Tiếng Việt | English

13/09/2021 - 10:14

Ngôi đền nhỏ hướng ra dòng Vàm Cỏ Tây

Tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, phía cuối đường 30/4 có một ngôi đền nhỏ hướng ra sông Vàm Cỏ Tây. Đó là đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng 10 Âm lịch, người dân trong vùng tổ chức lễ cúng nhớ ơn ông.

Phó tướng của Thiên Hộ Dương

Ông Dương Thành Chương - Phó Trưởng ban Quản trị đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, kể: “Ở vùng này, ai cũng biết ông Đốc binh Kiều là người có công chống Pháp. Xưa ông là phó tướng của Thiên Hộ Dương. Tôi nghe kể ông bị thương ở khu Gò Bắc Chiêng, được đưa về tỉnh Đồng Tháp rồi mất bên đó. Người dân và chính quyền địa phương nhớ công ông nên lập đền thờ. Lễ giỗ ông năm nào cũng được tổ chức long trọng nhưng mấy năm nay, do dịch bệnh nên tổ chức nội bộ ban quản trị”.

Đền thờ Đốc binh Kiều tại thị xã Kiến Tường

Đốc binh Kiều tên thật Nguyễn Tấn Kiều, ông là người miền Trung nhưng quê quán và năm sinh đến nay chưa ai biết rõ, chỉ biết ông đã gắn bó với miền đất Nam bộ, trong đó có khu vực Đồng Tháp Mười, Long An. Ông là phó tướng của Thiên Hộ Dương Võ Duy Dương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nghĩa quân của Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều lập đại bản doanh ở Gò Tháp nằm tại trung tâm Đồng Tháp Mười (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp).

Xung quanh đó là đồn Hữu, đồn Tả, đồn Trung và các đồn nhỏ khác như đồn Cái Thia, đồn Cái Nứa, đồn Sa Tiền, đồn Tuyên Oai,... trải dài từ tỉnh Đồng Tháp đến khu vực Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Tại Đồng Tháp Mười có đồn Tả nằm trên Gò Giồng Dung (huyện Tân Thạnh) và đồn Tuyên Oai nằm trên đỉnh Gò Bắc Chiêng, phía Bắc đồn Tả.

Đồng Tháp Mười có vị trí chiến lược, có thể lên miền Đông, xuống miền Tây. Đây là khu vực mênh mông với tràm, đưng, lau, sậy,... đường đi lại khó khăn. Nghĩa quân đóng tại đây lập được nhiều chiến công, trở thành “cái gai” trong mắt thực dân Pháp. Trong suốt những ngày tháng đó, Đốc binh Kiều luôn sát cánh cùng Thiên Hộ Dương và các tướng lĩnh khác: Trần Kỳ Phong, Bùi Quang Diệu, Nguyễn Văn Linh,... Nghĩa quân thường xuyên từ khu căn cứ tấn công các đồn lũy của địch ở Cái Bè, Cao Lãnh,...

Vì nước quên thân

Đầu năm 1866, thực dân Pháp mở đợt hành quân tấn công căn cứ Đồng Tháp Mười để chiếm trọn Nam kỳ. Các đợt tấn công liên tục với lực lượng hùng hậu khiến nghĩa quân phải lần lượt rút lui khỏi các đồn. Khi đồn Cái Nứa thất thủ, địch tiến sát đồn Tuyên Oai, Võ Duy Dương giao phó cho Đốc binh Kiều và Nguyễn Văn Cẩn coi giữ đồn Trung, đồn Tiền, đồn Hữu, còn ông về đồn Tả. Dưới sự chỉ huy của người phó tướng tài ba, nghĩa quân dù lực lượng ít, chỉ có súng bắn đá và gươm giáo vẫn chống cự quyết liệt, gây nhiều thiệt hại cho bọn thực dân, khiến chúng phải bổ sung lực lượng liên tục và suy sụp tinh thần.

Mô hình khẩu thần công đặt trước đền, hướng ra dòng Vàm Cỏ Tây được cho là phỏng theo khẩu thần công cối 80 của nghĩa quân Võ Duy Dương sử dụng tại đồn Tả năm xưa

Các đồn chính, đồn nhỏ và trạm đều lần lượt rơi vào tay giặc, Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều cùng nghĩa quân rút về đại bản doanh. Thực dân Pháp vẫn tiến quân ồ ạt từ nhiều phía. Tình thế nguy cấp, phó tướng Nguyễn Tấn Kiều dùng thế nghi binh để Thiên Hộ Dương thoát thân và bảo toàn lực lượng. Trong trận chiến cuối cùng này, Đốc binh Kiều anh dũng hy sinh sau khi gây nhiều tổn thất cho quân địch. Ông được người dân đưa về an táng tại đồn Trung. Sợ mộ phần ông bị thực dân giày xéo, người dân cẩn thận làm nhiều phần mộ giả xung quanh. Mãi đến sau này, người đời sau mới biết được đâu là mộ thật của Đốc binh Kiều.

Tấm gương quả cảm, anh dũng hy sinh vì nghĩa quân và chủ tướng của ông được người dân cảm kích. Người dân Đồng Tháp Mười vẫn lưu truyền bài thơ:

Vì nước quên mình bởi chữ trung

Thương dân chi sá chốn sình bùn

Mấy năm Đồng Tháp danh vang dội

Cọp rống ngoài truông, tiếng hãi hùng

Hai thước im lìm nơi thạch động

Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung

Nỗi lòng nghĩ đến nhiều năm trước

Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng.

(Hồ sơ xin xây dựng đền thờ Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều)

Hiện nay, trước đền thờ có đặt mô hình 2 khẩu thần công hướng ra phía sông như nhắc nhớ về những chiến công của cha ông trong những ngày đắp lũy, xây đồn bảo vệ quê hương. Theo lời kể của Phó Trưởng ban Quản trị đền, mô hình 2 khẩu thần công này phỏng theo nguyên bản khẩu thần công đặt tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh. Đó là khẩu thần công được cho là vũ khí của nghĩa quân Võ Duy Dương tại đồn Tả năm xưa.

Quá khứ đã lùi xa, giờ đây, ngôi đền nhỏ hướng ra sông Vàm Cỏ Tây lắng nghe nhịp sống của vùng trung tâm Đồng Tháp Mười đang ngày một phát triển./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết