Tiếng Việt | English

27/04/2019 - 10:30

Những hồi ức không thể nào quên

“Chúng tôi chiến đấu không chỉ cho mình, cho hòa bình, độc lập của quê hương mà còn chiến đấu cho cả những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống để hoàn thành tâm nguyện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - Đại tá Mai Văn Lai - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Long An - đơn vị bộ đội địa phương vinh dự được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nhớ lại ý chí, quyết tâm của người lính trong thời khắc lịch sử ấy.

Đại tá Mai Văn Lai - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Long An, người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến quân giải phóng Sài Gòn

Đại tá Mai Văn Lai - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Long An, người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến quân giải phóng Sài Gòn

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là niềm vinh dự 

44 năm sau Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, những cựu binh năm xưa, nhất là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, người còn, người mất. Đa số đều “về” với anh em, đồng đội. Phải rất khó khăn, chúng tôi mới có được địa chỉ của Đại tá Mai Văn Lai (ngụ huyện Tân Trụ) - người lính đầu tiên của Tiểu đoàn 1 Long An Anh hùng. Từ năm 1969-1977, Đại tá Mai Văn Lai giữ chức Chính trị viên phó rồi Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Long An và là một trong số những người trực tiếp nhận lệnh, chỉ huy đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Gần 80 tuổi, Đại tá Mai Văn Lai vẫn nhớ rất rõ những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ. Năm 1962, ông bắt đầu tham gia cách mạng, làm du kích địa phương. Rèn luyện, chiến đấu hơn 1 tháng, ông được rút về Đại đội Cơ động 1 của tỉnh - đơn vị tiền thân của Tiểu đoàn 1 Long An Anh hùng.

Từ đó, cuộc đời binh nghiệp của ông gần như gắn chặt với Tiểu đoàn 1. Từ ngày đơn vị chính thức đổi tên từ Đại đội Cơ động 1 để thành lập Tiểu đoàn 1 Long An (ngày 21/01/1964) đến cuối năm 1967, Tiểu đoàn 1 là đơn vị chủ lực, nòng cốt của tỉnh trong các phong trào phá ấp chiến lược, giải phóng vùng nông thôn và trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường Long An.

Cuối năm 1967, Tiểu đoàn 1 trở thành lực lượng nòng cốt của Phân khu 3, đảm nhiệm những mục tiêu chủ yếu của phân khu ở mặt trận phía Nam Sài Gòn. Và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn 1 Long An 2 lần tấn công vào Sài Gòn, lập nên kỳ tích khi chiến đấu trên mặt trận cầu chữ Y với 1 lữ đoàn Mỹ và giữ trận địa trong vòng 7 ngày. 

Nói về Tiểu đoàn 1, Đại tá Mai Văn Lai có thể kể cả ngày cũng chẳng hết chuyện. Nhưng có lẽ, giờ phút lịch sử đáng nhớ nhất trong cuộc đời người lính chính là thời khắc Tiểu đoàn 1 nhận được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Khi ấy, tình hình chiến trường miền Nam có những chuyển biến nhanh chóng, Tiểu đoàn 1 được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bạn tạo bàn đạp, địa bàn đứng chân để phối hợp các trung đoàn chủ lực của Quân khu 8 thực hiện nhiệm vụ tấn công theo hướng Nam Sài Gòn. Đầu tháng 4/1975, khi đang đứng chân tại khu vực Tràm Ba Làng, thuộc xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, đơn vị nhận lệnh hành quân xuống phía Nam để kịp tham gia chiến dịch. Lúc này, dù gần Sài Gòn nhưng do quân ngụy bố trí hệ thống phòng ngự dày đặc trên tuyến Quốc lộ 4 (cũ) nên đơn vị quyết định hành quân thần tốc, vừa đi, vừa đánh cho kịp thời khắc tiến vào Sài Gòn. Từ Thạnh Lợi, Tiểu đoàn 1 bắt đầu hành quân ra Tân Đông rồi vòng xuống đất Mỹ Tho, Tiền Giang thực hiện nhiệm vụ mở đường từ Châu Thành, vây ép tiêu diệt các đồn bót của địch, tạo một vùng đứng chân cho các đơn vị của quân khu. Hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị tiếp tục tiên phong tiến quân tiêu diệt hàng chục đồn, bót địch dọc theo tuyến hành quân từ Châu Thành - Tân Trụ - Cần Đước - Cần Giuộc, mở đường cho các lực lượng quân khu tiến công vào Sài Gòn. Trong quá trình tấn công mở đường, Tiểu đoàn 1 cùng 2 Trung đoàn của Quân khu 8 đã đánh rã hoàn toàn lực lượng ngụy quân, giải phóng một vùng rộng lớn tại các huyện vùng hạ trong tỉnh. Đến ngày 26/4/1975, chiến dịch tấn công, giải phóng Sài Gòn chính thức được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, tất cả anh em chiến sĩ trong đơn vị đều phấn khởi, hạ quyết tâm “thần tốc” tiến nhanh về Sài Gòn. Đến ngày 28/4/1975, Tiểu đoàn 1 Long An đã làm chủ hoàn toàn cửa ngõ phía Nam, cách cầu Nhị Thiên Đường, Sài Gòn 8km, phía sau là các trung đoàn chủ lực của Quân khu 8. Đến ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn 1 cùng các trung đoàn Quân khu 8 chính thức nhận lệnh vượt sông, tiến thẳng vào địa phận quận 8, với nhiệm vụ vượt cầu chữ Y để đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, đài phát thanh, hiệp đồng cùng các đơn vị khác tiến đánh dinh Độc Lập” - Đại tá Mai Văn Lai cho biết.

Ông tiếp tục kể trong niềm tự hào: “Lúc đơn vị đang chiến đấu dưới chân cầu chữ Y thì nhận được tin quân ta đã chiếm được dinh Độc Lập, ngụy quân tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thời khắc đó, tất cả anh em trong đơn vị quên hết mệt mỏi, tay ôm súng, miệng không ngừng reo hò, ôm nhau vỡ òa trong niềm hạnh phúc, không cầm được nước mắt sau bao nhiêu năm chiến đấu trường kỳ, gian khổ”. 

Trong lúc đang phấn khởi, khuôn mặt ông như chùn xuống khi nhắc đến đồng đội cũ: “Trong đơn vị có đồng chí tên Trọng, quê ngoài Bắc, đánh giỏi, gan dạ, được cả đơn vị yêu thương, quý mến đã hy sinh trong trận đánh đồn tại Mỹ Lệ, Cần Đước khi chưa kịp thực hiện ước mơ đánh vào Sài Gòn. Trước khi nhắm mắt, đồng chí Trọng còn nhắn nhủ anh em đơn vị hãy thay đồng chí tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Chúng tôi chiến đấu không chỉ cho mình, cho hòa bình, độc lập của quê hương mà còn chiến đấu cho cả những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống để hoàn thành tâm nguyện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - Đại tá Mai Văn Lai nhớ lại. 

Đến chiều ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 1 tiếp tục tiến công xuống quận 4, chiếm giữ Quân cảng Nhà Bè, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Với mỗi người lính, được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhất là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến thời khắc ngụy quân sụp đổ, 2 miền Nam - Bắc thống nhất vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự” - Đại tá Mai Văn Lai cho biết.

Tháng 4/1975 tại Tân An

Một trong những người tham gia chiến đấu những ngày tháng 4 lịch sử còn có cựu binh Chu Anh Thức, quê huyện An Dương, TP.Hải Phòng, nguyên chiến sĩ đơn vị đặc công K1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Long An giai đoạn 1967-1975. 

