Tiếng Việt | English

08/05/2023 - 09:09

Nguyễn An Ninh - Niềm tự hào của làng Long Thượng

Trong hội trại tuyển quân hàng năm, Đoàn xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) luôn lấy tên trại địa phương là Nguyễn An Ninh như một cách nhắc nhở tân binh ghi nhớ công ơn của tiền nhân và nỗ lực tiếp nối truyền thống cha anh đi trước. Long Thượng là quê ngoại, cũng là nơi sinh ra nhân sĩ tài ba Nguyễn An Ninh. Điều đó trở thành niềm tự hào của người dân và tuổi trẻ Long Thượng.

Nhân sĩ hết lòng vì sự nghiệp cách mạng

Chân dung Nguyễn An Ninh

Nguyễn An Ninh là một trí thức, chiến sĩ cách mạng có tầm ảnh hưởng sâu, rộng suốt 2 thập kỷ (1923-1943) của phong trào yêu nước, nhất là ở Nam bộ. Ông là nhà văn hóa, nhà báo, nhà tư tưởng lớn của nước ta vào đầu thế kỷ XX, một tấm gương tiêu biểu cho sự dấn thân, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông sinh năm 1900 ở quê ngoại là làng Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Thân mẫu của ông là bà Trương Thị Ngự, một phụ nữ nổi tiếng về nội trợ và hay chữ. Lúc còn nhỏ, Nguyễn An Ninh sống với ông ngoại, được học chữ Nho và Tứ Thư Ngũ Kinh. Đến năm 10 tuổi, Nguyễn An Ninh lên Sài Gòn sống với cha mẹ và học tại Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn - TP.HCM).

Từ nhỏ, ông vốn thông minh, học giỏi và được xem là thần đồng ở tất cả các cấp học, tốt nghiệp hạng ưu tú tại Trường Chasseloup-Laubat. Sau đó, ông sang Pháp học Luật tại Đại học Sorbonne, Paris - một ngôi trường danh tiếng lúc bấy giờ. Có tài liệu ghi chép rằng, chỉ trong 2 năm, ông đã hoàn thành xuất sắc chương trình học của 4 năm và trở thành hiện tượng đáng chú ý. Thời gian ở Pháp cũng là lúc ông tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng hoạt động với cụ Phan Châu Trinh, gặp gỡ và thân thiết với Nguyễn Ái Quốc.

Trong thời gian ở lại Pháp học tiến sĩ, ông thường tạo nhiều cơ hội đi lại giữa Việt Nam và Pháp để âm thầm vận động, gầy dựng phong trào cách mạng trong nước khi Nguyễn Ái Quốc chưa về nước. Thông qua nhiều hoạt động: Diễn thuyết, xuất bản tờ báo Tiếng Chuông Rè, tờ báo Nước Nam (năm 1923) và thành lập Hội kín Nguyễn An Ninh (năm 1924), ông truyền bá tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc, lên án chế độ thực dân đến với đông đảo người dân, sinh viên, thanh niên trong nước. “Ông được dân chúng ở Nam kỳ bấy giờ rất mến mộ, thanh niên trí thức đương thời xem ông như thần tượng vì tài hùng biện và viết báo giỏi”(*).

Vì những hoạt động của mình, Nguyễn An Ninh có 5 lần bị địch bắt, kết án tù, biệt xứ. Năm 1943, ông hy sinh trong nhà tù Côn Đảo sau khi kiên cường đối mặt với sự hành hạ tàn bạo của chế độ nhà tù cũng như vững lòng trước những khuyến dụ của kẻ thù.

Nhằm ghi nhớ những công lao của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nhà nước truy tặng ông là liệt sĩ và truy tặng mẹ ông là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngôi trường mang tên Nguyễn An Ninh

Ngày nay, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có trường học, tuyến đường mang tên Nguyễn An Ninh. Tại Long Thượng, Trường THCS và THPT Long Thượng chính thức mang tên trường THCS Nguyễn An Ninh vào năm 2018.

Tiểu sử Nguyễn Anh Ninh được đặt giữa sân Trường THCS Nguyễn An Ninh

Tiểu sử người anh hùng được đặt giữa sân trường. Mỗi năm, vào dịp khai giảng năm học mới, học sinh được thầy cô giới thiệu về tiểu sử nhà cách mạng mà trường vinh dự mang tên. Bên cạnh đó, Đoàn trường thường xuyên tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền về tiểu sử Nguyễn An Ninh cho học sinh dưới nhiều hình thức: Lồng ghép trong sinh hoạt dưới cờ, hái hoa dân chủ,... nhằm giúp học sinh hiểu rõ và tự hào về quê hương mình. Em Nhan Thiên Phúc - học sinh lớp 6/4, cho biết: “Từ khi được học ở trường, em biết nhiều hơn về ông Nguyễn An Ninh, em rất tự hào khi ông sinh ra ở quê hương Long Thượng. Em luôn cố gắng học, vừa tốt cho bản thân, vừa xứng đáng khi là học sinh của ngôi trường mang tên Nguyễn An Ninh, vì ngày nhỏ ông học rất giỏi”.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh - Võ Minh Quang, nhà trường luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài việc đưa ra kế hoạch phấn đấu mỗi đầu năm học, trường còn khuyến khích giáo viên đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Giáo viên nhà trường luôn chủ động tự học để nâng cao chất lượng từng bài giảng. Nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời giúp đỡ học sinh khó khăn, phụ đạo học sinh yếu, kém và bồi dưỡng học sinh giỏi. Thầy Quang cho biết: “Toàn trường có 19 lớp, trên 750 học sinh ở tất cả cấp học. Tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp THCS đạt 100%. Hàng năm, học sinh khá, giỏi của trường đạt trên 60%. Giáo viên trường luôn nỗ lực đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi”./.

Đại diện cho thế hệ trẻ quê hương Long Thượng, chúng tôi rất đỗi tự hào về người anh hùng Nguyễn An Ninh cùng những đóng góp của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đoàn xã luôn chú trọng giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động thiết thực: Phổ biến về tiểu sử Nguyễn An Ninh cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các hoạt động thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng; vệ sinh nhà bia liệt sĩ mỗi dịp lễ, tết. Đặc biệt, chúng tôi luôn nỗ lực trong việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, thanh, thiếu niên gặp khó khăn trong cuộc sống".

Bí thư Đoàn xã Long Thượng - Trần Minh Trí

(*)Trích Nguyễn An Ninh - Nhà yêu nước vĩ đại, tác giả Long Thái

Tài liệu tham khảo:

- Đồng chí Nguyễn An Ninh - Nhà văn hóa, tư tưởng lớn của nước ta đầu thế kỷ XX (Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)

- Nguyễn An Ninh - Nhà yêu nước vĩ đại (Long Thái)

- Nguyễn An Ninh, người trí thức cách mạng chân chính (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết