6 tháng đầu năm 2018, Long An thành lập 549 đoàn liên ngành và chuyên ngành ATTP
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An - bác sĩ Phạm Văn Luân cho biết: “Toàn tỉnh có 2.985 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm do Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Những năm qua, công tác bảo đảm ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả”.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm về bảo đảm ATTP. Qua đó, nhắc nhở các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ; xác nhận kiến thức ATTP cho người quản lý và nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; việc bảo quản thực phẩm. Đồng thời phổ biến đến các cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh ATTP.
6 tháng đầu năm 2018, Long An thành lập 549 đoàn liên ngành và chuyên ngành ATTP từ tỉnh đến xã thanh tra, kiểm tra 7.706 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Theo đó, phát hiện 1.464 cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 800 triệu đồng.
Riêng ngành y tế, 6 tháng đầu năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra 7.611 lượt cơ sở, trong đó 80,46% lượt cơ sở đạt yêu cầu (số lượt cơ sở đạt tăng 8,39% so cùng kỳ). Số lượt cơ sở đạt tăng là nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền đến thanh tra, kiểm tra. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP không những của cơ sở sản xuất, kinh doanh mà cả người tiêu dùng.
Nhân viên quản lý Công ty (Cty) TNHH Thủy Song Linh (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: “Cty sản xuất nước uống đóng chai hơn 2 năm nay, trung bình 400-500 bình nước (20 lít/bình)/ngày. Cty chú trọng chất lượng, vệ sinh nhằm tạo uy tín và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, tôi luôn tuân thủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định của Thông tư 15/2012/TT-BYT của Bộ Y tế”.
Đoàn chuyên ngành an toàn thực phẩm tỉnh thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống đóng chai tại huyện Đức Hòa
Tại Điều 5 (Thông tư số 15/2012/TT-BYT, ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đủ diện tích bố trí các khu vực bày bán, chứa đựng, bảo quản thực phẩm; không bị ngập, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; không bị ảnh hưởng đến ATTP từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác. Các cơ sở phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải. Khu vực vệ sinh của cơ sở phải được bố trí ngăn cách với khu vực kinh doanh thực phẩm. Thực phẩm kinh doanh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng,...
Thông tư cũng quy định đối với người trực tiếp kinh doanh thực phẩm. Theo đó, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh thực phẩm,... hàng hóa kinh doanh phải để cách biệt, từng loại có giá kệ.
ATTP luôn là vấn đề nóng vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, các đoàn liên ngành và chuyên ngành ATTP từ tỉnh đến xã tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP nhằm tẩy chay thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương