Tiếng Việt | English

04/10/2023 - 11:20

Nhớ lời Bác Hồ dạy về công tác phòng cháy, chữa cháy

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và lực lượng cảnh sát PCCC. Sự quan tâm đặc biệt của Người, để lại những kỷ niệm không thể nào phai trong tâm trí lớp lớp cán bộ, chiến sĩ PCCC.

Huyện Tân Thạnh diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ tại Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy (Ảnh minh họa: CHÍ TÂM)

Cách đây 62 năm, ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những pháp lệnh ra đời sớm nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với công tác PCCC.

Năm 1966, trong Thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Hà Nội sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang bị trúng bom giặc, Bác Hồ đã căn dặn lực lượng cảnh sát PCCC 4 điều: Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn; Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC; Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.

Khắc ghi lời dạy của Người, lực lượng Cảnh sát PCCC đã vận dụng sáng tạo, nghiên cứu triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và tổ chức tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng thế trận toàn dân trong công tác PCCC.

Ngày 02/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 369/TTg lấy ngày 04-10 hàng năm là “Ngày PCCC toàn dân”, tháng 10 hàng năm là “Tháng an toàn PCCC”.

Công tác PCCC ngày càng được quan tâm, trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân và là trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát PCCC đã góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp tích cực có các phương án PCCC, phối hợp cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra an toàn cháy và tổ chức luyện tập các phương án PCCC. Các đơn vị kho, vật tư làm nhiệm vụ bảo quản,... đều được tăng cường kinh phí, mua sắm các thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu PCCC, nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cháy đã được thực hiện hiệu quả. Việc huấn luyện về công tác PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quan tâm hơn, nhiều đơn vị đều tham gia vào hội thao về PCCC,...

Tuy nhiên, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, chủ hộ gia đình và cá nhân còn lơ là, chủ quan, coi nhẹ công tác PCCC. Một số doanh nghiệp, đơn vị, địa phương chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC; các điều kiện an toàn phòng cháy chưa đáp ứng kịp sự phát triển KT-XH. Chủ các cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn cháy, nổ, chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác PCCC.

Trước thực trạng trên, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về PCCC, thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, cổ động, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức và kỹ năng PCCC, tầm quan trọng của công tác PCCC, nghĩa vụ và trách nhiệm chấp hành Luật PCCC; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp,... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng, nhất là ở khu chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ karaoke, cơ sở sản xuất,… có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ; đầu tư phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ, đảm bảo lực lượng PCCC hoạt động hiệu quả; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong việc xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn./.

Nguyễn Thanh Hoàng

Chia sẻ bài viết