Tiếng Việt | English

15/04/2024 - 07:10

Nền nhà Hội Phước Vân - Biểu trưng của lòng yêu nước

Về Phước Vân, hỏi Di tích lịch sử (DTLS) Nền Nhà Hội hầu như ai cũng biết vì đó là DTLS duy nhất của xã, nơi ghi dấu cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đầu tiên tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An năm 1930.

Học sinh trên địa bàn xã Phước Vân, huyện Cần Đước đến viếng và tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích lịch sử Nền Nhà Hội Phước Vân (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Ngày đầu có Đảng

Cuối thế kỷ thứ XIX, Pháp thực thi chính sách “lấy người Việt cai trị người Việt”. Chúng thành lập hệ thống địa chủ, tề làng địa phương, có công sở làm việc gọi là Nhà Hội. Nhà Hội Phước Vân là nơi làm việc của Ban hội tề làng Phước Vân.

Cũng như các địa phương khác, đời sống người dân làng Phước Vân ngày ấy hết sức khó khăn, cơ cực. 75% người dân là hộ nghèo. Không có ruộng, nông dân sống bằng nghề làm thuê, trong khi bọn tay sai, địa chủ, phú nông có hàng trăm mẫu ruộng. Chúng cấu kết với nhau cai trị người dân.

Hồ sơ DTLS Nền Nhà Hội Phước Vân có đoạn ghi: “Đại địa chủ có ruộng đất từ 50 mẫu trở lên chuyên cho mướn ruộng từ 40 giạ (khoảng 20-25kg) - 50 giạ/mẫu, trong khi năng suất nông dân thu được khoảng 70 giạ/mẫu. Trong xã còn có thành phần trung phú nông liên kết với các thành phần trên ra sức bóc lột nhân dân lao động một cách thậm tệ bằng cách bao tá đất đai của địa chủ cho nông dân mướn lại với giá cao hơn thu tô của địa chủ hoặc thuê mướn công lao động với giá rẻ mạt... Thuế khóa của chính quyền thực dân ngày càng chồng chất nặng nề, nào là thuế đinh, thuế thân, thuế điền,... đánh thẳng vào cuộc sống của người dân nghèo”.

Trong tình thế đó, phong trào đấu tranh nhen nhóm với những hạt giống cách mạng đầu tiên. Hội kín Nguyễn An Ninh và tổ chức Thanh niên cách mạng Đồng chí hội bắt đầu phát triển tại Phước Vân, hoạt động đan xen, hỗ trợ nhau giúp đồng bào thấy rõ kẻ thù chính là thực dân Pháp cùng bọn cường hào tay sai. Người dân dần giác ngộ cách mạng và chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Cần Đước được thành lập tại làng Phước Vân năm 1930 với 6 đồng chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng tại Phước Vân bùng lên từ những ngày đầu năm 1930.

Ngày 04/4/1930, Chi bộ đảng Phước Vân huy động khoảng 500 người dân ở các làng: Phước Vân, Long Cang, Long Định, Long Khê, Long Sơn biểu tình tại Nhà Hội Phước Vân lúc 8 giờ tối. Người dân hô to khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp/ đả đảo quan làng địa chủ cường hào ác bá/ ruộng đất về tay nhân dân”. Ban hội tề làng Phước Vân hoảng sợ trước khí thế cách mạng của Nhân dân và bỏ chạy. Người dân tiến vào đập phá Nhà Hội, đốt sạch giấy tờ, sổ sách. Ngay sáng hôm sau, thực dân Pháp lùng bắt một số người dân cùng các đảng viên của ta, tra tấn dã man, sau đó kết án tù từ 2-5 năm. Phong trào cách mạng tại Phước Vân vì thế cũng tạm lắng xuống cho đến khi các đảng viên mãn hạn tù trở về.

Cuộc đấu tranh tại Nhà Hội Phước Vân được xem là khởi đầu, khơi dậy khí thế đấu tranh, sức mạnh trong quần chúng Nhân dân. Đây là lần đầu tiên Nhân dân Cần Đước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù.

Hành trình của hôm nay

Việc nhắc nhớ về ý nghĩa, giá trị lịch sử của cuộc đấu tranh tại Nhà Hội Phước Vân có ý nghĩa quan trọng nhằm lưu truyền, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông. Điều đó được Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã Phước Vân nỗ lực chung tay thực hiện qua các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và chung tay xây dựng quê hương.

Thời gian trôi qua mang theo nhiều thay đổi, Nhà Hội Phước Vân giờ đây chỉ còn lại một ít dấu vết của nền nhà nhưng cũng không rõ nét. Khu vực đó ngày nay là bia truyền thống, có rào xung quanh, được trồng một số cây cảnh để tạo cảnh quan. Đường vào di tích cũng được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại.

Di tích được giao cho Đoàn Thanh niên xã Phước Vân chăm sóc. “Qua hoạt động Thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh, Đoàn xã tập hợp đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh, chăm sóc bia truyền thống tại khu di tích. Công trình Số hóa DTLS Nền Nhà Hội Phước Vân giúp khách đến thăm quét mã QR để tìm hiểu sâu hơn về khu di tích” - Phó Bí thư Đoàn xã Phước Vân - Bùi Ngọc Thanh cho biết. Nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Đoàn xã Phước Vân còn tổ chức nhiều hoạt động khác nhằm ôn lại truyền thống, vun đắp lòng tự hào, biết ơn trong lực lượng đoàn viên, thanh niên như kết nạp đoàn viên tại khu di tích, sinh hoạt chính trị, hành trình Tiếp nối truyền thống Long An trung dũng kiên cường,... Các hoạt động đều được tổ chức tại Khu DTLS Nền Nhà Hội Phước Vân với sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn xã.

Di tích lịch sử Nền Nhà Hội Phước Vân (huyện Cần Đước) được gắn mã QR, thuận tiện cho việc tìm hiểu sâu thông tin về khu di tích (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Tiếp nối truyền thống anh hùng trong kháng chiến, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền, người dân xã Phước Vân tiếp tục đoàn kết trong hành trình xây dựng quê hương. Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, xã Phước Vân đang tiếp tục nâng chất các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân nhờ vậy được nâng lên từng ngày. 100% hộ dân trên địa bàn xã có nhà ở kiên cố, bán kiên cố. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 59 triệu đồng/năm. Xã chú trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế qua các nguồn vốn vay, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương,...

Là xã nông nghiệp nên hệ thống thủy lợi tại Phước Vân được đặc biệt chú trọng. 100% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã được tưới tiêu chủ động. Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực là rau an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, logo, mã số, mã vạch. Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa duy trì hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông hoàn thiện cũng góp phần giúp việc vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Hiện so với bộ tiêu xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Phước Vân còn một vài chỉ tiêu nhỏ cần hoàn thành. Lộ trình, kế hoạch được vạch ra và đang từng bước về đích./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết