Tiếng Việt | English

17/07/2015 - 20:37

Nguyễn Trung Trực trong lòng nhân gian

Sự kính ngưỡng sâu sắc của nhân dân dành cho Nguyễn Trung Trực ngoài việc thờ cúng ở rất nhiều nơi với khoảng hơn 10 cơ sở tín ngưỡng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là những truyền thuyết dân gian giàu chất huyền thoại gắn liền với những chiến công và tấm gương yêu nước hy sinh của người anh hùng dân chài.


Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở khu di tích Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Ảnh Tấn Tú

1. Câu chuyện lúc ra đi

Nguyễn Trung Trực nối nghiệp nhà làm nghề chài lưới nhưng lớn lên giữa lúc có giặc, ông nổi tiếng võ nghệ, có lần thủ võ đài ở phủ Tân An suốt 3 ngày mà không có đối thủ, tiếng tăm lừng lẫy khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

Dòng họ Nguyễn còn tương truyền câu chuyện về Nguyễn Trung Trực lúc ra đi theo đuổi sự nghiệp chống giặc. Số là dòng họ Nguyễn ở Xóm Nghề (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) vốn làm nghề chài lưới ở Quy Nhơn nên có lệ cúng cầu ngư vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (24-2-1861), Nguyễn Trung Trực dẫn một số nghĩa quân trở về Tân An tiếp tục chống giặc, đã tổ chức khao binh, xuất quân tại nhà vào dịp cúng cầu ngư năm Tân Dậu. Hôm ấy, ông bảo với gia đình rằng chừng nào thắng Pháp mới về, nếu thất bại thì sẽ không quay lại, gia đình có nhớ đến ông thì đến ngày mùng 10 tháng 3 hãy rót rượu cúng.

Sau khi ông hy sinh, do hoàn cảnh giặc Pháp cai trị, không thể công khai cúng tế, họ Nguyễn ở Xóm Nghề tổ chức ngày khao binh tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực với danh nghĩa là cúng việc lề. Từ đó, ngày mùng 10 tháng 3 từ ý nghĩa cúng cầu ngư trở thành ngày cúng việc lề của dòng họ.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Giỏi (Út Bổn), cháu đời thứ 7 của thủy tổ dòng họ Nguyễn năm 2010 (nay ông đã mất), ông cho biết, trong nghi thức, ngoài các mâm cúng như Cửu Huyền Thất Tổ, đất đai, chiến sĩ, Nguyễn Trung Trực được dành một nơi trang trọng ở phía trước giữa nhà với lễ vật không được tùy tiện thay đổi cùng lời khấn:

“Hôm nay, ngày mùng 10 tháng 3, con cháu là Nguyễn Văn Bổn cúng việc lề, có heo, gà, trà rượu, hoa quả, dâng cúng Cửu Huyền và cụ Nguyễn Trung Trực. Kính mong cụ Nguyễn và bề trên phò hộ cho con cháu trong kiến họ Nguyễn tai qua nạn khỏi, mạnh giỏi, bình yên, làm ăn tấn tới”.

Dù chỉ là một thành viên trong dòng họ nhưng qua câu chuyện và nghi thức cúng trong đám cúng việc lề của dòng họ Nguyễn cho thấy có sự kính ngưỡng lớn lao trong dòng họ dành cho Nguyễn Trung Trực.

2. Truyền thuyết trận “Hỏa hồng”

Dù nhiều tài liệu lịch sử nói nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã ngụy trang làm ghe buôn xin giấy thông hành để tiếp cận và đốt tàu l’Espérance, nhưng ngày nay trong dân gian vẫn tồn tại một truyền thuyết lịch sử về trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo”. Để tổ chức đánh tàu, Nguyễn Trung Trực (lúc này dân gọi là Quản Lịch) được sự giúp sức rất lớn của nhân dân làng Nhựt Tảo, cụ thể là ông Hồ Văn Chương vốn có mối quan hệ bạn bè với Quản Lịch khi cả hai đều là người của Trương Định, có con là Hồ Quang Minh làm cai tổng (Cửu Cư Hạ).

Biết địch không chịu nổi nắng nóng miền nhiệt đới, ông Minh với vị trí xã hội của mình đã giao thiệp và khuyên địch nên làm mái che bằng lá dừa nước trên boong tàu và giới thiệu Quản Lịch cho công việc ấy với nhiệm vụ làm thợ mộc đóng giàn. Vì vậy, ông có quá trình điều nghiên bố phòng của địch trên tàu.

