Tiếng Việt | English

17/03/2021 - 12:10

Những 'bóng hồng' trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Trong “cuộc chiến” chống Covid-19 nhiều khó khăn, vất vả, không phân biệt tuổi tác hay giới tính, rất nhiều nữ cán bộ y tế sẵn sàng xông pha, tham gia tuyến đầu chống dịch. Họ đã đóng góp công sức rất lớn, góp phần cùng địa phương, cả nước trong “cuộc chiến” chống Covid-19, mang đến bình yên cho nhân dân.

Chị Thùy Dương làm nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm tại các khu cách ly tập trung

Chị Thùy Dương làm nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm tại các khu cách ly tập trung

Những “nữ chiến binh” kiên cường

Nghe đến khu cách ly tập trung, có lẽ nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại, bên cạnh những người làm nhiệm vụ tại đây, chị Đinh Thị Thùy Dương (nhân viên Phòng Huyết thanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã quá quen thuộc với những nơi này khi cùng các đồng nghiệp thường xuyên đi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Trước khi có dịch bệnh, chị phụ trách công tác xét nghiệm viêm gan siêu vi B, sốt xuất huyết,... công việc khi ấy cũng bận nhưng không thể so sánh với khoảng thời gian từ khi có dịch Covid-19. Tham gia đội phản ứng nhanh, cứ vài ngày là chị phải đi lấy mẫu tại các khu cách ly tập trung, với những ca nghi ngờ thì phải đi ngay, bất kể lúc nào, có khi về đến nhà là trời đã tối muộn, có lúc gần nửa đêm.

“Thời gian đầu, khi Long An chưa thể xét nghiệm Covid-19, chúng tôi phải vận chuyển mẫu lên Viện Pasteur TP.HCM, sau này thì đỡ vất vả hơn. Tôi cùng các đồng nghiệp luôn chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, trang thiết bị, hễ “nhận lệnh” của cấp trên là “lên đường” ngay. Đối với chúng tôi, áp lực nhất là khi tiếp nhận những ca nhập cảnh từ sân bay về, số lượng đông, đôi khi còn bất đồng ngôn ngữ, phải ra hiệu để người được lấy mẫu phối hợp tốt để mẫu đạt yêu cầu xét nghiệm. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đều cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch”.

Tương tự chị Thùy Dương, chị Nguyễn Ngọc Yến cũng là “nữ chiến sĩ áo trắng” tuyến đầu khi trực tiếp làm nhiệm vụ tại Khu cách ly tập trung Lâm viên Thanh niên (huyện Thạnh Hóa). Chị Yến là y sĩ, đang công tác tại Trạm Y tế xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa. Tại khu cách ly tập trung, chị có nhiệm vụ theo dõi, thăm khám sức khỏe, hướng dẫn người cách ly các biện pháp tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh,... Chị làm nhiệm vụ tại đây vào đợt tháng 10/2020 và đợt tết vừa qua.

Chị Nguyễn Ngọc Yến trở về làm việc tại trạm y tế xã nhưng vẫn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch

Chị Nguyễn Ngọc Yến trở về làm việc tại trạm y tế xã nhưng vẫn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch

“Hiện tôi trở về làm việc tại trạm y tế xã nhưng vẫn luôn trên tinh thần sẵn sàng, hễ được điều động là nhận nhiệm vụ ngay. Làm việc tại khu cách ly tập trung tuy vất vả nhưng rất tự hào, ý nghĩa, các anh, chị, em ai cũng cố gắng vì trách nhiệm chung với cộng đồng” - chị Yến chia sẻ.

Còn với cán bộ Chương trình Quản lý dịch, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Lê Kim Thịnh, chị phụ trách các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó có dịch Covid-19. Chị phải luôn “sẵn sàng chiến đấu”, liên tục theo dõi tình hình, diễn biến dịch bệnh để báo cáo, ứng phó kịp thời. Nhiệm vụ của chị là điều phối khu cách ly tập trung dành cho chuyên gia tại khách sạn; phối hợp tuyến xã điều tra, xác minh, truy vết các trường hợp trở về từ vùng dịch; điều tra, xác minh và chuyển cách ly tập trung thuyền viên từ các tàu nước ngoài trở về cập cảng trên địa bàn huyện,... Thế nên, bên cạnh sự vất vả trong công việc, chị còn có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên, với chị, khi đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành, vì phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.

Chị Lê Kim Thịnh (bên phải) - cán bộ Chương trình Quản lý Dịch, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức luôn trên tinh thần “sẵn sàng chiến đấu”, ứng phó kịp thời với dịch bệnh Covid-19

Chị Lê Kim Thịnh (bên phải) - cán bộ Chương trình Quản lý Dịch, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức luôn trên tinh thần “sẵn sàng chiến đấu”, ứng phó kịp thời với dịch bệnh Covid-19

Tạm gác việc nhà vì sức khỏe nhân dân

Bên cạnh công việc, nữ cán bộ y tế tham gia tuyến đầu chống dịch còn là những người mẹ, người vợ trong gia đình. Đợt tết vừa qua, vì tham gia công tác tại khu cách ly tập trung nên không thể về nhà, nhớ con, chị Nguyễn Ngọc Yến chỉ có thể trò chuyện qua điện thoại. Mỗi khi nghe con khóc, hỏi “khi nào mẹ về” mà nước mắt chị lại chực trào vì thương, vì nhớ. Những lúc ấy, gác lại tình cảm riêng, chị chỉ biết nhờ cha mẹ và người bạn đời của mình dỗ dành con, mong đến ngày hoàn thành nhiệm vụ để về bên con gái nhỏ. “Ngày ở khu cách ly thì cứ mong đến lúc được về nhà, đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, nhìn thấy con lại không dám đến gần ôm ấp vì bản thân mình phải tiếp tục tự cách ly theo quy định. Nghe con gọi mẹ mà “đứt ruột” nhưng biết làm sao, mình phải tự phòng bệnh, trước hết cho bản thân và gia đình rồi đến cộng đồng, tuân thủ vẫn là trên hết!” - chị Yến bộc bạch.

Với chị Lê Kim Thịnh, khi đi làm, nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” mà đôi khi cũng khiến chị và đồng nghiệp tủi thân. “Có khi bước xuống khỏi tàu rước thuyền viên, dù hoàn thành hết các quy trình bảo hộ nhưng có người e ngại, không dám bán nước uống cho chúng tôi. Ngày tết thì chỉ dám ở nhà điện thoại hỏi thăm người thân chứ chẳng dám đi nhà này, nhà kia. Có những ngày xong nhiệm vụ, trở về nhà gần nửa đêm thì các con đã say giấc, muốn đến gần cũng chẳng dám. Những lúc tôi đi làm thì ở nhà, đứa lớn chăm đứa nhỏ phụ mẹ. Chồng tôi làm công an xã cũng tham gia công tác chống dịch nên rất hiểu và cảm thông cho vợ, anh phụ tôi chăm con, lo cho gia đình để tôi an tâm làm nhiệm vụ. Công việc dù vất vả nhưng có người kề cận, sẻ chia thì chúng tôi vẫn có đủ sức mạnh vượt qua!” - đó là những trải lòng rất thật của nữ cán bộ y tế tham gia tuyến đầu chống dịch.

“Mỗi khi lấy mẫu ở khu cách ly về, mình cứ lủi thủi tự bới cơm ăn rồi vào phòng riêng, hạn chế tiếp xúc các cháu nhỏ, anh, chị, em trong nhà. Đối với tôi, khu cách ly tập trung không hề đáng sợ. Chúng tôi không chủ quan nhưng cũng không quá lo ngại vì được tập huấn rất kỹ các biện pháp bảo vệ bản thân, tuy nhiên, lúc nào cũng phải trên tinh thần cẩn trọng, không một chút lơ là vì có thể ảnh hưởng không chỉ bản thân mình mà còn rất nhiều người khác. Mỗi khi có kết quả xét nghiệm, hễ ca nào âm tính là chúng tôi lại nhẹ nhõm”.

Chống dịch, đối với nam giới đã quá vất vả, với gánh nặng công việc, gia đình trên vai, phụ nữ lại càng vất vả nhiều hơn. Dù có chồng, con chia sẻ, cảm thông, dù đã chu toàn công việc nhưng các chị vẫn muốn dành thật nhiều, thật trọn vẹn cho gia đình. Là phụ nữ, dù mạnh mẽ đến mấy, làm nghề nào cũng vậy nhưng vẫn là “phái yếu”, rất cần sự san sẻ, yêu thương. Sự hy sinh thầm lặng của các chị cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 đáng trân trọng biết bao!./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết