Tiếng Việt | English

23/12/2021 - 09:17

Một tượng đài về tinh thần yêu nước

Hơn 5.000 đồng bào ta dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm đã biểu tình đòi dân quyền vào ngày 04/6/1930 tại ngã tư Đức Hòa (Long An). Cuộc biểu tình tuy thất bại nhưng trở thành đỉnh cao của phong trào cách mạng và biểu tượng cho lòng yêu nước, tin vào cách mạng của người dân.

Sự hy sinh anh dũng của Bí thư Tỉnh ủy Tân An - Chợ Lớn

Ngày 04/6/1930, hàng ngàn đồng bào ở các xã tại Đức Hòa tham gia biểu tình dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Tân An - Chợ Lớn - Châu Văn Liêm để đòi quyền dân chủ, chống sưu thuế, chống lính vào làng đàn áp nhân dân. Đoàn biểu tình chia thành nhiều hướng, lần lượt tiến vào quận lỵ Đức Hòa biểu tình, đưa ra yêu sách và bước đầu đạt thắng lợi. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu: “Giảm sưu cao, thuế nặng cho nhân dân”, “Chống áp bức, bóc lột nhân dân”,... Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, quân tiếp viện của địch từ Sài Gòn kéo về, gồm cả thanh tra, mật thám, biện lý người Pháp và lính Mã tà. Bọn chúng ra lệnh giải tán, đàn áp đoàn biểu tình.

Sau khi đánh đập dã man những người đi đầu, chúng xả súng vào đoàn người biểu tình. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Châu Văn Liêm (khi đó 28 tuổi) đang ở giữa đoàn biểu tình, đã tiến lên phía trước, đưa bản yêu sách và lên tiếng tố cáo tội ác của giặc bằng tiếng Pháp. Cuộc tranh luận diễn ra khoảng 15 phút thì đồng chí bị tên cò Pháp bắn vào giữa ngực và gục xuống trước Dinh quận. Sau đó, quân địch tiếp tục đàn áp đoàn biểu tình.

Cuộc biểu tình tuy thất bại nhưng được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng trong tỉnh Tân An - Chợ Lớn năm 1930. Đó là minh chứng cụ thể cho thành công trong công tác dân vận của ta và sự ủng hộ của người dân dành cho cách mạng. Lần đầu tiên, tại một vùng quê bình yên xảy ra cuộc chạm trán quyết tử với kẻ thù để chống áp bức, bóc lột. Người lãnh đạo phong trào, Bí thư Tỉnh ủy Tân An - Chợ Lớn - Châu Văn Liêm trở thành người anh hùng của đồng bào Nam bộ. Sự hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm như một động lực thúc đẩy, kêu gọi người dân lao động tiến bước theo con đường cách mạng.

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/06/1902, ở ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, vùng đất có truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ ý thức giai cấp. Ông từng là Ủy viên Thường vụ của Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nam kỳ, Bí thư An Nam Cộng sản Đảng và là 1 trong 4 đại biểu trong nước dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Từ nhỏ, đồng chí Châu Văn Liêm được cha truyền dạy về lễ nghĩa Nho gia và tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc qua các câu chuyện về Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung, Nguyễn Trãi,... 20 tuổi, ông lấy bằng Thành Chung, hoàn toàn có đủ trình độ phục vụ bộ máy cai trị của Pháp với cuộc sống sung túc, đầy đủ.

Tuy nhiên, cậu học trò lớn lên từ vùng đất có truyền thống yêu nước đã chọn học Sư phạm và ngày càng thấm nhuần tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Ông nhanh chóng tiếp cận các tư tưởng yêu nước tiến bộ và là người đề xướng thành lập Hội Giáo viên, học sinh yêu nước, Việt Nam phục quốc Đảng và tổ chức chuyển giao, phổ biến tài liệu động viên lòng yêu nước. Ông cũng là người kêu gọi chống mê tín dị đoan. Năm 25 tuổi, ông được kết nạp Thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Không lâu sau đó, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của Long Xuyên - Châu Đốc, Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tỉnh Long Xuyên. Sau đó, ông tiếp tục tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư. Có thể nói, đồng chí Châu Văn Liêm là “đảng viên ưu tú đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Châu Văn Liêm còn là thầy giáo nổi tiếng sành thơ, giỏi nhạc. Khi còn hoạt động ở quê nhà, ông đã dùng thơ để khơi gợi, giáo dục niềm tự hào dân tộc cho đồng bào, đồng chí, thế hệ trẻ.

Phù điêu Châu Văn Liêm và cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 tại ngã tư Đức Hòa

Đức Hòa hôm nay

Đức Hòa là vùng đất anh hùng, nơi tiếp nhận, gặp gỡ của nhiều phong trào yêu nước, trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng, bất chấp mọi thủ đoạn đánh phá của kẻ thù. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Đức Hòa có 5 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng của cha anh, Đảng bộ, chính quyền và người dân Đức Hòa khắc phục khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn mình thành huyện công nghiệp.

Trong đợt dịch vừa qua, Đức Hòa là một trong những huyện ghi nhận số ca nhiễm cao, trên 13.000 ca nhiễm (tính đến tháng 11/2021). Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển KT-XH và đời sống người dân. Trước tình hình đó, UBND huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt “3 mũi giáp công”, nhất quán quan điểm lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch. Với sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Huyện bước vào giai đoạn khôi phục nền kinh tế trong trạng thái "bình thường mới".

Các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong năm (trừ chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế) của huyện đều đạt và vượt. Huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Huyện huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nông thôn mới bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Đến nay, toàn huyện có 10/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,9%. Kế hoạch về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở khai thác hiệu quả sử dụng nước hệ thống Thủy lợi Phước Hòa, giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai một cách hiệu quả.

Việc phát triển công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, tổng diện tích quy hoạch khu, cụm công nghiệp (K,CCN) được phê duyệt hiện nay là trên 6.000ha. UBND huyện tập trung chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư hạ tầng các KCN để trong năm 2021, có 3 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư, gồm: KCN Trần Anh - Tân Phú, KCN Nam Thuận, KCN Đức Hòa III (Slico, Song Tân).

Từ đó, đời sống người dân Đức Hòa ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Những đối tượng yếu thế được quan tâm, hỗ trợ, đặc biệt là trong dịch Covid-19, huyện chi hơn 40 tỉ đồng hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68 và xã hội hóa hơn 260 tỉ đồng để chăm lo cho người dân.

Khí phách anh hùng của cha anh trong kháng chiến đã trở thành quyết tâm xây dựng quê hương của hôm nay./.

Quế Lâm

-----------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Hồ sơ di tích Ngã tư Đức Hòa.

- Châu Văn Liêm - Cuộc đời và sự nghiệp.

- Địa chí Long An.

Chia sẻ bài viết