Để phân tán lực lượng địch, trên bờ, một trận đánh khác cũng được tổ chức tại chùa Ông và mời lính Tây đến dự đám hát bội và tiệc tùng để tiêu diệt khi có hiệu lệnh của người cầm chầu (Hương thân Hồ Quang Chiêu-con ông Hồ Văn Chương) theo qui ước phối hợp với cánh dưới sông.

Kết quả, nghĩa quân diệt gọn đám lính Tây ở chùa Ông. Vì vậy, Pháp đã lập bia ghi nhớ phía sau chùa. Dưới sông, một đám cưới giả mà Quản Lịch trong vai chú rễ cũng đã tiếp cận và tiêu diệt tên lính gác, đột kích và đốt tàu. Giặc Pháp trả thù dân làng bằng cách đốt nhà, đốt chợ.

Vùng lân cận như làng Đái Nhựt (nay thuộc xã Nhựt Ninh) cũng bị đốt, dân chợ Xã Bảy phải chạy vào phía trong lập nên chợ Xóm Mới ngày nay. Ngoài địa điểm đánh tàu, chứng tích của trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo” như chùa Ông, đình thần Nhựt Tảo ở cạnh Vàm Nhựt Tảo nay là di tích lịch sử.

3. “Tà Niên chiếu lệ mà hùng”

Có dịp về Kiên Giang, bạn sẽ nghe câu chuyện về đồng bào Tà Niên đẫm lệ dệt chiếu nâng bước chân anh hùng Nguyễn Trung Trực lên đoạn đầu đài đón nhận cái chết đầy dũng khí để rồi sống mãi trong lòng dân tộc, mà câu thơ trên của một nhà thơ vô danh nào đó, hàm chứa trọn vẹn chất bi hùng.

Hay tin Nguyễn Trung Trực sẽ bị hành quyết, đồng bào Tà Niên, một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang-nơi có người gia nhập nghĩa quân Nguyễn Trung Trực rất đông và nổi tiếng bởi nghề dệt chiếu, đã bàn với nhau rồi bất kể ngày đêm dệt những chiếc chiếu hoa để trải trên đường đi đưa cụ Nguyễn vào cõi thiên thu và cũng để đầu cụ không rơi xuống đất. Xưa, trên đường vua đi mới trải chiếu. Ở đây, lòng kính trọng của nhân dân đã vượt khỏi thường tình của tục lệ.

Tương truyền, khi lưỡi đao của kẻ thù bổ xuống, máu từ cổ người anh hùng phun xuống mặt chiếu Tà Niên, đọng thành hình chữ Thọ. Thương nhớ cụ Nguyễn, người Tà Niên đã mang chiếc chiếu thấm máu người anh hùng về lưu thờ và cũng từ đây, nghề dệt chiếu hoa với chữ Thọ không thể thiếu ở làng chiếu Tà Niên được hình thành, dù nghề dệt chiếu Tà Niên có từ trước năm 1880.

Gạt bỏ yếu tố hoang đường của truyền thuyết, câu chuyện dân gian chiếu Tà Niên thấm máu người anh hùng vị quốc vong thân đầy chất bi hùng trong giờ khắc ra pháp trường bật lên tinh thần ngưỡng mộ, tôn kính sâu sắc của đồng bào với anh hùng Nguyễn Trung Trực: Chữ Thọ ở đây có ý nghĩa dù mất đi nhưng cụ sống mãi trong lòng nhân dân, như xúc cảm của thà thơ Huỳnh Mẫn Đạt trong hai câu kết bài “Điếu Nguyễn Trung Trực”:

Anh hùng cương cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.

Hiện nay tại đình Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang có treo tấm chiếu được cho là do dân làng Tà Niên dệt tiễn cụ Nguyễn tại pháp trường./.

Thống kê chưa đầy đủ cho biết: ngoài Bến Lức, Tân Trụ, Tân Thạnh của tỉnh Long An, Nguyễn Trung Trực được thờ cúng ở rất nhiều nơi: thành phố Rạch Giá, xã Mong Thọ và Vĩnh Hòa Hiệp (huyện Châu Thành), xã Mỹ Lâm và thị trấn Sóc Xoài (huyện Hòn Đất), Phú Quốc, Gò Quao của tỉnh Kiên Giang; xã Long Giang (huyện Chợ Mới), xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) của tỉnh An Giang; đình Long Mỹ (huyện Long Mỹ), tỉnh Hậu Giang; xã Long Phú và xã An Lạc Thôn (huyện Kế Sách), xã Phú Lộc (huyện Thạnh Trị), tỉnh Sóc Trăng; đình An Hòa (huyện Giá Rai), tỉnh Bạc Liêu. 

 Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết