Tiếng Việt | English

08/09/2023 - 09:18

Năm học 2023-2024: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2023-2024 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)”, ngành GD&ĐT nỗ lực chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới và đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để toàn ngành thực hiện. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái về nội dung trên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Quang Thái

PV: Thưa ông, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất như thế nào?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái: Năm học mới, ngành GD&ĐT được quan tâm, đầu tư, bổ sung nhiều cơ sở vật chất mới.

Cụ thể, số phòng học được đầu tư mới, bổ sung: Mầm non 36 phòng, tiểu học 199 phòng, THCS 86 phòng. Ngoài ra, số phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo: Mầm non 26 phòng, tiểu học 201 phòng, THCS 186 phòng, THPT 20 phòng. Tổng kinh phí đầu tư cho năm học 2023-2024 là 466,506 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Long An có Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức (huyện Bến Lức) được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mik Group Việt Nam tài trợ xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm học 2023-2024. Trường có 72 phòng kiên cố và được thiết kế với quy mô 3 tầng cùng hệ thống cơ sở phụ trợ, tổng kinh phí xây dựng trên 155 tỉ đồng.

Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư 37, 38, 39/2021/TT-BGDĐT được tỉnh nỗ lực thực hiện. Đến ngày 30-7-2023, kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1, 2, 6, 10 và đầu tư cho các cấp học còn lại với tổng kinh phí 267,109 tỉ đồng.

Theo dự kiến, năm học 2023-2024, tỉnh đầu tư mua sắm thiết bị dạy học cho các trường như thiết bị tối thiểu cho các khối lớp; mua sắm thiết bị các phòng chức năng: Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ,... tổng kinh phí dự kiến trên 230 tỉ đồng; đồng thời, mua sắm thiết bị dạy học ngoài danh mục tối thiểu theo Thông tư 37, 38, 39/2021/TT-BGDĐT, dự kiến kinh phí trong năm học 2023-2024 trên 10 tỉ đồng.

Nhìn chung, số phòng xây dựng và kinh phí đầu tư, mua sắm cho năm học mới 2023-2024 đều tăng hơn so với năm học trước.

Học sinh, giáo viên quyết tâm trong năm học 2023-2024

PV: Đội ngũ giáo viên (GV) của tỉnh có đáp ứng đủ nhu cầu trong năm học mới không? Việc khắc phục tình trạng “thừa, thiếu GV cục bộ” được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái: Năm học 2022-2023, so với định mức GV/lớp, toàn ngành còn thiếu 1.375 GV (trong đó, mầm non thiếu 273 GV, tiểu học thiếu 411 GV, THCS thiếu 434 GV, THPT thiếu 257 GV). Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp khắc phục từ đầu năm học 2023-2024. Theo đó, ngành tuyển dụng GV mới theo kế hoạch biên chế được duyệt; đặt hàng với các cơ sở ĐT GV để ĐT mới, ĐT liên thông; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người đã tốt nghiệp các chuyên ngành phù hợp và có nguyện vọng trở thành GV.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT ưu tiên biên chế GV đối với địa bàn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở GD ngoài công lập; thực hiện điều tiết biên chế GV giữa các địa phương trong trường hợp sử dụng không hết biên chế cho địa phương thiếu biên chế, nhất là các địa phương phát triển khu, cụm công nghiệp có sự tăng đột biến về số HS; sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, lẻ theo hướng xây dựng trường nhiều cấp học, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH ở từng địa phương. Bên cạnh đó, GV thừa theo cơ cấu bộ môn thì bố trí, phân công kiêm nhiệm các vị trí nhân viên trường học còn thiếu và tham gia các hoạt động GD khác, tránh sử dụng lãng phí biên chế; nếu vẫn còn thừa thì điều động tăng cường cho các địa phương còn thiếu;...

PV: Năm thứ tư áp dụng dạy học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngành có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái: Đến nay, đội ngũ GV, cán bộ quản lý hiểu sâu và nắm vững những quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, qua đó, vận dụng trong quá trình quản lý, giảng dạy tại các trường. Đối với Chương trình GDPT 2018, tỉnh triển khai, thực hiện theo lộ trình, bảo đảm được mục tiêu và yêu cầu đổi mới về GD. Về cơ bản, cán bộ quản lý, GV của tỉnh hoàn thành chương trình bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo quy định của Bộ GD&ĐT. Việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018 nhanh chóng được GV, HS bắt nhịp ngay từ khi triển khai, thực hiện. Đối với sách giáo khoa, UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh. Nguồn sách giáo khoa được trang bị đầy đủ đến các cơ sở GD, bảo đảm học sinh có đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập để học Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, ngành còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, đội ngũ GV chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. GV được phân công giảng dạy các môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, GD địa phương gặp nhiều khó khăn do chỉ được ĐT đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới, chưa được ĐT chính quy. Hầu hết các trường chưa có GV có thể dạy các môn mới, chỉ có thể phân công GV luân phiên dạy từng phân môn. Sinh viên ra trường chưa được ĐT, bồi dưỡng theo Chương trình GDPT 2018.

Thứ hai, Luật GD năm 2019 quy định trình độ chuẩn GV có nâng cao hơn so với Luật GD năm 2005 nên các sinh viên ngành Sư phạm đã được ĐT trước đây chưa đạt trình độ chuẩn theo Luật GD năm 2019, dẫn đến thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung GV.

Thứ ba, ngân sách nhà nước đầu tư cho GD&ĐT còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở GD mầm non và phổ thông còn nhiều khó khăn, nhất là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học theo lộ trình của Nghị quyết số 51/2017/QH14 đề ra.

PV: Ông cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 là gì?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái: Năm học 2023-2024, toàn ngành tập trung triển khai, thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GD&ĐT; thực hiện hiệu quả chương trình GD mầm non, GDPT và GD thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho GD; tăng cường công tác GD chính trị, tư tưởng, quốc phòng và an ninh, thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; hội nhập quốc tế trong GD; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông GD./.

PV: Xin cảm ơn ông!

 An Nhiên (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích