Tiếp tục câu chuyện ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chống chọi thế nào khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thị trường thế giới, đặc biệt là có thể “thắng trên sân nhà”? Nhiều chuyên gia và giới trong ngành cho rằng, không chỉ là cần chính sách vĩ mô chiến lược phát triển ngành hợp lý (vật nuôi, thị trường), mà còn cần cả những hỗ trợ kịp thời thiết thực về: vốn tín dụng; và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không phải dân Việt Nam ăn toàn thịt nhập khẩu
Lợi thế đầu tiên mà ngành chăn nuôi Việt Nam cần nhìn thấy, đó là thị trường nội địa hơn 90 triệu dân Việt. Trước hết, theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, “Người dân cần phải ăn. Nhưng muốn tiếp cận phục vụ họ, thực phẩm làm ra phải chất lượng, phải sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đừng để thực phẩm nước ngoài tràn vào lấn sân. Hãy khoan bàn chuyện xuất khẩu, mà lo ngay việc làm sao để sống được trên “sân nhà”. Tìm cách ngăn nông sản thực phẩm không an toàn nhập khẩu vào Việt Nam; lo cho có đủ thức ăn chăn nuôi nội địa, đừng nhập thức ăn chăn nuôi nữa”.
Chi phí đầu vào cao, giá thành chăn nuôi bị đội cao (Ảnh minh họa: KT)
Là người có kinh nghiệm hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: Nước ta đang còn có 70% dân số là nông dân với 11,3 triệu hộ nông dân. Trong đó, 7 hộ chăn nuôi gà, 4 triệu hộ nuôi lợn, 2,5 triệu hộ nuôi vịt. Hiện nay, trong cơ cấu thức ăn của người dân nước ta đang tiêu thụ 73% là thịt lợn, 17% thịt gia cầm, 7% thịt trâu, bò. Người Việt Nam không thể ăn toàn thịt nhập khẩu.
Cùng quan điểm này, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, tự tin rằng, “ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế. Nếu quyết tâm thúc đẩy ngành, làm quyết liệt thì vẫn tồn tại tốt trong hội nhập”. Chứng minh cho nhận định này, ông Trúc cho hay: Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, trong đó ngành chăn nuôi có một số lợi thế không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn có tiềm năng xuất khẩu được. Đó là nước ta đã có khoảng 16% sản lượng gà được xuất khẩu; thịt lợn cũng đã xuất khẩu sang Đông Âu, Bắc Á; mật ong cũng đã xuất khẩu sang EU, Mỹ; trứng vịt muối cũng xuất khẩu nhiều... Gà công nghiệp chỉ chiếm 25-30% thị phần trên cả nước và thịt gà nhập khẩu về là gà công nghiệp. Vậy thị trường vẫn còn 70-75% thị phần dành cho gà ta.
Đặc biệt, theo ông Trúc, “thói quen tiêu dùng của người Việt thích ăn thịt tươi chính là một lợi thế cho chăn nuôi nội địa”.
Vậy khó khăn trước mắt của ngành chăn nuôi là gì?
Theo ông Lê Bá Lịch, khó là năng suất thấp, giá thành cao; nhiều thứ phải nhập khẩu như: 80% vaccine, thức ăn, giống mới cao sản, cơ sở giết mổ nhỏ và không đảm bảo vệ sinh, dịch bệnh nhiều; lãi suất vay vốn cao; chưa tạo được chuỗi trong chăn nuôi.
Có gian lận thương mại không? “Tại sao Thái Lan và Mỹ cũng có cúm gia cầm, mà Thái Lan vẫn xuất khẩu được tới 4 tỷ USD từ gà công nghiệp; Mỹ cũng xuất khẩu rất nhiều. Chẳng lẽ nông dân Việt Nam kém đến thế? Có nước nào làm được gà giá 1 USD/kg đâu, mà ở nước ta cũng đã làm được giá 1,6 USD/kg. Vậy tại sao họ bán thịt gà vào Việt Nam có 20.000 đồng/kg gà đùi. Ở đây có gian lận thương mại không?”- ông Lê Bá Lịch. |
Trong đó, chuyện vay vốn phục vụ chăn nuôi hiện đang là một điểm nghẽn rất quan trọng. “nếu không thay đổi cơ chế tín dụng cho ngành chăn nuôi thì ngành rất khó khăn”- ông Lịch trăn trở, và đề nghị: ngành cần được Nhà nước bảo hộ. Trong đó bảo hộ đầu tiên phải là chính sách tín dụng ưu đãi cho chăn nuôi. Vì hiện so với các nước khác trên thế giới, lãi suất cho vay ở nước ta quá cao. Ở Mỹ lãi suất chỉ 3%, Trung Quốc 5%, Thái Lan 3%, còn Việt Nam nếu được vay ưu đãi thì lãi cũng tới 7%. “Nếu cứ lãi suất cao thế này, chăn nuôi Việt Nam cạnh tranh kiểu gì? Đã thế, nguyên liệu đầu vào nhập khẩu nhiều, mà tỷ giá biến động liên tục, nhất là tăng tỷ giá. Như thế, càng làm giảm sức cạnh tranh vì giá thành sản phẩm của ngành chăn nuôi bị đội lên”- ông Lịch nhấn mạnh.
TS Đào Thế Anh cho biết, hầu hết giá thành thịt gà, thịt lợn, thịt bò… trong nước đều đắt hơn của các nước chăn nuôi công nghiệp như Trung Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu… Ước tính, giá thịt gà, thịt lợn trong nước hiện đều đắt gấp 2-3 lần so với giá một số nước trên thế giới. Do đó, một số nước đang rục rịch xuất khẩu thịt sang Việt Nam vì họ làm rẻ hơn.
“Chúng ta thường chỉ đạo là tập trung vào sản xuất một số mặt hàng chính. Nhưng cách này đi ngược với quy luật thị trường. Bởi nếu sản phẩm gì nhiều quá, giá sẽ giảm. Đây là quy luật chung. Trên thế giới, các nước đều tìm cách tránh tình trạng này”- TS Đào Thế Anh. |
Là người bức xúc hơn cả về chính sách cho ngành chăn nuôi còn nhiều bất cập, TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, lấy ví dụ: Hiện nay, gà nếu cắt rời bộ phận rồi nhập khẩu về thì thuế 20% nhưng gà để nguyên con nhập khẩu thuế lại là 40%. Có lẽ vì thế mà các doanh nghiệp đang lách luật bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh cả mình gà rồi nhập khẩu về để hưởng thuế suất 20%. Do đó, theo ông Khanh, “Chỉ cần chính sách điều chỉnh siết chặt hơn, doanh nghiệp sẽ không thể lách như vậy để gây ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước”.
Cùng với đó, một trong những vấn đề khiến sản phẩm chăn nuôi Việt kém sức cạnh tranh là do hạn chế trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Quan điểm của ông Khanh là việc này cần Nhà nước ra tay hỗ trợ. “Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi, tạo điều kiện để kiểm soát, đảm bảo hơn nữa an toàn thực phẩm, gây dựng lòng tin cho người tiêu dùng. Nếu sản lượng tốt mà an toàn vệ sinh kém thì vẫn thua!”
Riêng về tín dụng, theo ông Khanh, không chỉ cần ưu đãi về mức lãi suất mà còn rất cần điều chỉnh thời hạn cho vay phù hợp với chu trình và tính thời vụ trong chăn nuôi./.
Xuân Thân/VOV.VN