Nữ nhà báo Lady Borton
Như trường hợp nữ nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lary Borton (người Mỹ) từng có 35 năm cọ xát thực tế với chiến tranh ở Việt Nam, khi ra Bắc, lúc vào Nam, bám theo từng diễn biến chiến trường, từ đó có nhiều tin, bài mang hơi thở thời sự nóng bỏng và đã xuất bản 2 tập bút ký về Việt Nam, rồi cuốn sách Tiếp sau nỗi buồn nói về số phận những dân thường Việt Nam trong và sau chiến tranh. Năm 2003, Lady Borton xuất bản cuốn Hồ Chí Minh - Một chân dung, viết rất trung thực về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Năm 2004, bà hoàn thành và xuất bản bản dịch tiếng Anh cuốn hồi ức Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lady Borton còn viết hàng trăm bài báo về văn hóa, cuộc sống và con người Việt Nam, bày tỏ thiện cảm với Việt Nam để bạn bè thế giới hiểu rõ về đất nước này,... Nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh gia Lady Borton đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị vào năm 1998.
Hay như Virginia Morris - nữ Tiến sĩ trẻ tuổi ngành Cơ khí (người Anh) nhưng lại say mê tìm hiểu nhân chủng học và lịch sử các dân tộc trên thế giới qua đường du lịch. Trong một chuyến du lịch ở Népal và Ấn Độ, khi quay về Thái Lan với dự định đi qua Lào để sang Việt Nam thì túi không còn tiền. Cô xin vào làm cho Quỹ Phát triển Liên Hợp Quốc ở Lào. Sau 2 năm làm việc cho tổ chức này, cô đã đi khảo sát khắp nước Lào rồi may mắn gặp được bạn đồng hương Clive Hill là nhà báo, nhiếp ảnh gia, tình nguyện tiếp sức cô đi tới cùng khát vọng đầy mạo hiểm của mình là dấn bước vào đường mòn Hồ Chí Minh thời bình. Với sự giúp đỡ của người bạn Lào Thammavong Phiphasely về mặt giấy tờ và dẫn đường, Virginia Morris và Clive Hill đã vượt qua từng đoạn đường còn dày đặc bom mìn sót lại và những chỗ rừng sâu hiểm trở, đầy thú dữ cũng như bệnh sốt rét rừng đều có thể lấy mất mạng người.
“Thật là kinh hoàng. Có những đoạn tôi gần như ở tư thế bò bằng 2 tay và 2 đầu gối vì đường rừng rất trơn và nếu trượt ngã thì có thể té vào những cành tre sắc nhọn. Trong vùng nhung nhúc đủ loại kiến lớn nhỏ. Khi cắn, chúng chỉ nhả ra nếu bị phủi rớt, nhưng chiếc càng của chúng vẫn cắm sâu vào da của tôi. Máu rỉ ra từ những vết cắn (...). Tôi mệt lả vì đói và nhất là khát. Lưỡi của tôi khô dính vào vòm miệng, khiến tôi rất khó thở. Mắt của tôi cũng bị mờ đi, cả người ê ẩm...” - cô viết.
Sau khi đã vượt 700km đường rừng trên đất Lào là đi vào đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Việt Nam, cô ghi: “Qua 16 năm, vào giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, đường Hồ Chí Minh đã xuyên từ Bắc chí Nam, qua 2 nước Lào và Campuchia. Khoảng 4 triệu tấn bom đã được máy bay Mỹ dội xuống khu vực này, nhưng vẫn không cản trở được mọi hoạt động của các đoàn quân nhu tiếp tế cho lực lượng giải phóng từ miền Bắc xâm nhập vào. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, có khoảng 120.000 người làm việc dọc theo đường mòn; khoảng 20.000 người hy sinh, 30.000 người bị thương tật nặng, còn số người bị ảnh hưởng của chất độc da cam và bom mìn sót lại hiện vẫn chưa thống kê chính xác”...
Rõ ràng, để tìm kiếm tư liệu cho việc viết lách, Virginia Morris đã bền gan đi vào thực tế, khám phá từ căn cứ quân sự đến đường hầm và lần theo dấu vết lịch sử...; hỏi han, phỏng vấn và phỏng vấn,... bất cứ người nào mà cô tiếp cận được. Trong khi bạn đồng hành Clive Hill không bỏ lỡ cơ hội săn ảnh tư liệu. Để rồi cuốn sách đầu tay của Virginia Morris - nhan đề A History of the Ho Chi Minh trail -THE ROAD TO FREEDOM (Lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh - CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN TỰ DO) ra đời với 180 trang khổ giấy 20x24cm, chia làm 9 chương của cô và 133 ảnh minh họa, 11 tấm bản đồ của Clive Hill, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Tiến sĩ Virginia Morris tâm sự: “Thực là trong cái rủi lại có cái may, chính nhờ hết tiền mà tôi khởi nghiệp viết lách của mình”. (Hết tiền, cô mới sang Lào và số phận đã mỉm cười với cô dù hết sức gian nguy, vất vả,...).
Tiến sĩ Virginia Morris và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tiến sĩ Virginia Morris đã đến tặng sách và được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Chiến dịch Trường Sơn, tiếp tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngày 03/9/2003. Trung tướng đã hết lời ngợi khen và tặng tác giả cuốn sách cùng nhà báo, nhiếp ảnh gia Clive Hill mỗi người một Huy chương Chiến dịch của Binh chủng Trường Sơn. Virginia Morris cũng đã đến tặng sách tại tư thất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 05/9/2003. Đại tướng đã tiếp và khen: “Tác giả tường thuật một cách trung thực và hấp dẫn những thành tích đặc biệt về mặt kỹ thuật và chiến thuật của chiến dịch Trường Sơn mà đường mòn Hồ Chí Minh có thể được xem là yếu tố quyết định việc đánh bại quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Virginia Morris tâm sự: “Tôi đã đặt cái tên (cho sách) vì đó là con đường đi đến tự do của những con người đã xây dựng nên nó. Nó cũng khiến cho chúng ta suy nghĩ về cái giá phải trả của sự tự do, cho dù bạn là ai đi nữa, với hình ảnh những hàng mộ dài in trên bìa sách, đã nói lên tinh thần hy sinh cao độ đáng kính ấy” - Virginia Morris giải thích.
Qua 2 cây bút nữ trên đây, ta thấy rằng để có được tác phẩm báo chí chất lượng cao, họ đã dấn thân tìm kiếm tư liệu một cách mạo hiểm. Và chính trên nền tảng tư liệu ấy, họ có cảm hứng để chuyển sang lĩnh vực văn chương. Nhiều nhà báo nước ta và nước ngoài đã trở thành nhà văn là thế! Nhớ câu nói của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) - Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa, dịch giả, đúc rút về nghệ thuật viết lách: “Tư liệu, tư liệu và... tư liệu trước đã”. Ý nói, phải nắm thật chắc tư liệu trước đã, rồi hãy viết. Khi làm phần tư liệu xong là tư duy sáng tạo sẽ ùa ra.../.
Quang Hảo