Tiếng Việt | English

20/02/2023 - 09:32

Nguồn gốc bức ảnh Em bé Napalm của nhiếp ảnh gia Nick Út

Nick Út là tác giả bức ảnh Em bé Napalm nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp thế giới từ năm 1972. Khi được Hãng thông tấn AP (Associated Press) của Mỹ công bố, bức ảnh đã gây chấn động thế giới, làm thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Bức ảnh cũng mang đến cho người chụp giải thưởng Pulitzer danh giá và giải Thành tựu trọn đời.

1. Nick Út có tên khai sinh là Huỳnh Công Út, quê gốc Châu Thành, tỉnh Long An. Từ khi gia nhập “làng báo” Mỹ, ông có thêm biệt danh “Nick” mà gọi thành Nick Út. Từ nhỏ, ông lên Sài Gòn (nay là TP.HCM) sống cùng anh trai Huỳnh Thanh Mỹ - phóng viên ảnh chiến trường (PVACT) AP và được anh Mỹ cho ăn học. Anh Mỹ là người thầy đầu tiên dạy nghệ thuật nhiếp ảnh và truyền nghề PVACT cho Út.

Nick Út (ảnh lớn), phía sau là những em bé thoát ra từ khói lửa bom Napalm (Ảnh: Trần Thế Phong)

Khi Út 16 tuổi, anh Mỹ qua đời khi đi với đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) giao tranh với quân giải phóng ở Cần Thơ. Sau khi anh Mỹ chết, Út được AP cho vào tập sự ở phòng tối. Một hôm, Út mang chiếc máy ảnh lang thang trước rạp REX Sài Gòn, thấy lũ trẻ đánh giày bám theo đám lính Mỹ, Út chụp một ảnh, không ngờ, ảnh đó được AP đăng ngay trang bìa với lời khen của cấp trên. Sau đó, Út chụp một vị hòa thượng tự thiêu tại chùa Ấn Quang cũng được AP sử dụng và đánh giá cao. Út chính thức bước vào nghề PVACT cho AP từ đó. Nghề PVACT rất nguy hiểm, Út đã bị thương 3 lần và “chết hụt” vài lần, nhờ thấp người, đạn chỉ bay phớt qua đầu làm cháy sém tóc.

2. Bức ảnh Em bé Napalm có yếu tố “nude” - điều tối kỵ của AP, nhưng nhờ giá trị thông tin nên được đại diện AP ở Sài Gòn cho đăng. Ngay sau khi AP công bố bức ảnh, Em bé Napalm (Vietnam Napalm girl) lập tức gây rúng động lương tri loài người, kéo theo nhiều cuộc biểu tình trên thế giới lên án chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Tại Mỹ, các cuộc biểu tình phản chiến nối tiếp nổi lên; thanh niên Mỹ xé thẻ quân dịch;... Tổng thống Mỹ - R.Nixon lúc đó “lếu láo” với Chánh văn phòng Nhà Trắng - H.R.Haldeman rằng đứa bé trong bức ảnh bị cháy do dầu nấu ăn chứ không phải do bom Napalm, hòng chối tội. Tuy nhiên, nối theo Em bé Napalm là các bức ảnh khác cũng chụp trận bom Napalm ấy, có bức chụp bé gái lên 3 chết cháy trên tay một bà lão thoát ra từ khói lửa Napalm, tố cáo hùng hồn dã tâm của Mỹ.

Tại Sài Gòn cũng có báo đăng lại Em bé Napalm từ AP làm dấy lên dư luận gay gắt, chính quyền Sài Gòn phải truy tìm tác giả bức ảnh, nhưng do không biết Nick Út là người Việt mà cứ nhắm vào người Mỹ truy tới nên không hại được anh. Bức ảnh đã buộc quân đội Mỹ thay đổi chế độ kiểm duyệt báo chí: Báo nào cử PV đi theo dõi chiến trận ở Việt Nam đều phải đưa danh sách cho quân đội Mỹ duyệt. Tất cả ảnh chụp có nội dung bất lợi cho quân đội Mỹ đều bị xóa, kể cả ảnh lính Mỹ tử trận. Tuy nhiên, cùng với Em bé Napalm của Nick Út là bức ảnh tướng cảnh sát VNCH Nguyễn Ngọc Loan chỉa súng bắn vào đầu một chiến binh giải phóng ngay trên đường phố Sài Gòn trong trận Mậu Thân 1968 của Eddie Adams - bạn thân của Út, cũng gây sóng gió dư luận thế giới. Những bức ảnh chụp máy bay Mỹ bỏ bom Napalm thiêu hủy nhiều làng mạc Việt Nam được các PVACT khác chụp và công bố đã khiến nhà cầm quyền Mỹ lẫn VNCH hết đường chối tội.

Nick Út và Phan Thị Kim Phúc về thăm lại chiến địa bom Napalm xưa (Ảnh: Trần Thế Phong)

3. Út còn nhớ như in về hoàn cảnh ra đời bức ảnh ấy: Ngày 08/6/1972, ông theo cánh quân của Sư đoàn 25 VNCH tới một ngôi làng ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Từ trong khu rừng cao su, Út đã kịp đưa mắt và ống kính theo 2 chiếc máy bay của quân đội Mỹ, 1 chiếc lao xuống thả trái bom làm cả thị xã Trảng Bàng rung lên. Chỉ 2 phút sau, chiếc còn lại thả 4 trái bom Napalm khiến cả khu làng bừng cháy, từng đụn khói đen kịt bùng lên. Đột nhiên, một đám trẻ em chạy hoảng loạn túa ra từ ngôi làng chết chóc ấy; phía sau đám trẻ là lính VNCH cầm súng M.16 của Mỹ thản nhiên bước ra đường. Út vừa chụp đứa bé lên 3 chết bên cạnh người bà thì nghe tiếng khóc thét từ phía khu thánh thất ngút lửa Napalm, một bé gái áo quần cháy hết, dang hai cánh tay tuột da bỏng cháy vừa chạy, vừa kêu thét hãi hùng: “Nóng quá! Nóng quá!”. Nhiệt từ bom Napalm lên đến 1.200oC trùm cả một không gian rộng lớn, nóng ngột ngạt. Út đã kịp bấm máy ảnh vào cái khoảnh khắc lịch sử ấy. Lòng thương đồng bào trong Út trỗi dậy; bụng bảo dạ “phải cứu em bé kia thôi, nếu không, bé sẽ chết!”. Khi ấy, tất cả PVACT đều bỏ chạy theo lính VNCH lên xe rút về Sài Gòn, Út ở lại lấy 2 chai nước uống mang theo tưới lên lưng và trùm áo mưa lên người bé, đưa lên xe lái đi Bệnh viện Củ Chi cách đó khoảng 40km. Trên xe, bé cứ rên thảm thiết với anh trai cùng cảnh ngộ: “Nóng quá, chắc em chết, anh ơi!”, Út nghe mà thắt ruột, mất bình tĩnh. “Nếu bé chết, chắc Út cũng điên lên mất thôi!” - Út nghĩ vậy.

Đưa cô bé tới Bệnh viện Củ Chi, nhân viên y tế thấy em bị cháy bỏng toàn thân, họ bảo không đủ dụng cụ, thuốc men nên từ chối nhận. Út năn nỉ xin sơ cứu chống nhiễm trùng rồi đưa bệnh nhân nguy ngập này lên Sài Gòn, vẫn không được. Út rút thẻ nhà báo (NB), nói “nếu không cứu, để mấy em này chết, sẽ đăng lên trang bìa báo cho cả thế giới biết”. Sức mạnh từ thẻ NB AP đã khiến họ phải sơ cứu rồi đưa cô bé lên xe cứu thương chạy về Sài Gòn. Lúc đó, Út nghĩ chỉ 0,1% cơ hội cứu sống bé gái, nhưng rồi, qua nhiều lần phẫu thuật cấy ghép da đến chết đi sống lại, “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc mới thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. 

4. Ngày đó, Út chưa tới 20 tuổi và mới bắt đầu sự nghiệp PVACT cho AP, còn Kim Phúc chỉ mới lên 9. Đến 50 năm sau (1972-2022), Nick Út và Kim Phúc đã gặp lại trên đất Trảng Bàng. Nick Út bày tỏ với các NB trong nước: “Tôi vẫn còn ám ảnh. Tôi xúc động lắm! Bức ảnh và ký ức về chiến tranh Việt Nam đã theo tôi đến tận bây giờ, không khi nào quên. Tôi đã chụp hàng ngàn bức ảnh về chiến tranh Việt Nam, nhưng Em bé Napalm để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Bởi bức ảnh đó nói lên hết sự khủng khiếp trong chiến tranh: Người lớn chạy loạn, trẻ em chạy loạn,... Là người trong cuộc, nhìn lại cảnh bom Napalm tàn phá, ai mà không hãi hùng”.

2 phóng viên ảnh chiến trường ở 2 giới tuyến: Nick Út và Đoàn Công Tính (Ảnh: HV)

5. Có lẽ, tình dân tộc vẫn luôn thường trực trong tâm thức người con của quê hương Long An ấy. Dẫu có đi đâu, về đâu, Nick Út vẫn tự hào mình là người Việt Nam. Ngay khi anh làm PVACT cho AP, trong Mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị 1972, anh kết thân với một PVACT đến từ Hà Nội - NB Đoàn Công Tính mà anh vô cùng ngưỡng mộ. Trong khói lửa đạn bom, NB Đoàn Công Tính vẫn lăn xả vào chiến trận để ghi từng bức ảnh chiến sự nóng bỏng, tháo phim gói vào bọc nylon, băng qua lửa đạn, bơi qua sông Thạch Hãn rồi chạy bộ theo xe về Hà Nội cho kịp đưa tin, bài và ảnh lên báo. Nick Út đã chụp chung với Đoàn Công Tính tấm ảnh kỷ niệm trên Thành cổ Quảng Trị vào “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ấy.

Giờ đây, ở ngưỡng tuổi “cổ lai hy”, Huỳnh Công Út - Nick Út vẫn khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng. Khi bày tỏ với PV Báo Giác Ngộ, Nick Út nói: “Cuộc đời không có gì chắc chắn bằng cái chết. Thế nên tôi chọn sống hết lòng, chân thành và luôn suy nghĩ làm được gì có ích là làm, để không lãng phí đời người”. Nick Út cũng trải lòng: “Tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong tôi trước sau như một, không thay đổi. Tôi định cư ở Mỹ, nhưng về Việt Nam khi sắp xếp được công việc, thời gian. Ngày xưa tôi chụp ảnh chiến tranh, bây giờ tôi chụp ảnh quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Khi tôi đăng ảnh về đất nước Việt Nam lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có nhiều bạn bè đã nhắn tin cho tôi rằng, “từ bức ảnh của anh Nick Út, tôi sẽ đến Việt Nam du lịch. Việt Nam quá đẹp, quá tuyệt vời!”./.

Quang Hảo

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt (số 141, tháng 10/2019) và Giác Ngộ (giai phẩm Xuân Quý Mão năm 2023)

Chia sẻ bài viết


Fujifilm XE4 giá tốt