Tiếng Việt | English

25/03/2020 - 09:19

Nghề công tác xã hội - Tưởng dễ mà khó!

Nhiều người ví von nghề công tác xã hội (CTXH) chỉ đơn giản là làm từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nghề CTXH phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và phải chịu cảnh “làm dâu trăm họ”, đòi hỏi người làm nghề phải có tâm và kiên nhẫn.

Phó Trưởng phòng Y tế-Phục hồi sức khỏe, Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Trần Ngọc Cứ tư vấn tâm lý cho học viên

Luôn đối mặt với nguy hiểm

Theo đoàn công tác của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đến khảo sát tình hình hoạt động của Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tại xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả của từng cán bộ, nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ cắt cơn, chữa bệnh, phục hồi và dạy nghề cho người nghiện ma túy với điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhiều thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đang đau đớn vì lên cơn nghiện nhưng luôn miệng chửi mắng cán bộ y tế, thậm chí còn có những lời đe dọa giết cả gia đình, còn cán bộ ở cơ sở thì xem đó là chuyện bình thường. 

Phó Trưởng phòng Y tế-Phục hồi sức khỏe, Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Trần Ngọc Cứ chia sẻ: “Những ngày đầu điều trị cắt cơn là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với học viên cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều này làm các học viên trở nên hung hãn, ảo tưởng, dễ gây nguy hiểm cho người xung quanh. Khi điều trị cắt cơn tạm ổn, học viên nhận biết được thì lại phát sinh tâm lý chán chường, một số còn suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết. Do đó, người làm việc trong cơ sở phải thật bình tĩnh, khéo léo, tùy theo tình huống mà xử lý”.

Điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy bình thường đã vất vả thì điều trị cho người nghiện ma túy nhiễm HIV càng vất vả hơn. Nguyên nhân, sức đề kháng của người nghiện ma túy bình thường đã rất yếu, còn người nghiện ma túy nhiễm HIV càng yếu hơn, bởi phải điều trị thêm HIV. Để giúp học viên có sức đề kháng tốt, cơ sở luôn quan tâm chăm sóc từng khẩu phần ăn, đồng thời tạo điều kiện cho học viên tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên. Tuy nhiên, một số người nhiễm HIV không những không hợp tác mà còn hăm dọa các học viên cùng phòng và cả cán bộ y tế. 

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Nguyễn Văn Cường (bìa trái) cho biết: Những người thực sự có trách nhiệm với nghề mới vượt qua nỗi sợ hãi, mang đến cơ hội làm lại cuộc đời cho người cai nghiện

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Hiện nay, cơ sở đang quản lý 499 người, trong đó 21 người nhiễm HIV, 75 người có tiền án về tội trộm cướp tài sản, gây rối trật tự,... từng đi tù, số còn lại cũng thuộc trường hợp bất hảo ở địa phương. Những người thực sự có trách nhiệm với nghề mới vượt qua nỗi sợ hãi, mang đến cơ hội làm lại cuộc đời cho người cai nghiện”. 

Những năm qua, các dãy nhà ở, khu y tế, nhà ăn, phòng cách ly,... của cơ sở đều xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị, phục hồi cho người nghiện ma túy. Ngoài ra, cơ sở được giao 70 biên chế nhưng đến nay chỉ có 63 người làm việc, thiếu 7 người, nguyên nhân chủ yếu chế độ phụ cấp đặc thù thấp, chưa thu hút được người lao động làm việc. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động ở đây luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vì với họ đó là trách nhiệm và cái tâm của người làm CTXH.

Anh P.T.T. (quê Cần Giuộc) nói: “Tôi vào cơ sở được 13 tháng. Ban đầu, tôi rất ghét, thậm chí là hận cán bộ y tế vì bắt tôi phải cai thuốc. Sau khi cai nghiện, tôi cảm thấy biết ơn cán bộ vì nếu không có sự quan tâm, động viên, tôi đã không có cơ hội làm lại cuộc đời, mãi là một người nghiện ngập, xấu xa”.

Dù lắm khó nhọc, đối diện với hiểm nguy rình rập, những người làm CTXH tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An vẫn không chùn bước, ngược lại còn rất vững vàng trên hành trình giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. 

Nghề “làm dâu trăm họ”

Lâu nay, người dân Cần Đước rất quen thuộc với người phụ nữ có dáng nhỏ nhắn đến từng nhà vận động người dân tham gia hiến máu, hỗ trợ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Đó là bà Trần Thị Phượng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Cần Đước.

Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Cần Đước- Trần Thị Phượng tặng quà người nghèo

Gần 6 năm với vai trò là Chủ tịch Hội CTĐ huyện cũng là ngần ấy thời gian bà Phượng đưa các phong trào hội ngày càng đi lên, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương. Để vực dậy phong trào CTĐ ở địa phương, bà Phượng phải nỗ lực rất nhiều, trong đó vừa phải tìm nguồn vận động, vừa nắm danh sách hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn để tìm biện pháp giúp đỡ phù hợp. Có những nhà hảo tâm dễ tính vận động một lần là được ngay, còn những nhà hảo tâm khó tính, bà phải thật kiên trì, nhẫn nại thuyết phục để người nghèo ở địa phương được giúp đỡ. Chính sự nhiệt tình, chân thật, bà Phượng đã tạo được cảm tình, sự tin tưởng của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. 

Kết quả, năm 2019, Hội CTĐ huyện vận động xây được 34 căn nhà tình thương với tổng số tiền trên 2,2 tỉ đồng; trên 17.000 phần quà tặng người nghèo; xây dựng 7 cây cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng,... Đặc biệt, những năm qua, hội còn duy trì được mô hình Bảo trợ xã hội suốt đời cho 60 mảnh đời khó khăn trong cuộc sống, mỗi hộ được nhận 10kg gạo và nhu yếu phẩm hàng tháng. 

Bà Phượng kể: “Nhiều người ví von nghề CTXH chỉ là hoạt động từ thiện - nhân đạo, giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Song, để làm tốt công tác này, nhiều người phải chấp nhận cảnh “làm dâu trăm họ”. Người nào có tấm lòng nhân ái, tình thương yêu thật sự mới làm tốt CTXH. Khi thấy người nghèo vượt qua khó khăn, tôi lại có thêm động lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Anh Nguyễn Văn Hoài tư vấn về các chế độ, chính sách ưu đãi cho người nghèo

Với tiền lương cộng tác viên (CTV) CTXH Giảm nghèo chưa được 1,5 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí đổ xăng và nạp card điện thoại nhưng anh Nguyễn Văn Hoài - CTV CTXH Giảm nghèo xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, vẫn luôn hết lòng vì những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Anh Hoài trải lòng: “Làm công tác này chủ yếu là cái tâm, chứ nghĩ đến tiền lương là không thể bám nghề. Đối với tôi, chỉ cần thấy người nghèo có điều kiện vươn lên đã là khoản “tiền lương” vô giá giúp mình có thêm động lực, niềm tin để làm tốt nhiệm vụ được giao”.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành công nghệ thông tin, anh Hoài xin làm CTV CTXH Giảm nghèo ở xã Tân Ninh. 7 năm làm CTXH, anh Hoài nhớ rất rõ từng trường hợp hộ nghèo, cận nghèo. Mỗi khi có nhà hảo tâm đến khảo sát hoàn cảnh của người nghèo, anh Hoài đều sắp xếp công việc gia đình để đi cùng đoàn. Với tấm lòng hướng về cộng đồng, anh Hoài góp phần viết nên câu chuyện về tình yêu thương trong xã hội.

Bà Huỳnh Thị Bé Tám, ngụ xã Tân Ninh, tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của Hoài, gia đình tôi có điều kiện xây lại căn nhà kiên cố và có vốn phát triển sản xuất. Giờ đây, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Tôi mang ơn những người làm CTXH như Hoài”.

Nghề CTXH là một trong những lĩnh vực mang tính đặc thù. Vì thế, với những người làm CTXH, chỉ có kiến thức thôi chưa đủ, họ còn phải có cái tâm với cộng đồng, nhất là phải chấp nhận những rủi ro để cống hiến hết mình cho xã hội. Vì vậy, nghề CTXH tưởng dễ mà khó!

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết