Tiếng Việt | English

29/11/2022 - 12:40

Người hiến tặng 5 máy may cổ cho Bảo tàng - Thư viện tỉnh

UBND tỉnh Long An vừa tặng bằng khen cho nhà sưu tập Lê Công Hiệp vì những đóng góp của anh dành cho Bảo tàng - Thư viện tỉnh. 5 chiếc máy may cổ trị giá khoảng 100 triệu đồng được anh trao tặng Bảo tàng - Thư viện tỉnh. Ngoài ra, anh còn cho mượn 50 máy may cổ khác để Bảo tàng - Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày.

Trong không gian trưng bày đậm chất hoài cổ, những chiếc máy may như được “thổi hồn”, gợi về ký ức. Dạo bước trong khu trưng bày, anh Công Hiệp rạng rỡ nụ cười. Đây là lần đầu tiên anh phối hợp Bảo tàng - Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày nhằm giúp công chúng biết thêm về máy may cổ cũng như hiểu một phần về đời sống hàng ngày của người dân ở thế kỷ trước.

Nhà sưu tập Lê Công Hiệp nhận Bằng khen của UBND tỉnh

Anh Lê Công Hiệp sưu tập máy may xuất phát từ tình yêu của anh dành cho nghề may. Anh làm nghề may đã 36 năm, khi mới 16 tuổi và xem đó là nghề giúp gia đình trang trải cuộc sống. Sau này, khi đã có công việc ổn định, anh vẫn giữ nghề may và còn trở thành người sưu tập máy may như hiện nay.

Ban đầu, anh mua những chiếc máy may cũ từ người quen, bè bạn vì tiếc. Có một thời, máy may là tài sản quý giá trong mỗi gia đình. Khi xã hội phát triển, quần áo may sẵn với đa dạng mẫu mã, chất liệu, giá thành cạnh tranh khiến máy may gia đình không còn cần thiết. Tiếc những chiếc máy may bị bỏ đi, anh hỏi mua, đem về bảo dưỡng lại. Từ một vài cái ban đầu, đến nay, bộ sưu tập máy may của anh Công Hiệp lên đến khoảng 200 máy với đủ thương hiệu và "độ tuổi" khác nhau.

Với người chưa biết, có thể chiếc máy may nào cũng giống nhau nhưng với anh Công Hiệp, mỗi máy may đều có những điều đặc biệt riêng. Anh Công Hiệp giải thích: “Máy may nhìn có vẻ hao hao nhau nhưng thực ra, mỗi thương hiệu sẽ có kiểu dáng và hoa văn khác nhau: Máy Mitsubishi có hoa văn hình tháp; Janome nổi bật với hoa văn đồng tiền xưa, hoa hồng; máy Sinsang nhẹ nhàng với hình hoa cúc hay máy may hiệu Standard "dũng mãnh" với hình ảnh sư tử vờn quả cầu;... Ngoài ra, mỗi chiếc máy may còn có niên đại khác nhau, góp phần phản ánh một phần đời sống xã hội thời điểm đó”.

Nhà sưu tập Lê Công Hiệp (bìa phải) nói về máy may cổ cùng các đại biểu dự xem trưng bày

Trong bộ sưu tập tại nhà của anh Công Hiệp, có khoảng 200 máy may độ tuổi từ 50 đến hơn 100 năm tuổi nhưng tất cả đều được bảo dưỡng tốt: Hoa văn sắc nét, màu sơn bóng và máy còn hoạt động tốt. Mỗi khi nhận được thông tin ở đâu có máy may cần bán, anh đều tới tận nhà xem và mua về, dù đường sá xa xôi, hẻo lánh. Hơn 50% số máy may tại nhà anh Công Hiệp được sưu tầm từ TP.HCM, số còn lại từ các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ.

Hơn 30 năm làm nghề may và hơn 20 năm sưu tầm máy may, anh Công Hiệp vẫn chưa có ý định dừng lại. Anh vẫn đang tìm kiếm thêm những thương hiệu chưa có trong bộ sưu tập, đặc biệt là những dòng máy may do Nhật sản xuất trong thời Pháp, khoảng 100 năm tuổi.

Dành rất nhiều thời gian, công sức và tài chính để sưu tầm máy may nhưng anh Công Hiệp không ngần ngại chia sẻ và giới thiệu những “đứa con cưng” của mình với công chúng. 5 chiếc máy may cổ với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng không phải là con số nhỏ nhưng nhà sưu tập Lê Công Hiệp vẫn sẵn sàng hiến tặng Bảo tàng - Thư viện tỉnh.

Ngoài ra, trong số những chiếc máy may anh cho mượn để trưng bày, có những chiếc gần 100 tuổi. Dẫu biết việc vận chuyển từ huyện Cần Đước đến TP.Tân An sẽ khó khăn nhưng anh không ngần ngại vì mong muốn có thể chia sẻ với cộng đồng những chiếc máy may cổ đang dần vắng bóng./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết