(Ảnh: Getty images)
Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư ở cả nam và nữ đáng báo động và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ ung thư ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của môi trường, lối sống.
Với nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, đại trực tràng là một số loại bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư ở phụ nữ.
Tuy nhiên đây cũng là các loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi rất cao nếu được tầm soát bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Dưới đây là thông tin về các loại ung thư đang ngày càng trẻ hóa ở phụ nữ cần đặc biệt quan tâm.
1. Ung thư vú
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao vì đa phần chị em đều chủ quan do không nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào hoặc có thể bỏ qua vì nghĩ rằng ít nghiêm trọng cho đến khi có triệu chứng nặng.
Những triệu chứng của bệnh ung thư vú có thể kể đến như da vú lõm xuống, khô ở núm vú, vú thay đổi kích thước, hình dạng, vú nổi mẩn đỏ,... Một số trường hợp còn gặp phải tình trạng bị đau nhức ở khu vực núm vú, xuất hiện vết lõm ở da hoặc phần da xung quanh vú dày lên bất thường.
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh ung thư vú, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này như phụ nữ lớn tuổi, hút thuốc, di truyền, béo phì, uống nhiều rượu bia, thường xuyên dùng thuốc ngừa thai,...
Ung thư vú có nhiều phương pháp điều trị và có thể phối hợp với nhau để đem lại hiệu quả chữa trị tốt nhất. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết để chữa trị ung thư vú chính là điều trị ở giai đoạn sớm.
Nếu ung thư vú được phát hiện sớm ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100% (nhiều trường hợp sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những người lập gia đình, sinh con).
Khi ung thư đã lan ra ngoài tuyến vú, tới hạch bạch huyết và các tổ chức xung quanh thì tỷ lệ này giảm xuống còn 86%.
Khi ung thư đã di căn tới cơ quan khác của cơ thể như di căn phổi, gan, xương, tỷ lệ này giảm xuống còn 30%.
(Ảnh: Getty images)
Vì vậy, để phòng ngừa căn bệnh này, chị em dưới 40 tuổi nên thực hiện siêu âm vú để tầm soát khối u vú và sinh thiết nếu cần; từ 40 tuổi trở lên nên bắt đầu thực hiện chụp nhũ ảnh để tầm toát ung thư vú.
Với phụ nữ có yếu tố di truyền từ gia đình, cần thực hiện chụp nhũ ảnh trước độ tuổi mà người nhà đã từng phát hiện mắc bệnh vài năm theo khuyến cáo từ bác sỹ.
2. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến đứng thứ 2 sau ung thư vú, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tình trạng ung thư cổ tử cung ở nữ giới diễn ra khi các tế bào ở cơ quan này phát triển bất thường, vượt quá mức kiểm soát của cơ thể. Khi đó các tế bào mới tạo ra sẽ nhanh chóng phát triển thành các khối u trong cổ tử cung.
Hiện nay, virus HPV là tác nhân chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. HPV là một loại virus nguy hiểm hiện chưa có liệu pháp điều trị cụ thể. Khoảng 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời nhưng chủ yếu là nhiễm thoáng qua. Trong đó, khoảng 20% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng gây nên biến đổi tế bào ở cổ tử cung.
Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm loại virus này có thể kể đến như người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, hút thuốc,...
Bệnh ung thư cổ tử cung có dấu hiệu đầu tiên thường là chảy máu ở "vùng kín" một cách bất thường, chẳng hạn như chảy máu sau khi quan hệ, chảy máu vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn so với bình thường,...
(Ảnh: singingriverhealthsystem)
Đa phần tiến trình phát triển của ung thư là âm ỉ. Mất khoảng 10-15 năm bị nhiễm HPV mới có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư. Nhưng cũng có một số trường hợp rút ngắn còn khoảng 1-2 năm. Do đó, thăm khám tầm soát ung thư định kỳ là hết sức cần thiết để bệnh được điều trị kịp thời, tăng khả năng khỏi bệnh.
Đối với bệnh nhân ung thư được chẩn đoán trong giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 91%. Nếu phát hiện ung thư trong giai đoạn các tế bào ung thư đã lan đến các mô, và các hạch bạch huyết lân cận, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 60%.
Khi tế bào ung thư di căn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ khoảng 19%. Và với tất cả những người mắc bệnh ung thư cổ tử cung ước tính khả năng sống sót sau 5 năm là 67%.
Để phòng tránh nguy cơ nhiễm virus HPV gây ung thư cổ tử cun, nữ giới được khuyến khích nên tiêm phòng càng sớm sẽ mang lại hiệu quả càng cao.
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, vaccine phòng ngừa HPV được chỉ định tiêm cho nữ giới ở độ tuổi từ 9-26 tuổi. Người đã hoặc chưa từng quan hệ tình dục đều có thể tiêm, có hiệu quả kéo dài đến 30 năm.
Vaccine ngừa virus HPV cần được tiêm đủ 3 liều để có thể phát huy trọn vẹn hiệu quả phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, mụn cóc sinh dục, loạn sản và nhiều bệnh lý khác. Trong đó, mũi 1: tính từ mũi tiêm đầu tiên; mũi 2: 2 tháng sau khi tiêm mũi 1; mũi 3: 4 tháng sau khi tiêm mũi 2.
(Ảnh: Getty images)
3. Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư đường sinh dục thường gặp ở phụ nữ. Tại Việt Nam, đây là bệnh phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư phụ khoa, với gần 1.500 trường hợp mắc mới và hơn 900 người tử vong mỗi năm. Hầu hết trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ như phụ nữ sinh ít hoặc không sinh con; có kinh sớm, mãn kinh muộn; dùng thuốc kích thích rụng trứng; dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh; người bị ung thư vú.
Thực tế, phụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác như cảm giác khó chịu, bụng to lên, đau ở vùng bụng dưới; rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón; thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang; ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ; chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt; sờ thấy khối u hạ vị, hạch bẹn, hạch thượng đòn.
Để phát hiện bệnh sớm, phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt giúp phát hiện và có phương án điều trị phù hợp như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp MRI hay CT, sinh thiết.
Ngoài ra, chị em nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. U buồng trứng phát hiện sớm kích thước nhỏ có thể phẫu thuật nội soi và bóc tách, ít ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư buồng trứng tùy thuộc vào việc phát hiện và điều trị, ở giai đoạn sớm có thể đến 80%, song giai đoạn 4 chỉ dưới 5%.
(Ảnh: Getty images)
4. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên toàn cầu, đứng sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Nếu phát hiện sớm, bệnh có khả năng chữa trị khỏi rất cao.
Khi mắc bệnh ung thư đại trực tràng, người bệnh thường có các biểu hiện như thường xuyên ợ chua, hơi thở có mùi hôi, vùng bụng bị đau tức trước và sau khi ăn, đi đại tiện có máu, táo bón, tiêu chảy,...
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót chung sau 5 năm đối với ung thư đại trực tràng là khoảng 68%. Điều này có nghĩa là khoảng 68 trên 100 trường hợp những người mắc căn bệnh này có khả năng sống sót sau 5 năm kể từ lần chẩn đoán đầu tiên.
Để phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời, bạn nên thường xuyên kiểm tra sàng lọc định kỳ. Đây được xem là cách phòng tránh tốt nhất.
Việc tầm soát ung thư trực tràng nên được tiến hành trên những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Tầm soát ung thư giúp có thể phát hiện và loại bỏ các polyp trước khi các tổn thương này phát triển thành ung thư, đồng thời có thể phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm nhằm nâng cao khả năng điều trị khỏi bệnh.
(Ảnh: Getty images)
4. Làm sao để phòng ngừa ung thư?
Phòng ngừa ung thư là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để giảm nguy cơ mắc ung thư:
- Giữ cân nặng lý tưởng: Duy trì một chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục đều đặn để giữ cân nặng luôn ổn định, không béo phì.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường tiêu thụ các loại rau củ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt… giảm tiêu thụ thực phẩm chứa chất béo và lượng đường cao.
- Giảm tiêu thụ đồ uống có cồn: Hạn chế việc tiêu thụ rượu và các loại đồ uống có cồn khác.
- Không hút thuốc lá: Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác. Nếu bạn hút thuốc, hãy cân nhắc cai thuốc lá.
- Tăng cường vận động: Bạn nên tập thể dục đều đặn với các bài tập đơn giản như đi bộ, chạy bộ hoặc các môn thể thao khác.
- Giảm stress: Học cách quản lý stress và tìm kiếm các phương pháp thư giãn như thiền, yoga, hoặc những sở thích lành mạnh giúp giảm căng thẳng./.
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhung-loai-ung-thu-ngay-cang-tre-hoa-va-co-ty-le-tu-vong-cao-o-phu-nu-post999782.vnp