No lòng, vững bụng, chắc tay súng
Chắc chắn rằng, bữa cơm người lính thời chiến tranh rất khác so với khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng của các chiến sĩ ngày nay. Và, thế hệ trẻ - những người “sinh sau, đẻ muộn”, chưa từng chứng kiến đất nước trong những ngày lầm than, khói lửa cũng không thể nào hình dung được hết được sự vất vả, gian lao của những người đi trước.
Còng rang muối chế biến nhanh chóng, bảo quản lâu, là món ăn “đặc sản” của những người lính đặc công thủy
Ít người biết rằng, những nắm cơm trắng muối mè, những đòn bánh tét của các bà, các chị hay đôi khi chỉ dăm ba hột muối, ít khô, mắm mang đi lại đủ khả năng nuôi sống chiến sĩ trong những chuyến hành quân vất vả.
Cựu chiến binh Trần Văn Sang, ngụ ấp Huỳnh Tịnh, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Trải qua mấy mươi năm nơi chiến trường nên những món ăn thời chiến cũng là những kỷ niệm khó quên trong lòng ông cho đến tận bây giờ. Quê ở ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, chỉ mới 12 tuổi, ông đi làm giao liên rồi 15 tuổi thì chính thức trở thành trinh sát Đại đội 506, Tiểu đoàn 4 Kiến Tường. Khu vực hoạt động của đơn vị ông chủ yếu là các huyện vùng Đồng Tháp Mười nên bữa ăn dù đơn sơ nhưng cá, tôm không bao giờ thiếu.
Thời ấy, người dân thương chiến sĩ như con cháu trong gia đình, ngoài những người trực tiếp nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ thì ngay cả bà con lối xóm, mỗi khi chài lưới được kha khá còn “giành” nhau biếu anh em ít cá cải thiện bữa ăn để có sức chiến đấu. Bên cạnh đó, ngoài thời gian làm nhiệm vụ, mỗi ngày, ông và đồng đội đều được phân công lịch trực nhật, chia nhau đi bắt cá, chuột, rắn,... về cho đơn vị chế biến món ăn.
Khoai mì luộc
“Có khi đang trong mùa lũ, cá, tôm nhiều vô kể. Sáng sớm, vừa gặp anh em trong đơn vị, mấy cô, mấy bác cho mỗi người cả rổ đầy, chúng tôi gom lại rồi kho khô ăn dần. Hoặc có lúc chỉ vài trái cà nâu nướng, rau tập tàng, đọt bầu, đọt bí hay quày chuối, củ khoai,... bà con cũng để dành cho chiến sĩ. Khi bị bắt, đày ra Côn Đảo đến lúc được trao trả vào tháng 02/1974, cơm bữa có, bữa không, nước uống không đủ, có được hạt cơm khô ngậm cho đỡ đói đã là hạnh phúc lắm rồi!” - ông Sang bồi hồi nhớ lại.
Và có lẽ, hình ảnh cả chặng đường dài bao nhiêu năm chiến đấu, ông và đồng đội vẫn chẳng thể nào quên những đòn bánh tét mà các mẹ, các chị khi biết tin đơn vị chuẩn bị rời đi là lật đật làm cho kịp để các anh mang theo. Thế mới thấy, tình quân - dân như cá với nước, quân mạnh nhờ lòng dân là vì vậy!
Bên nhau chia ngọt, sẻ bùi
Trong giai đoạn chiến tranh gian khổ, cùng kề vai, sát cánh bên đồng đội thì vạt cơm vắt, củ khoai mì hay ít mắm, khô san sẻ cùng đồng đội cũng tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù.
Ông Võ Tấn Chiêu, thương binh 1/4, tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa đến giờ vẫn nhớ những kỷ niệm thời gian khó cùng đồng đội. Quê ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, năm 1964, ông bắt đầu tham gia kháng chiến và được huấn luyện đặc công thủy 2 năm tại chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ, TP.HCM) rồi chiến đấu tại Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,...
Rau luộc
Quãng thời gian ông nhớ nhất chính là những kỷ niệm ở Rừng Sác cùng đồng đội. Do là vùng đất ngập mặn nên có rất nhiều còng gió, cá thòi lòi,... ở bãi bồi.
Ngoài giờ tập luyện, những chiến sĩ trẻ thường đi bắt còng, bắt cúm, cá thòi lòi,... về chế biến. Bữa cơm chiến sĩ đơn giản chỉ với ít còng rang muối, chiên giòn hay cá bống, cá thòi lòi kho tiêu ăn cùng đọt ráng luộc. Trong đó, còng rang muối là món ăn vừa “bắt cơm”, dễ chế biến lại có thể bảo quản lâu. Mấy bữa được tiếp tế ít thuốc rê, anh em chỉ dám vấn 1 điếu thuốc rồi chia nhau hút. Những ngày mưa dầm, rít hơi thuốc ấm, chan chén canh chua đọt ráng cùng ít cá kho, vậy mà ấm áp, thơm thảo vô cùng!
Với ông, những kỷ niệm bên đồng đội còn là những lần đi điều nghiên, phải trét sình khắp người vì sợ địch phát hiện. Chẳng may có người hy sinh thì phải bằng mọi cách đưa xác đồng đội về. Ông còn nhớ, trong một lần giặc càn, phải tìm chỗ bùn lầy ẩn nấp, có khi cả 2 ngày chẳng có hột cơm nào trong bụng, vậy mà anh em đều cố gắng động viên nhau, kiên trì chiến đấu chứ nhất định không đầu hàng. “Chúng tôi thà chết vì đói chứ không muốn chết vì địch bắt!” - ông Chiêu quả quyết.
Tháng 4/1975, ông bị thương cột sống khá nặng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, 2 chân cũng bị liệt. Nhờ những chén cháo nghĩa tình của các cô y sĩ, các mẹ, các chị cưu mang mà có thể vượt qua bệnh tật, chiến đấu với “tử thần” để nhìn đất nước hòa bình, no ấm như hôm nay. Thỉnh thoảng, nhớ đồng đội cũ, giờ có người hy sinh, người mất liên lạc nhưng chén còng rang, dĩa rau luộc vẫn làm ông nhớ mãi những ngày gian khổ.
Cà tím nướng
Có lẽ, thế hệ trẻ hôm nay ít được nghe kể về những bữa cơm bộ đội. Chẳng sơn hào hải vị, không nhiều chất, đủ lượng nhưng lại ấm áp nghĩa tình quân - dân, tình anh em, đồng đội kề vai, sát cánh. Chiến sĩ ta lúc ấy chỉ mong ăn để lấy no, để chắc lòng, vững bụng chiến đấu. Và còn nhiều, rất nhiều những bữa cơm chiến sĩ mà với mỗi người lại là một kỷ niệm khác nhau. Có những bữa cơm hôm nay còn ngồi dùng chung, chia nhau mẩu thuốc, miếng cà mà hôm sau đã không còn gặp nữa.
Những mất mát, đau thương, những bữa cơm kỷ niệm luôn là một phần ký ức đáng nhớ của những người từng một thời “vào sinh, ra tử” cho đất nước được thanh bình. Từng hạt gạo, vắt cơm, từng con còng, con tép hay củ khoai, hạt muối,... đều chứa đựng ân tình của những người đồng đội, là tấm lòng của những bà mẹ quê gửi gắm cho các con lên đường chiến đấu. Tất cả những điều bình dị, đơn sơ ấy lại chính là sức mạnh tinh thần vô giá, hun đúc cho người chiến sĩ vững bước trên đường ra mặt trận, chắc tay súng gìn giữ quê hương./.
Những mất mát, đau thương, những bữa cơm kỷ niệm luôn là một phần ký ức đáng nhớ của những người từng một thời “vào sinh, ra tử” cho đất nước được thanh bình. Từng hạt gạo, vắt cơm, từng con còng, con tép hay củ khoai, hạt muối,... đều chứa đựng ân tình của những người đồng đội, là tấm lòng của những bà mẹ quê gửi gắm cho các con lên đường chiến đấu. |
Cát Tường