Theo lời ông Chu Anh Thức, tháng 01/1975, quân ta thắng lớn ở Phước Long, thành lập Quân đoàn 232 và quyết định mở chiến dịch đánh về hướng Tây và Tây Nam sông Vàm Cỏ Đông, sát với biên giới Campuchia. Trong 10 ngày đầu (từ ngày 10 - 20/3/1975), hàng loạt đồn, bót trên tuyến phòng thủ của địch dọc theo tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh và Long An bị tiêu diệt, lập nên tuyến hành lang chiến lược dọc theo 2 tỉnh để thông về Đồng Tháp Mười. Theo kế hoạch trong đợt 2, đêm 04/4/1975, quân ta nổ súng đánh gục 1 sư đoàn chủ lực của địch để giải phóng Mộc Hóa, nhưng trước giờ hành động, khoảng 20 giờ 30 phút, đơn vị nhận được lệnh từ Bộ Tư lệnh Miền yêu cầu bỏ mục tiêu Mộc Hóa, đưa một phần lực lượng xuống cắt Quốc lộ 4 (cũ) để đánh vào thị xã Tân An. Bao nhiêu công sức, kỳ vọng cho trận đánh lớn phải dừng lại. Một số cán bộ, người dân lo ngại khi lực lượng quân đoàn thay đổi kế hoạch, địch sẽ bung ra đánh phá trở lại. “Tôi còn nhớ rõ câu nói của Tư lệnh Quân đoàn: “Chúng tôi xin nợ chiến dịch này với Kiến Tường. Nhưng đã nợ, thế nào cũng trả đến nơi, đến chốn. Cũng có thể Kiến Tường giải phóng sớm, lúc đó xin cho chúng tôi được xóa nợ” - ông Chu Anh Thức nhớ lại.

Gác lại nhiệm vụ tại Kiến Tường, đơn vị tiếp tục hành quân cắt ngang về Mỏ Vẹt - Ba Thu, huyện Đức Huệ. 

Ông Chu Anh Thức cùng các chiến sĩ vượt cầu sắt, tiến vào giải phóng thị xã Tân An ngày 30/4/1975 (ảnh chụp lại)

Ông Chu Anh Thức cùng các chiến sĩ vượt cầu sắt, tiến vào giải phóng thị xã Tân An ngày 30/4/1975 (ảnh chụp lại)

Lúc này, Sư đoàn 5 được giao nhiệm vụ đánh chiếm, chia cắt Quốc lộ 4 và được quân đoàn tăng cường thêm vũ khí, đặc biệt là các loại pháo mặt đất từ 85-105 ly, pháo cao xạ 37 ly, đại liên 12,7 ly hành quân dã chiến, cơ động về Bến Lức. “Địch bố trí lính Sư đoàn 22 ngụy hai bên cầu Bến Lức, trên bờ, dưới sông, ban đêm đèn pha rọi sáng như ban ngày. Chúng tôi lợi dụng lục bình trôi sông để che kín người và bộc phá thả trôi theo dòng nước rồi bám vào chân cầu mà đánh. Kế hoạch được vạch sẵn, tất cả anh em đặc công đã sẵn sàng. Cùng lúc này, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Nhưng nhiệm vụ của các chiến sĩ Sư đoàn 5 lại thay đổi, không đánh phá cầu Bến Lức mà chuyển sang phối hợp các lực lượng đánh chiếm cầu Bến Lức tiến về thị xã Tân An. Thực hiện nhiệm vụ cắt đứt Quốc lộ 4, đánh chiếm cầu Bến Lức, Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định chi viện thêm xe lội nước, pháo 85 ly, xuồng và bổ sung thêm tân binh cho đơn vị. Nhưng để đưa pháo lớn áp sát Quốc lộ 4 là việc hết sức khó khăn. Vậy mà chỉ trong ngày 27/4/1975, toàn bộ pháo 105 ly đã chiếm lĩnh xong trận địa. Sáng ngày 30/4/1975, trong số 225 trái đạn pháp 105 ly mang theo, ta mới bắn 8 phát thì đài quan sát báo về, địch ở tiểu khu và dinh Tỉnh trưởng Long An tháo chạy. Đến 10 giờ 30 phút, bộ binh của ta tiến qua cầu Tân An vào giải phóng thị xã. Cùng lúc đó, tại Kiến Tường, Hậu Nghĩa, bộ đội chủ lực của ta cùng bộ đội địa phương cũng hoàn toàn làm chủ thế trận, buộc ngụy quân phải buông vũ khí đầu hàng” - ông Chu Anh Thức kể lại.

44 năm trôi qua, những mảnh đất mang vết tích đau thương của chiến tranh đã được hồi sinh từ sức người, từ ý chí, quyết tâm xây dựng quê hương. Chiến trường xưa Long An, nơi cửa ngõ phía Nam tiến vào Sài Gòn năm 1975 đang dần phát triển toàn diện, xứng đáng với những hy sinh gian khổ một thời. Cuộc sống chuyển mình, có những đổi thay, nhưng hồi ức về những ngày tháng 4 lịch sử vẫn đọng lại trong lòng những cựu binh năm xưa./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết