Tiếng Việt | English

21/11/2016 - 14:20

Nâng chất bưu điện - văn hóa xã phát triển theo hướng đa dịch vụ

Việc Bưu điện (BĐ) tỉnh Long An triển khai, nâng chất các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) theo hướng đa dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Vực dậy hoạt động các điểm bưu điện – văn hóa xã

Ở một số nơi, điểm BĐ-VHX nỗ lực làm nhịp cầu nối quan trọng và là điểm tổ chức hoạt động đọc sách, báo hữu ích, phục vụ cộng đồng trong suốt hơn 15 năm qua.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và duy trì mạng lưới bưu chính, chuyển phát, ổn định mạng lưới bưu chính công cộng quốc gia, bảo đảm cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích cho người dân; khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, logistics, tài chính - ngân hàng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác,... Đến nay, bộ mặt điểm BĐ-VHX đang từng bước thay đổi cùng với việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, triển khai mạng lưới dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vùng nông thôn.


Bưu điện - văn hóa xã bán các loại hàng tiêu dùng phục vụ người dân

Ông Võ Văn Phương, ấp Phú Tây A, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành cho biết: “Điểm BĐ-VHX là địa chỉ để người dân có nơi đọc sách, báo miễn phí, nắm bắt kịp thời các thông tin về thời sự và đời sống xã hội; tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp, nông thôn để áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, người dân còn có thể thanh toán tiền điện hàng tháng hay nhận các chế độ của Nhà nước ngay tại điểm BĐ-VHX”.

Đến tháng 9/2016, có gần 150 điểm BĐ-VHX hoạt động trong toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nâng chất BĐ-VHX theo hướng đa dịch vụ

Để đẩy mạnh hoạt động của điểm BĐ-VHX, BĐ tỉnh triển khai, đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh đa dịch vụ tại 25 điểm BĐ-VHX. Các điểm BĐ-VHX được chọn theo loại hình đa dịch vụ được nâng cấp, sửa chữa bảo đảm khang trang, xanh, sạch, đẹp, trang bị hệ thống biển hiệu theo nhận diện thương hiệu mới của BĐ Việt Nam.

Ngoài việc duy trì cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, tổ chức phục vụ hoạt động đọc sách, báo, các điểm BĐ-VHX này là điểm cung cấp đa dịch vụ của tổng công ty theo nguyên tắc giữ nguyên và đẩy mạnh các dịch vụ đang cung cấp tại điểm BĐ-VHX.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Phương, nhân viên BĐ-VHX Lạc Tấn, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, chúng tôi được đơn vị tập huấn về nghiệp vụ khi triển khai mô hình đa dịch vụ, kỹ năng trong sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ bưu chính - viễn thông, kinh doanh bán hàng phù hợp với loại hình đa dịch vụ với nhiều sản phẩm”.

Các điểm BĐ-VHX đa dịch vụ cung cấp các dịch vụ: Bưu chính chuyển phát thư, tài liệu, hàng hóa đi trong nước và quốc tế; tài chính bưu chính như chuyển tiền, tiết kiệm BĐ, thu hộ - chi hộ, chi lương hưu, bảo hiểm các loại như điểm thu bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xe gắn máy, bảo hiểm nhân thọ BĐ,...; phân phối truyền thông như bán sim, thẻ điện thoại, bán lẻ lịch, bán các loại hàng tiêu dùng;...


Điểm bưu điện - văn hóa xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành kinh doanh đa dịch vụ, cung cấp các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân

Phó Giám đốc phụ trách BĐ tỉnh - Ôn Thị Kim Hồng cho biết: “Sau khi khai trương 25 điểm BĐ-VHX đa dịch vụ, dự kiến tiếp tục khai trương các điểm còn lại. Có thể nói, việc duy trì và phát triển hệ thống điểm BĐ-VHX là trách nhiệm và nghĩa vụ của ngành BĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích do Đảng, Nhà nước giao. BĐ Long An quyết tâm xây dựng điểm BĐ-VHX trở thành điểm phục vụ cộng đồng dân cư đa dịch vụ, phục vụ tất cả các dịch vụ công của xã, đồng thời, luôn đồng hành với chủ trương của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cùng với những bước đột phá trong việc phát triển mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ đạt hiệu quả cao, BĐ tỉnh phấn đấu đưa tất cả những điểm BĐ-VHX còn lại trong toàn tỉnh trở thành điểm cung cấp đa dịch vụ tại địa bàn xã, cung cấp đầy đủ các dịch vụ của BĐ Việt Nam. Đội ngũ nhân viên tại các điểm tích cực, nhạy bén tham gia cung cấp dịch vụ. Đồng thời, triển khai thêm các dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của người dân vùng nông thôn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết