Gia đình ông Mười Huệ trước căn nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng (ảnh chụp năm 1963)
Năm 1939, ông Nguyễn Văn Kiên và bà Đinh Thị Ơn (thế hệ thứ nhất) có xây dựng một ngôi nhà ngói 3 gian, 2 chái tại làng Mỹ An Phú, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) để ở và làm nơi hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng như đồng chí Võ Trần Chí vào năm 1947, lúc ông là cán bộ Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc tỉnh Tân An, sau là Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, Bí thư Tỉnh ủy Long An, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954, gia đình trên cũng đã nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện và bảo vệ an toàn cho họ như: Ông Phạm Văn Lại, cán bộ tỉnh Tân An; Phạm Văn Chiêu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Châu Thành; Trần Văn Ca, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Thủ Thừa; Lê Văn Đích, Bí thư xã Mỹ An Phú,… Ngoài ra, còn có các cán bộ, đảng viên như ông Trần Chấn Kỹ, Phạm Văn Quợt, Lê Văn Sắc, Lê Văn Dương, Trần Văn Vinh,… cũng đến đây ở và được gia đình ông Kiên bảo vệ an toàn.
Trong giai đoạn từ 1955 đến năm 1975, con ông Kiên là ông Nguyễn Văn Huệ - bà Nguyễn Thị Hồng (thế hệ thứ 2) và cháu là bà Nguyễn Thị Hạnh (thế hệ thứ 3) đã sử dụng ngôi nhà do cha mẹ để lại để tiếp tục nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã trong chống Mỹ cứu nước. Ngoài ngôi nhà 3 gian, ông Huệ - bà Hồng còn có ngôi nhà 5 gian cũng là nơi nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ. Cuối năm 1962, gia đình phải tháo dỡ nhà 5 gian do địch buộc di dời vào ấp chiến lược. Chỉ hơn 2 tháng sau, ấp chiến lược Rạch Chanh bị vỡ, gia đình về lại ấp 2 xây ngôi nhà 2 gian trên nền cũ vào năm 1963. Từ năm 1956 đến 1959 Mỹ Diệm khủng bố ác liệt những gia đình tham gia cách mạng, nhưng ông Huệ - bà Hồng vẫn bất chấp nguy hiểm, tiếp tục nuôi giấu cán bộ, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Bông (Mười Nguyệt) bấy giờ là Bí thư Thị xã ủy về hoạt động địa bàn và các đồng chí Phạm Văn Chiêu, Năm Vô; Nguyễn Bá Nha, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa; Võ Trần Chí, Tỉnh ủy viên,… Từ năm 1959 đến 1965, đồng chí Lê Văn Ca (Tư Quang) là cán bộ xã Mỹ Lạc Thạnh cũng được phân công về Mỹ An Phú, ở tại nhà ông Huệ - bà Hồng để nắm bắt lại cơ sở cách mạng cũ cùng với các đồng chí Lê Văn Thị (Ba Tân), Huyện ủy viên; Trần Văn Bắc (Hai Bắc), cán bộ Nông hội, Trần Văn Bang (Năm Bang), Huyện ủy viên, Trưởng ban An ninh huyện; Năm Vinh, huyện ủy viên, Phó ban An ninh huyện; Dương Xuân Cảnh (Bảy Mai), Bí thư Huyện đoàn; Lê Thị Tuyết (Ba Xinh), Phó Bí thư xã Mỹ Lạc; Lê Hữu Đức, Ủy viên Thường vụ Huyện đoàn; Lê Hồng Xuân, cán bộ Thị đội Tân An. Đặc biệt, hầu hết cán bộ xã Mỹ An Phú đều được gia đình ông Huệ nuôi giấu như ông Võ Văn Thân, Bí thư xã (1960-1962); Dương Tùng Sa, Bí thư xã (1962-1965); Dương Văn Mừng, Chi ủy viên; Dương Văn Thuần, Huyện ủy viên, Bí thư xã (1965-1967). Từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch càn quét khốc liệt nhiều cơ sở cách mạng, ngôi nhà 2 gian của gia đình cũng bị địch đốt rụi, nhưng ông Huệ và vợ vẫn tiếp tục nuôi giấu cán bộ như ông Huỳnh Hữu Thống (Tư Thống, Bí thư Thị xã ủy Tân An); ông Lê Thanh Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Thị đoàn Tân An, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An; bà Đặng Thị Diềm, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa; Nguyễn Văn Ơn, Huyện ủy viên; Nguyễn Văn Minh (Sáu Mưa), Trưởng ban An ninh huyện,…
Ngoài việc nuôi giấu cán bộ, bà Nguyễn Thị Hồng còn giữ nhiệm vụ liên lạc, thu thập tin tức ở địa phương, cất giấu vũ khí, chuyên chở thương binh, tiếp tế lương thực cho cách mạng, tiếp nhận sơ đồ đồn bót địch từ cơ sở cách mạng về để lực lượng ta tổ chức đánh địch. Năm 1967, bà Hồng đã được kết nạp vào Đảng CSVN.
Thế hệ thứ 3 của gia đình có bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1946) tham gia cách mạng từ 16 tuổi, cùng mẹ nuôi giấu cán bộ, được kết nạp Đoàn năm 1966, được kết nạp Đảng năm 1968 và hoạt động tại Thị xã Tân An (rải truyền đơn, xây dựng cơ sở cách mạng, vận động nuôi giấu cán bộ cách mạng, hợp đồng gây tiếng nổ, đánh sập cầu Tân An năm 1969). Từ năm 1973 đến 1975, bà về xã Mỹ An Phú làm nhiệm vụ liên lạc và sau năm 1975 bà giữ chức Bí thư xã Mỹ An Phú, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Thủ Thừa, Bí thư xã Mỹ Thạnh,... Bà Hạnh đang chăm sóc cha là ông Huệ nay đã gần 90 tuổi.
Ngôi nhà của gia đình ông Huệ, với 3 thế hệ có công nuôi giấu cán bộ cách mạng và là một địa chỉ đỏ, một kỷ niệm sâu sắc của nhiều cán bộ cách mạng lão thành. Căn nhà rất xứng đáng được đề nghị UBND tỉnh công nhận là “Di tích cơ sở cách mạng xã Mỹ An Phú”./.
Trần Thị Kim Phụng