Tiếng Việt | English

04/04/2022 - 14:20

Ngã tư Đình - Nét son của phụ nữ Tân Chánh

Di tích lịch sử Ngã tư Đình thuộc ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Người dân trong xã quen gọi là bia Bà Tư - Bà Mười, 2 người phụ nữ anh hùng, đi đầu đoàn biểu tình, không sợ trước họng súng kẻ thù. Giặc bắn 2 bà để thị uy nhưng sự hy sinh của 2 bà đã tiếp thêm sức mạnh, đoàn người vẫn tiến lên phía trước khiến quân địch phải khiếp sợ.

Câu chuyện những người phụ nữ anh hùng

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chánh - Nguyễn Thành Nam kể: “Bà Tư tên Phạm Thị Xứng, bà Mười là Võ Thị Chơi. Hai bà hy sinh trong đợt đấu tranh chính trị năm 1961 tại ngã tư Đình nên người dân gọi bia Di tích lịch sử Ngã tư Đình là bia Bà Tư - Bà Mười. Mấy năm trước, khi các bác cựu chiến binh lớn tuổi còn sống, nhiều bác biết rõ về đợt biểu tình. Tôi được nghe kể lại, khi đoàn biểu tình đi đến mé ao, gần đình Tân Chánh thì địch tràn ra, đoàn thụt lùi lại, cờ bị rớt. Hai bà vượt lên cầm cờ tiến tới và bị bắn, bà con đỡ hai bà ra phía sau, đặt nằm tại bãi đất trống cạnh đó”.

Cây xanh được trồng quanh bia tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp

Giai đoạn năm 1960, khí thế của phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre lan rộng. Tại vùng Cần Đước, trong đó có Tân Chánh, khí thế cách mạng lên cao, các cơ sở chính trị trong quần chúng được củng cố, phát triển mạnh, tạo đà cho đấu tranh chính trị. Về phía địch, sau Đồng Khởi, chúng hết sức hoang mang, lo sợ, tăng cường lực lượng, củng cố lại đồn, bắt bớ, hà hiếp dân lành. Năm 1961, phát huy vai trò của đội quân tóc dài, cuộc đấu tranh chính trị với lực lượng chính là chị em phụ nữ được phát động trong quần chúng nhân dân. Trong quyển Lịch sử truyền thống xã Tân Chánh có kể rõ, đêm mùng 04/11 Âm lịch (12/12/1961), sau khi được quán triệt về yêu cầu, mục tiêu và phương pháp đấu tranh, nhân dân Tân Chánh ráo riết chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Sáng mùng 05/01 (Âm lịch) “khoảng 500 chị em từ các ấp thuộc xã Tân Chánh tập trung tại ngã tư Đình với đầy đủ băng, cờ, khẩu hiệu. Đoàn người đi trong hàng ngũ chỉnh tề tiến về phía đồn Tân Chánh, vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu:

Chống càn quét, chống khủng bố

Đả đảo đại diện Khoa (một tên ác ôn tại Tân Chánh - PV) yêu cầu rút khỏi Tân Chánh.

Trả chồng con về làm ăn.

Mặc địch phát loa yêu cầu giải tán và bắn chỉ thiên cảnh cáo, đoàn người vẫn không lùi bước. Khi bà Tư, bà Mười tiến lên phía trước, cầm cờ động viên mọi người tiến bước thì chúng xả đạn vào đoàn biểu tình. Hai bà hy sinh, một số người khác bị thương. Trước khí thế đó, bọn địch khiếp sợ, tên đồn trưởng hứa sẽ làm theo yêu sách của nhân dân. Cuộc biểu tình trở thành một nét son trong truyền thống đấu tranh của phụ nữ Tân Chánh.

Sau cuộc biểu tình, lễ truy điệu bà Tư và bà Mười được quần chúng tổ chức trang nghiêm, hàng ngàn người từ địa phương khác cũng đến tham dự khiến bọn địch khiếp sợ, đóng chặt cửa bót, không dám ra ngoài.

Bức phù điêu miêu tả lại cuộc biểu tình tại Ngã tư Đình năm xưa

Tấm lòng người ở lại

Năm 1992, nơi diễn ra cuộc đấu tranh của phụ nữ Tân Chánh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bia di tích được trùng tu, sửa chữa nhiều lần và do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã cùng Đoàn Thanh niên Trường Tiểu học Tân Chánh chăm sóc.

Di tích lịch sử Ngã tư Đình có sự gắn bó chặt chẽ với địa phương. Sự kiện lịch sử năm xưa do chính người dân Tân Chánh tạo ra. Những người hùng ngày ấy cũng là những người Tân Chánh. Đến ngày nay, xóm giềng, người thân của họ vẫn còn ở lại và luôn ghi nhớ câu chuyện năm xưa. Chị Nguyễn Thị Hồng Thu - cháu nội bà Tư, kể: “Nội tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các chú, bác và ba tôi đều tham gia hoạt động cách mạng. Lúc nội tôi dẫn đầu đoàn biểu tình, chỉ còn một mình bà ở nhà, ba tôi với mấy chú, bác đều thoát ly hết rồi. Tôi nghe kể lại, chỗ bia di tích cũng là nơi nội tôi bị bắn. Chú tôi là người giỗ nội, mỗi năm, đến ngày giỗ là đại gia đình lại tụ họp về thắp nhang cho nội”.

Tân Chánh ngày nay có nhiều thay đổi, cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt

Tiếp nối truyền thống gia đình, chị Thu tham gia công tác ấp, góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương. Là Bí thư, Trưởng ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh khoảng 10 năm, chị Thu luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương, cùng các đoàn thể vận động người dân chung tay xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Chị còn là giám đốc hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương.

Tân Chánh ngày nay có nhiều thay đổi, cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt. Khu di tích Ngã tư Đình được quan tâm, chăm sóc. Cây xanh được trồng quanh bia tạo cảnh quan dù khuôn viên không rộng. Bia vẫn thường có hương, hoa do người dân đến viếng. Hàng năm, đến ngày kỷ niệm đợt biểu tình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã đều tổ chức thắp hương tưởng nhớ tại bia./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết