Bối cảnh và yêu cầu đặt ra
Hiện nay, thế giới trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán, dự báo,... Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Xung đột giữa Nga và Ukraine tác động trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới. Xung đột quyền lực quốc tế giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng gay gắt, quyết liệt. Các thế lực chống đối, thù địch lợi dụng tình hình này để công kích, phê phán, lên án mô hình chủ nghĩa xã hội hoặc cổ vũ cho mọi yêu sách ly khai; tán dương nền dân chủ phương Tây như mẫu hình ưu việt cho toàn thế giới hoặc ủng hộ các khuynh hướng chính trị phương Tây.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Đây là cuộc cách mạng gắn liền với sự phát triển không gian mạng, kết hợp giữa công nghệ vật lý, kỹ thuật số và sinh học giữa hệ thống ảo và thực, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm. Từ đó, tạo nên cuộc cách mạng về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị, mở ra những triển vọng mới, thúc đẩy các quốc gia tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, chính quá trình này cũng đang tạo ra những phương tiện, công cụ hiện đại cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Về bối cảnh trong nước, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Với những thành tựu đã đạt, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy vậy, công tác xây dựng Đảng bên cạnh những chuyển biến tích cực thì những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng hơn “một bộ phận CBĐV bản lĩnh chính trị không vững vàng, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít CBĐV hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt, còn CBĐV phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”.
Trong khi đó, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ngày càng tinh vi hơn. Ngoài việc chống phá những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch còn ra sức truyền bá tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống tư sản vào xã hội Việt Nam, đặc biệt là tìm cách tác động vào thế hệ trẻ.
Gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những “điểm nóng” trên các lĩnh vực của Việt Nam nhằm xuyên tạc tình hình phát triển của đất nước, hướng lái những tư tưởng và hành động sai trái, chống đối, bất tuân, bạo lực và bạo động; từ đó lôi kéo, tập hợp những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước can dự vào công việc nội bộ của Việt Nam. Sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tâm lý, thái độ của một bộ phận CBĐV và nhân dân.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, cần thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp sau:
Trước hết, tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo. Đây là yếu tố đóng vai trò tiên quyết đến chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, làm cho công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục với hình thức và nội dung phù hợp trong tình hình mới.
Nội dung tuyên truyền phải bám sát diễn biến của tình hình thực tiễn. Ngoài những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm trong văn kiện, nghị quyết của Đảng; nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức trong những năm tới; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch gắn với bảo vệ những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm: “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Mặt khác, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Cùng với các phương pháp truyền thống như quán triệt học tập, trực quan sinh động, viết tin, bài trên báo chí,... cần đẩy mạnh tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội. Cách thức tuyên truyền cần có sự đổi mới linh hoạt gắn với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của xã hội. Ngoài ra, cần xây dựng các chiến dịch truyền thông chủ động trong dịp đất nước có những sự kiện chính trị lớn để các dòng thông tin tích cực trở thành chủ lưu, tránh các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin để tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật hòng dẫn dắt, hướng lái dư luận theo ý đồ của chúng.
Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động tuyên truyền, trong đó, chú trọng việc xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải những thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng, thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; xây dựng, phát triển và tăng cường phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh phát triển của truyền thông hiện đại, để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, nhất thiết phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Ngoài lực lượng CB chuyên trách ở Ban Tuyên giáo các cấp, cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, lực lượng xung kích để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trên cơ sở đó, ra sức phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Huyền Linh