Tiếng Việt | English

21/02/2017 - 11:01

Người “bắt tử thi lên tiếng”

Họ là những người làm việc trong môi trường đặc thù vất vả, đầy ám ảnh và gần như “cô đơn”. Ấy vậy mà, bằng tình yêu nghề, những bác sĩ pháp y (PY) vẫn từng ngày âm thầm cống hiến, “bắt tử thi lên tiếng”, góp phần tìm ra sự thật.

Nghề không dành cho người yếu tim

Khi còn là sinh viên, cũng như nhiều người bạn cùng học, chàng trai trẻ Lý Văn Bảy từng ấp ủ dự định hành nghề y cứu người. Rồi cơ duyên “đưa đẩy” anh về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Long An và gắn bó với cái nghề mà nhiều người cho là “rùng rợn” - nghề PY.


Trở về với gia đình, anh Lý Văn Bảy phụ vợ chăm sóc con (trong ảnh: Đưa con đi học)

25 năm trong nghề và hiện nay là bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng khoa Giám định PY, anh Bảy vẫn nhớ như in những ngày đầu khi bước chân vào nghề PY.

Trầm ngâm một lúc, anh kể với tôi: “Con người mà, ai lần đầu tiên thấy xác chết mà không sợ. Nhớ lại hồi đó, tôi cảm giác lạnh cả xương sống! Một ca mổ bình thường còn có mùi tanh, đằng này là một xác chết lâu ngày, đã phân hủy và biến dạng, mùi tử thi nồng nặc, thật đáng sợ! Nhưng vượt lên trên hết, tôi và những bác sĩ PY khác dần dần kiềm chế được nỗi sợ hãi vì đã chọn nghề thì phải sống và cống hiến cho nghề”.

Mấy chục năm tiếp xúc với tử thi, gần như không có kiểu chết nào mà anh chưa từng chứng kiến. Từ nhẹ nhàng như chết bệnh trên giường cho tới kinh khủng như tử vong do tai nạn giao thông hoặc đáng sợ hơn nữa là những xác chết trôi sông, trương phình. Anh không chỉ chứng kiến mà còn phải tự tay khám nghiệm, giải phẫu để tìm ra nguyên nhân cái chết của họ.

Đến bây giờ, cứ ngỡ chọn nghề PY thì bác sĩ PY nào cũng thuộc dạng "gan hùm mật gấu" và miễn nhiễm với những nỗi sợ hãi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Bản thân anh từng bị xác chết “hù”, ám ảnh đến mấy ngày trời không nuốt nổi bất cứ thức ăn nào trong lần đầu tiên mổ PY. Có nhiều vụ án mạng kinh hoàng, nạn nhân chết lâu ngày,... phải thử thách tay nghề của anh.

“Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, tôi nhận được tin phải đến hiện trường làm nhiệm vụ vì có một xác chết là nữ trong tình trạng lõa thể tại một bờ kênh thuộc xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Khi đến nơi, bằng nghiệp vụ của mình, tôi nghi hung thủ dựng hiện trường giả vì trên cổ nạn nhân có những vết lằn. Sau đó, chúng tôi tiến hành mổ xác và phát hiện trong dạ dày nạn nhân có hơi men,... Sau đó, chúng tôi cung cấp cho công an, giúp họ khoanh vùng tội phạm và tìm ra được thủ phạm sát hại nạn nhân” - anh kể.

Nếu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng"

Chỉ đứng gần hoặc nghe mùi tử khí bốc lên là nhiều người chịu không nổi. Hoặc chứng kiến hình hài biến dạng của các tử thi, nhiều người sẽ bị sốc, nôn ói liên tục. Nhưng với bác sĩ PY nói chung và anh Bảy nói riêng, tuy được trang bị các dụng cụ bảo hộ nhưng phải tiếp xúc thường xuyên, liên tục và có khi đối diện nguy cơ lây nhiễm bệnh từ tử thi là điều không thể tránh khỏi,... Vậy mà họ vẫn làm công việc này thường xuyên.

