 14:20

Mong muốn đưa trái thanh long “sạch” đến tay người tiêu dùng

Sau thời gian dài gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, ông Lê Văn Chín - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Quê Mỹ Thạnh (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), quay lại canh tác thanh long theo hướng thuận tự nhiên với mong muốn đưa trái thanh long sạch đến tay người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất thanh long thuận tự nhiên của Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Quê Mỹ Thạnh - Lê Văn Chín

Mô hình sản xuất thanh long thuận tự nhiên của Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Quê Mỹ Thạnh - Lê Văn Chín

Nhiều năm qua, cây thanh long ruột đỏ mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhà vườn. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hécta, người dân đạt lợi nhuận từ 400-700 triệu đồng/năm. Tuy vậy, phần lớn đầu ra của loại nông sản này phụ thuộc vào thị trường một số nước. Một khi thị trường nước ngoài biến động, người dân không kịp trở tay sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ làm khó nông dân. Thời gian gần đây, tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tình hình xuất khẩu thanh long bấp bênh, cánh cửa xuất khẩu dần thu hẹp.

Sau nhiều năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, chứng kiến không ít hộ dân vươn lên thoát nghèo từ cây trồng này nhưng trong lòng ông Chín vừa mừng cũng vừa lo: Không biết đến bao giờ người dân mới thôi lệ thuộc vào thị trường nước ngoài; có cách nào để nâng cao giá trị trái thanh long; làm sao để người tiêu dùng yên tâm dùng trái thanh long ngọt lành mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe… Chỉ có cách làm chủ được thị trường nội địa mới là phương án tốt nhất để bảo đảm đầu ra hiệu quả cho nông sản. Phải làm ngay từ bây giờ. Ông Chín nghĩ như vậy và bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng thanh long “sạch”.

Hiện nay, hầu hết nhà vườn tại huyện Châu Thành, Tân Trụ áp dụng quy trình trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, theo ông Chín, để nâng cao hơn nữa giá trị và chất lượng “sạch” cho trái thanh long, người dân nên áp dụng phương pháp trồng truyền thống. Ông Chín cho biết: “Cách trồng thanh long thuận tự nhiên vô cùng dễ dàng. Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây thanh long thuận tự nhiên chỉ yêu cầu cung cấp đủ nước cho cây. Phương pháp này tuyệt đối không vuốt ngoe kích thích cho tai cứng xanh, trái bóng đẹp,... việc này cắt giảm gần như tuyệt đối thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Chỉ cần bón phân vi sinh tự nhiên và dùng một lượng rất ít phân bón hóa học vào duy nhất một lần lúc cây mới bắt đầu ra nụ hoa. Cách này vừa đỡ tốn công chăm sóc, vừa tiết kiệm phần nào chi phí phân, thuốc như bình thường”.

Chính vì tuân thủ quy trình sản xuất thanh long sạch mà trái thanh long thuận tự nhiên sẽ tồn tại một vài hạn chế như kém bắt mắt về bề ngoài như vỏ sần sùi, không bóng bẩy. Quá trình thu hoạch thanh long thuận tự nhiên cũng được bảo đảm nghiêm ngặt, thực hiện cách ly 1 tháng không bón phân. Do vậy, đầu ra của trái thanh long này sẽ khó khăn hơn khi đưa vào hệ thống các siêu thị hay xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Tuy bên ngoài vỏ trái thanh long khá “xấu xí” nhưng chất lượng bên trong trái vẫn hoàn toàn bảo đảm. Vỏ trái thanh long thuận tự nhiên rất mỏng, gần như sát với phần thịt. Màu trái đỏ thẫm tự nhiên, đặc biệt rất giòn ngọt, không hề bị bở hay tơi xốp. Thông thường, hình dạng trái thanh long thuận tự nhiên khá mập mạp và tròn trịa, tai mềm có màu hồng cùng màu vỏ trái. Trái thanh long này tuy có hình dáng khá nhỏ nhưng cầm khá chắc tay, trọng lượng trái trung bình khoảng 600-700gr. Bước đầu ông Chín áp dụng mô hình sản xuất thanh long thuận tự nhiên trên toàn bộ 3ha đất của mình, mới thu hoạch 1 vụ đầu tiên.

Mặc dù biết rằng trước mắt thanh long thuận tự nhiên rất nhọc nhằn trong việc vươn ra thị trường xuất khẩu nhưng ông Chín vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng mô hình này để chinh phục thị trường nội địa. Không đánh đổi giá trị lâu dài để lấy các giá trị trước mắt, ông Chín chấp nhận mọi trường hợp rủi ro và để bắt đầu lại từ đầu với tâm nguyện mang đến cho người dân nước mình những thứ quả sạch, ngọt lành, bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Ông Chín bày tỏ: “Bản thân tôi khao khát được dùng trái cây sạch, nhất là loại trái do chính mình trồng ra. Tôi mong muốn gia đình, những người thân và người tiêu dùng trong nước cũng được thưởng thức những loại trái cây sạch”.

Ông Chín tâm huyết rằng, khi bản thân và các thành viên HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh phát triển thành công mô hình Thanh long thuận tự nhiên và trở thành một vùng nguyên liệu lớn, ông sẽ tự mình rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước. Bằng mọi cách, ông phải đưa được trái thanh long “sạch” đến tay người dân mình./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết