Hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn góp phần bảo vệ môi trường
Chung tay bảo vệ môi trường
Long An có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn trong việc thu hút đầu tư vào địa bàn. Nhiều doanh nghiệp về làm dự án, công trình, đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi, giải quyết tốt bài toán về lao động. Song song với quá trình phát triển, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng, nhất là môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh - những nơi dễ phát sinh ô nhiễm nếu chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác quản lý.
Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, ngành chức năng còn tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVMT đến các doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các đơn vị đối với công tác này. Mặt khác, ngành TN&MT chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương, hội, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động, chương trình và xây dựng những mô hình BVMT cụ thể. Các mô hình phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần kêu gọi cộng đồng cùng chung tay tham gia công tác xây dựng, BVMT trên địa bàn. Đồng thời, qua thông tin từ người dân cung cấp, ngành chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, ngụ ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Qua thông tin, tuyên truyền từ các cấp, chúng tôi nắm bắt và hiểu rõ vai trò của mình trong việc BVMT trên địa bàn. Gia đình tham gia cùng địa phương trong các hoạt động xây dựng, tạo cảnh quan môi trường, trồng cây xanh. Rác sinh hoạt cũng được thu gom, bỏ đúng nơi quy định để xử lý. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các đơn vị hoạt động trên địa bàn có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ báo với ngành chức năng để theo dõi, kiểm tra, xử lý, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu vực”.
Đại diện Công ty TNHH Hải Sơn (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Quang Hiến cho biết, là doanh nghiệp, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của công tác BVMT. Công ty luôn tuân thủ nghiêm túc công tác này. Trước khi tiếp nhận đầu tư, khu đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, toàn bộ nước thải đều tập trung về hệ thống xử lý tập trung của khu để xử lý, bảo đảm an toàn cho môi trường. Công ty thực hiện báo cáo đầy đủ về việc BVMT theo quy định. Khu cũng lắp đặt và vận hành trạm quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu đầy đủ về Sở TN&MT theo dõi, kiểm tra. Công ty ký kết hợp đồng với đơn vị có đầy đủ chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt, chất thải nguy hại. Riêng chất thải nguy hại, khu bố trí riêng vị trí theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp ngành chức năng, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật BVMT cho các doanh nghiệp thứ cấp nắm bắt, thực hiện.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được cải thiện đáng kể và đi vào nền nếp. Người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao nhận thức, tích cực tham gia BVMT. Tuy nhiên, môi trường vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số nơi vẫn còn xảy ra ô nhiễm, một số đơn vị hoạt động thiếu ý thức trong việc BVMT, một số điểm ô nhiễm cục bộ kéo dài, gây bức xúc dư luận như: Cụm công nghiệp Hoàng Gia, Cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ, Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông,...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT sẽ tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tập trung. Trong đó, Sở kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp; phấn đấu giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp: Hoàng Gia, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông.
Hỗ trợ UBND cấp huyện xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước mặt tại các kênh, rạch. Xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí, xây dựng báo cáo chuyên đề về môi trường và tổng hợp số liệu về môi trường hàng năm, trong đó có rà soát, đánh giá, đề xuất vị trí và tần suất quan trắc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn theo Kế hoạch 104/KH-UBND, ngày 26/5/2019 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019-2025. Tập trung xử lý địa điểm ô nhiễm bãi rác thải trên địa bàn huyện Bến Lức và Đức Huệ.
Hỗ trợ trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh quy mô cấp huyện, bảo đảm thu gom triệt để, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Thí điểm phân loại rác tại nguồn và xử lý chất thải rắn. Quản lý, thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau sử dụng. Nghiên cứu quản lý tấm pin năng lượng mặt trời, bóng đèn điện sau sử dụng. Nhân rộng các mô hình tiên tiến về BVMT như ứng dụng các chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; thu gom và xử lý rác thải hộ gia đình. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của các đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát động phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Đối với công tác tiếp nhận đầu tư, Sở tham mưu chỉ tiếp nhận các dự án có thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, bảo đảm khoảng cách với khu vực dân cư xung quanh, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; không cấp phép đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, khai thác tài nguyên không gắn liền với chế biến, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, ngoại trừ các ngành nghề dịch vụ, mang tính chất đặc thù; kiên quyết không cho đầu tư mở rộng đối với các dự án đầu tư không thực hiện tốt công tác BVMT. Tăng cường công tác hậu kiểm sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch BVMT. Tiếp tục đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động và trang thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh. Vận hành, bảo trì hệ thống giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm và các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp về BVMT thông qua các kênh thông tin như: Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An; áp dụng các công cụ mang tính trực quan như treo băng rôn, tờ rơi, sổ tay, xe cổ động,... hoặc các hình thức khác như lồng ghép việc tuyên truyền BVMT vào các cuộc họp tổ dân phố, họp nhóm. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng áp dụng các mô hình tiến tiến BVMT vào cuộc sống hàng ngày./.
Châu Sơn