Giờ thực hành gia công cơ khí của sinh viên Trung tâm Việt-Nhật, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Thực hiện tự chủ theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), hoạt động tổ chức bộ máy, đội ngũ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của các cơ sở đào tạo được đẩy mạnh.
Nhân rộng tự chủ
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng, tăng số lượng giảng viên, giảm tuyển dụng các vị trí viên chức và người lao động phục vụ, hành chính. Kết thúc năm học 2021-2022, cả nước có 154 trong số 170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Ðáng chú ý, các cơ sở giáo dục đại học chủ động tăng số giảng viên và giảm số lao động khối hành chính; đồng thời thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 71%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của các trường. Trong đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 25% năm 2018, đến nay hơn 31%; tỷ lệ giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư tăng thêm 5%-6%/năm.
Việc tự chủ cũng giúp các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô, đẩy mạnh quá trình xã hội hóa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài, các trường cũng tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế. Từ đầu năm 2018 đến hết năm 2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng, tăng số lượng giảng viên, giảm tuyển dụng các vị trí viên chức và người lao động phục vụ, hành chính |
Một số cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ hiệu quả như Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã chuyển đổi mô hình tổ chức quản trị, phát triển gồm: Phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định. Theo PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện tự chủ, người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm tính hiện đại và phát triển bền vững.
GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ, quá trình thực hiện tự chủ của trường được thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: Mở ngành, mở chuyên ngành và phát triển chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, xuyên ngành. Ðể tăng cường tự chủ trong đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục tăng các chương trình bằng tiếng Anh; xây dựng đề án tuyển sinh tự chủ, giảm dần và tiến tới độc lập với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tăng xếp hạng quốc tế
Cùng với tự chủ, việc mở rộng hợp tác, xếp hạng quốc tế cũng được các cơ sở đào tạo chú trọng và đạt nhiều thành tựu. Năm 2021, tổng số bài báo trong hệ thống SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tăng lên 17.625 bài (năm 2019 có 11.999 bài). Nhiều chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến được quan tâm phát triển. Sinh viên có cơ hội được học tập các chương trình quốc tế, được nhận bằng của các trường quốc tế.
Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động như liên kết với: Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Australia (37 chương trình) và Hàn Quốc (27 chương trình), Ðức (10 chương trình)… Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã phê duyệt tổng cộng 186 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài gồm 124 chương trình ở trình độ đại học; 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và bốn chương trình ở trình độ tiến sĩ.
Ðáng chú ý, đến tháng 8/2022 có bảy trường đại học được đánh giá và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Ðánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới các trường đại học Ðông Nam Á (AUN-QA). Ngoài ra, có 352 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.
Hệ thống đại học đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả, có sự gia tăng đáng kể về cơ cấu, số lượng ngành nghề, làm cho hoạt động đào tạo phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đa dạng của đất nước.
Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo - Nguyễn Kim Sơn
|
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. So với các năm trước, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới năm đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE gồm:Trường đại học Duy Tân (vị trí 401-500), Trường đại học Tôn Ðức Thắng (vị trí 401-500), Ðại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 1.001-1.200), Trường đại học Bách khoa Hà Nội (vị trí 1.201+), Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (vị trí 1.201+).
Ngoài ra, có năm cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); 10 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng Webometrics; năm cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021); 11 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022)...
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn, hệ thống đại học đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả, có sự gia tăng đáng kể về cơ cấu, số lượng ngành nghề, làm cho hoạt động đào tạo phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đa dạng của đất nước. Việc thực hiện Luật số 34/2018/QH14 giúp các trường năng động hơn cho nên dù còn nhiều khó khăn nhưng các cơ sở đào tạo Việt Nam vẫn giữ vững hoặc gia tăng chỉ số xếp hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Vì vậy, hệ thống giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Các trường đại học mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu….
Theo Nhân dân