“Lúc trước, làm việc trong điều kiện khó khăn, dụng cụ bảo hộ thiếu thốn, ca mổ có bao nhiêu mùi hôi thối là bao nhiêu mùi đó bám hết vào người từ đầu đến chân. Kinh khủng nhất là những xác chết trôi sông trương phình và chết nhiều ngày đang trong thời kỳ phân hủy nặng thì mùi hôi không thể diễn tả; lúc mổ, dù rất cẩn thận nhưng vẫn bị bám đầy mùi. Hơn nữa, với những xác chết này, chúng tôi "đụng đâu mổ đó", nên chuyện phải mổ tử thi tại những bờ sông, ven đường, mưa nắng là chuyện hết sức bình thường, thậm chí có những ca mổ kéo dài cả đêm” - anh Bảy nói.

Bây giờ, chế độ, phương tiện trang bị và dụng cụ phục vụ nghề nhiều hơn ngày xưa nhưng vẫn không thể tránh khỏi có những bệnh phơi nhiễm nhưng bác sĩ vẫn phải làm. Thậm chí có người bị HIV/AIDS giai đoạn cuối vẫn phải mổ khám nghiệm tử thi. Làm công việc này, bác sĩ PY luôn đặt mình vào trường hợp xấu nhất có thể bị lây nhiễm bệnh. Vì vậy, bác sĩ PY phải rèn luyện bản lĩnh và sức đề kháng mạnh mẽ trước những hình ảnh “rùng rợn”, những thứ mùi “kinh dị” của thi hài.

Không những vậy, hành nghề PY là chấp nhận chuyện đi sớm về tối, làm việc trong môi trường đặc thù bất kể ngày đêm khi có nhiệm vụ, kể cả những ngày tết. Và chuyện “cô đơn” là điều không thể tránh khỏi. Lắm lúc, anh Bảy và đồng nghiệp cũng tủi thân vì bạn bè sợ, thậm chí có người xa lánh,... Hiểu được nghề của mình, những lần đi mổ qua đêm, hầu như anh không về nhà để tránh làm vợ con phải sợ. Mỗi lần như vậy, anh ngủ tại cơ quan hoặc ngủ tạm tại nhà nghỉ.

“Lúc đầu, khi 2 con gái còn nhỏ, tôi đâu dám về nhà vì các con khi nghe mình làm nghề này đều rất sợ. Khi các con lớn dần, nhờ vợ tôi hiểu, thông cảm và động viên, khuyên nhủ nên hai con thấy bình thường. Tôi cho rằng, đâu phải nghề nào cũng sung sướng mà không có vất vả, khó nhọc. Riêng tôi, chọn và gắn bó với nghề thì phải quyết tâm đến cùng. Khi giám định một tử thi, luôn có hai thái cực: Bên bị hại luôn muốn tăng thương, tăng bệnh còn bên bị can luôn muốn tỷ lệ ít để giảm thiểu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, bản lĩnh của giám định viên PY phải rất vững, tính khách quan, công tâm và trung thực cao. Giám định viên không tinh tường có thể làm oan sai” - anh chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm PY - bác sĩ chuyên khoa I Phan Hồng Trường nhận định, bác sĩ Lý Văn Bảy là người có nhiều tâm huyết với nghề PY. Bản thân anh Bảy trực tiếp tham gia mổ nhiều tử thi, thậm chí là những xác chết “vô danh”, góp phần cùng ngành Công an phá nhiều vụ án. Bác sĩ Trường cho rằng, nhằm nâng chất lượng giám định và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực PY, tỉnh cần tạo điều kiện và thực hiện một số chế độ theo Thông tư 31/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định PY, giám định tâm thần. 

Không thể nhớ và kể hết có bao nhiêu xác chết từng được anh Bảy giải phẫu. Mỗi tử thi là một câu chuyện đau buồn, thậm chí “rùng rợn” và kinh khủng. Và với anh, nghề PY có nhiều thứ cần phải quan tâm hơn là những xác chết và mùi tử thi. Một trong những thứ đó phải kể đến chính là lương tâm và trách nhiệm nặng nề “bắt tử thi lên tiếng” để tìm ra công lý và sự thật./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết