Tiếng Việt | English

13/03/2023 - 10:31

Nhạc sư Lê Văn Tiếng - Trọn đời vì đờn ca tài tử

Long An được xem là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, nơi đức hậu tổ Nguyễn Quang Đại từng lưu lại, truyền dạy, góp phần hình thành, phát triển bộ môn nghệ thuật này. Ngoài ra, đây còn là nơi sinh ra nhiều nghệ nhân, nhạc sư tài hoa, có đóng góp quan trọng cho việc lan tỏa nghệ thuật ĐCTT. Trong đó, phải kể đến nghệ nhân Lê Văn Tiếng - một trong hai tác giả của quyển Cầm ca tân điệu, vốn được xem là sách "gối đầu giường" của các thế hệ nghệ nhân, tài tử tỉnh nhà.

“Dấu mốc” cầm ca tân điệu

Cầm ca tân điệu vốn được xem là tác phẩm mang tính lịch sử, cột mốc trong việc truyền dạy ĐCTT Nam bộ. Sách có 60 bài bản tài tử, với 20 bản tổ được sắp xếp thành hơi điệu rành mạch theo hệ thống bắc, hạ, nam, oán, cùng 40 bài bản khác được phát triển phong phú, đáp ứng nhu cầu của âm nhạc sân khấu cải lương. Mỗi bài bản đều có phần chữ nhạc do Lê Văn Tiếng phụ trách và phần lời ca do Trần Phong Sắc biên soạn. Bài bản được in song song, ăn khớp chữ nhạc với lời ca, rất dễ đọc với những ai theo đuổi ĐCTT.

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định: “Từ đó (thời điểm Cầm ca tân điệu ra đời - PV) về sau, việc truyền dạy ĐCTT không bị tam sao thất bổn, phát triển rộng mạnh khắp các vùng, miền trong cả nước. Cầm ca tân điệu có thể xem là dấu mốc quan trọng định hình phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc vừa đậm nét dân gian, vừa mang tính hàn lâm bác học”.

Quyển Cầm ca tân điệu

Cầm ca tân điệu là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, sưu tầm của nhạc sư, nghệ nhân Lê Văn Tiếng, dựa trên nội dung, kết quả cuộc họp do đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại tổ chức với sự tham gia của các nghệ nhân, nhạc sư cả vùng Nam bộ. Từ cuộc họp đó, các hơi điệu căn bản của nhạc tài tử Nam bộ được hệ thống hóa, bài bản ĐCTT được sắp xếp thành 20 bản tổ: 3 nam, 6 bắc, 7 bắc lễ, 4 oán. Việc sưu tầm đầy đủ thông tin, kết quả cuộc họp vào quyển Cầm ca tân điệu là đóng góp quan trọng trong bảo tồn, phổ biến ĐCTT, cải lương Nam bộ, hướng tới giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức gia đình và xã hội.

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ chia sẻ, ông từng rất ray rứt khi nghệ nhân Trần Phong Sắc và nhạc sư, nghệ nhân Lê Văn Tiếng chưa được nhắc đến nhiều, trong khi công lao của 2 ông trong việc tiếp nối thầy Ba Đợi, lan tỏa nghệ thuật ĐCTT là không hề nhỏ.

Còn nhiều ẩn số

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định: “Lê Văn Tiếng là đại nhạc sư, người có nhiều cống hiến cho sự phát triển của ĐCTT, cải lương”. Ông là người con thứ 7 trong gia đình trí thức Nho học tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa. Do sớm tiếp cận văn minh phương Tây, ông hưởng ứng phong trào yêu nước, bảo vệ văn hóa - nghệ thuật dân tộc, tích cực truyền bá quốc ngữ vào những năm đầu thế kỷ XX. Ông đã dày công sưu tập, biên soạn bài bản ĐCTT Nam bộ và cùng với người anh ruột truyền dạy lại cho nhiều thế hệ nghệ nhân tại Tân An, Thủ Thừa và các vùng lân cận. Ngoài ra, ông còn là soạn giả, người có “tiếng tăm” trong lĩnh vực văn hóa lúc bấy giờ. Một số tuồng cải lương do ông viết vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Ông Lê Hữu Đức bên di ảnh ông nội là nhạc sư Lê Văn Tiếng

Những thành tựu của ông trong lĩnh vực ĐCTT, cải lương và văn hóa không hề nhỏ, tuy nhiên, phía gia đình hầu như không còn ai biết rõ bởi ông có cuộc sống phong lưu khắp chốn, bất chấp mọi hoàn cảnh, gắn bó với các gánh hát cải lương và các nhóm ĐCTT cả Đông và Tây Nam bộ.

Là người trực tiếp thờ phụng nhạc sư, nghệ nhân Lê Văn Tiếng, ông Lê Hữu Đức (ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) - cháu nội nhạc sư, cho biết: “Ông bà nội tôi chỉ có 1 người con là cha tôi. Tôi là con út nên thờ phụng ông bà. Tôi nghe cha kể, ông nội viết văn, chơi tài tử và thường xuyên đi xa nhà. Những thành tựu ông nội đạt được, trước đây tôi không hề biết cho đến khi có người đến nhà tìm hiểu thông tin về ông thì tôi mới rõ. Tôi tự hào lắm vì ông nội là người có tài”.

Ông Lê Hữu Đức (thứ 2, trái qua) nhận truy tặng danh hiệu Nghệ nhân cho đức nhạc sư Lê Văn Tiếng

Cho đến tận ngày nay, thông tin về nhạc sư Lê Văn Tiếng cũng còn ít ỏi. Những năm cuối đời, ông mất tích, gia đình không có cách nào tìm được thông tin gì về ông ngoài việc đôi lần nghe bạn bè, hàng xóm nói từng gặp ông ở Vũng Tàu, Vĩnh Long.

Đến nay, thông tin về ngày mất của ông vẫn còn là ẩn số. “Vì không biết ông nội mất ngày tháng năm nào nên gia đình chọn ngày mùng 8 tháng 7 Âm lịch làm ngày giỗ ông. Mọi người cũng phỏng đoán thời điểm ông mất khoảng trên 50 tuổi, dựa vào những thông tin góp nhặt được từ bạn bè và thời điểm ra đời của một số tác phẩm của ông. Chúng tôi cũng được thừa hưởng từ ông niềm đam mê dành cho nghệ thuật. Trong dòng họ có 1 người cháu cố hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi và con gái cũng từng tham gia sân khấu không chuyên và phong trào văn nghệ quần chúng tại Long An và TP.HCM” - ông Lê Hữu Đức bộc bạch./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết