Tiếng Việt | English

24/11/2022 - 23:50

Nhiều cách làm hay trong giải quyết việc làm, giảm nghèo

Huy động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” là cách mà tỉnh thực hiện trong thời gian qua. Đây cũng là biện pháp giúp các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

1. Năm 2018, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc được hỗ trợ 250 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và nguồn vốn đối ứng của địa phương để thực hiện mô hình Nhân rộng giảm nghèo cho dự án “Trồng rau theo hướng bền vững giai đoạn 2018-2020”. Đối tượng được hỗ trợ từ mô hình là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã.

Theo đó, 27 hộ được hỗ trợ, trong đó, có 9 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo và 14 hộ mới thoát nghèo. Mức hỗ trợ mỗi hộ nghèo 15 triệu đồng, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 10 triệu đồng để mua vật tư trồng rau. Sau khi kết thúc mô hình, các hộ này sẽ hoàn trả 30% vốn cho địa phương để tiếp tục hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo khác. Sau thời gian triển khai, thực hiện, đến nay, mô hình giúp 8 hộ thoát nghèo, 3 hộ thoát cận nghèo và nhiều hộ vươn lên, có cuộc sống ổn định.

Gia đình chị Trần Thị Thoàn (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ từ mô hình Nhân rộng giảm nghèo. Nhờ mô hình này, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá ở địa phương. Chị Thoàn bộc bạch: “Số tiền 15 triệu đồng thời điểm đó có ý nghĩa lớn với vợ chồng tôi bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có vốn sản xuất, kinh tế dựa vào tiền làm thuê, làm mướn nên không có dư. Sau khi được hỗ trợ phân bón, hạt giống, gia đình tôi cải tạo đất xung quanh nhà, trồng 1.000m2 rau. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rảnh, vợ chồng tôi đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, không còn chịu cảnh “thiếu trước, hụt sau” nên mừng lắm!”.

Chị Trần Thị Thoàn được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua hạt giống, phân bón trồng 1.000m2 rau

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Lâm - Nguyễn Thị Hồng Duyên, sau khi triển khai, thực hiện mô hình, xã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát, giúp đỡ và động viên các gia đình xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước mà cố gắng vượt khó vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Kết quả, đến nay, xã còn 0,67% hộ nghèo và 1,63% hộ cận nghèo.

2. Tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương cũng là một trong những biện pháp góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tệ nạn xã hội. Với cách làm này, anh Lưu Hồng Huỳnh (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) nhận hạt điều từ các công ty, sau đó giao lại cho lao động nhàn rỗi ở địa phương gia công. Hiện cơ sở gia công hạt điều của anh Hồng Huỳnh tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động, bình quân thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày.

Anh Hồng Huỳnh chia sẻ: “Sau mùa vụ, lao động nhàn rỗi ở địa phương khá nhiều, bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ lớn tuổi ở nhà lo việc nội trợ nên có nhiều thời gian rảnh và có nhu cầu làm việc để kiếm thêm thu nhập. Thấy vậy, tôi nhận hạt điều về, giao lại cho mọi người gia công. Gia công hạt điều không bó buộc thời gian nên phù hợp với những người nội trợ và lao động nhàn rỗi”.

Gia công hạt điều giúp lao động nhàn rỗi, người nội trợ có thêm thu nhập

Trước đây, chị Nguyễn Thị Thu Ngân (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) làm công nhân. Sau khi sinh em bé, chị quyết định nghỉ việc ở nhà để chăm sóc con. Biết đến cơ sở gia công hạt điều của anh Hồng Huỳnh, chị Thu Ngân đến nhận về gia công. Chị Thu Ngân nói: “Gia công hạt điều thu nhập không cao nhưng phù hợp với những người nội trợ vì vừa có thể quán xuyến việc nhà, vừa tranh thủ thời gian rảnh để làm. Mỗi ngày, sau khi lo cơm nước cho gia đình và đưa con đi học, tôi bóc vỏ lụa hạt điều, cố gắng làm cũng có thêm khoản tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,3%, hộ cận nghèo còn 2,42%./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích