Đặt nền móng đầu tiên cho trẻ
Yêu thích trẻ con, mong muốn được đồng hành cùng trẻ lớn khôn, Nhà giáo ưu tú Đào Thị Hồng Liên (Trường Mầm non Hoa Sen, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) chọn nghề GV mầm non. 20 năm gắn bó với nghề, tình yêu đó luôn được cô nuôi dưỡng, bồi đắp. Niềm vui lớn nhất của cô là chứng kiến sự trưởng thành và tiến bộ của trẻ qua từng ngày.
Trẻ tặng hoa cho Nhà giáo ưu tú Đào Thị Hồng Liên (Trường Mầm non Hoa Sen, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Mở đầu cho hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục mầm non đóng vai trò, vị trí quan trọng, đặt nền móng cho việc hình thành nhân cách của trẻ; GV mầm non cũng đặt biệt hơn GV cấp học khác. Hiểu rõ tính chất công việc cùng tình yêu lớn với trẻ, cô Liên luôn nỗ lực hết mình trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Để góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện, nhất là 5 lĩnh vực: Nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thể chất, cô Liên đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô tập trung xây dựng môi trường giáo dục và mô hình đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động như môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, mô hình đồ dùng, đồ chơi tại trường,... Cô dạy cho trẻ kiến thức, kỹ năng sống thông qua các hoạt động: Học, chơi, trải nghiệm.
Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô quan sát, tìm hiểu tính cách, sở trường của từng trẻ để áp dụng phương pháp dạy phù hợp. Điểm chung là tất cả hoạt động đều gắn liền với đồ dùng, đồ chơi, ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với đó là các góc và lớp học được trang trí đẹp mắt, sinh động, giúp trẻ hứng thú khám phá kiến thức mới. Đối với trẻ chưa tập trung, chậm nói,... cô ân cần trò chuyện, lắng nghe trẻ và phối hợp phụ huynh để có giải pháp hỗ trợ; đồng thời, thường xuyên khen ngợi, tuyên dương khi trẻ có tiến bộ, dù là rất nhỏ.
Cô Đào Thị Hồng Liên cùng trẻ hát, múa
Ngoài ra, cô chú trọng tạo môi trường phát triển vận động cho trẻ, giúp trẻ hòa nhập với bạn bè, năng động, tự tin và rèn luyện sức khỏe.
Cô Liên chia sẻ: “Khi tổ chức hoạt động phát triển vận động cho trẻ, tôi luôn lựa chọn hoạt động phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ; tạo môi trường phát triển vận động cho trẻ trong và ngoài lớp học như lồng ghép vào các hoạt động: Học, chơi, trải nghiệm và luôn sử dụng đồ dùng, đồ chơi để thu hút sự hứng thú của trẻ. Tôi còn hướng dẫn phụ huynh tổ chức hoạt động cho trẻ tại nhà”.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô Liên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nhất là các phương pháp tích hợp hiệu quả giúp phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hết lòng vì học sinh
33 năm gắn bó với nghề, thầy Ngô Văn Mến - GV Trường Tiểu học Long Thuận (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa), vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề và hết lòng với từng thế hệ HS.
Thầy Ngô Văn Mến luôn tận tâm với mỗi học trò
Chọn nghề GV như cái duyên định sẵn khi thầy là anh lớn trong nhà, chịu trách nhiệm theo sát việc học và dạy kèm cho 7 người em ruột. Vậy là nghề GV lớn dần trong suy nghĩ, trở thành đam mê của thầy. Vào ngành năm 1990 - thời điểm điều kiện dạy học và lương GV rất thấp nhưng trót yêu nghề, thầy vẫn bám trường, bám lớp. Ngày ngày tiếp xúc, gắn bó với HS, thầy càng thương các em hơn và xem các em như những người em, người con của mình mà nỗ lực để dìu dắt, giúp đỡ.
Trong quá trình giảng dạy, thầy luôn nỗ lực đổi mới phương pháp. Thầy luôn chú trọng dạy học trực quan, sinh động thông qua sử dụng tranh, ảnh, đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin,... Đồng thời, thầy theo sát quá trình học tập của HS, nhất là nắm bắt tâm lý của HS để thay đổi phương pháp dạy mới, phù hợp hơn.
Thầy Mến tâm sự: “Trong lớp, mỗi HS có mức độ hiểu bài và tiến bộ khác nhau. Tôi không so sánh các em mà quan tâm phát huy năng lực HS giỏi và củng cố kiến thức cho HS chưa nắm chắc bài. Với HS chưa nắm chắc bài, tôi tìm hiểu các em gặp khó khăn ở đâu và tìm cách tháo gỡ, dành thời gian bù đắp nội dung kiến thức các em còn yếu. Tôi giao nhiệm vụ phù hợp năng lực các em nhằm giảm áp lực và giúp các em tự tin học trong học tập. Đặc biệt, tôi không la mắng HS vì sẽ làm các em tự ti, xuống tinh thần học tập, thay vào đó là động viên, khuyến khích và ân cần giúp đỡ các em tiến bộ”.
Ngoài dạy kiến thức, thầy còn chú trọng dạy kỹ năng sống, rèn nề nếp cho HS. Ngay đầu năm học, thầy đưa ra nội quy lớp và nhắc nhở các em thực hiện nghiêm. Nhờ vậy, HS tập trung hơn trong các tiết học cũng như sẵn sàng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Với những nỗ lực của mình, thầy Mến đạt nhiều thành tích nổi bật như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022. Đặc biệt năm 2023, thầy được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Nhiệt huyết, tận tâm với nghề
Là một trong những nhà giáo tiêu biểu của tỉnh năm 2023, cô Trương Đoàn Phúc Hằng - GV môn Tin học, Trường THCS Nguyễn Văn Bộ (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ), luôn tận tâm với nghề.
Tiếp nối truyền thống gia đình, cô chọn ngành Sư phạm, bởi từ nhỏ, hình ảnh người thầy, người cô tận tâm, tận tụy vì đàn em thân yêu và được tôn quý khắc sâu trong ký ức của cô. Gần 10 năm gắn bó, cô vẫn giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề và luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy. Mỗi tiết dạy, cô luôn tìm tòi, đầu tư vào việc soạn giảng, tự lập kế hoạch và chuẩn bị nội dung thật kỹ trước khi lên lớp. Cô chú trọng việc lựa chọn các phương pháp dạy học thích hợp từng bài học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của HS.
Cô Trương Đoàn Phúc Hằng luôn cố gắng tăng sự tương tác với học sinh trong tiết học
Cô Hằng cho biết: “Trong quá trình dạy học, tôi tổ chức hoạt động học tập và hướng dẫn HS tìm tòi kiến thức mới, vận dụng kiến thức đã biết một cách sáng tạo để giải quyết tình huống trong học tập và thực tiễn,... Tôi rèn luyện cho HS cách khai thác kiến thức trong sách giáo khoa và tài liệu học tập khác; cách tìm kiếm thông tin và suy luận để tìm ra kiến thức mới; định hướng cho các em cách tư duy để từng bước hình thành và phát triển khả năng sáng tạo. Đồng thời, tôi tăng sự tương tác với HS, giữa HS với nhau, giúp tất cả các em đều có cơ hội thể hiện sự hiểu biết của mình”.
Ngoài ra, cô Hằng còn áp dụng các kỹ thuật dạy học giúp phát huy tính tích cực của người học như kỹ năng động não, tia chớp, bản đồ tư duy,... và sử dụng hiệu quả các dụng cụ, đồ dùng dạy, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Với đặc thù môn Tin học, cô không chỉ chú trọng giúp HS học tốt môn học của mình mà còn giúp các em vận dụng kiến thức tin học tra cứu tư liệu phục vụ cho các môn học khác.
Riêng về công tác chủ nhiệm, cô theo sát lớp, xây dựng ban cán sự năng nổ, nhiệt tình. Ngay đầu năm, cô tìm hiểu tính cách, học lực của từng HS và có giải pháp hỗ trợ kịp thời những em chưa ngoan, gặp khó khăn trong học tập. Nhờ những nỗ lực của mình, cô Hằng được ghi nhận với nhiều thành tích, trong đó nổi bật nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
Vì lợi ích mười năm trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm trồng người
Các thầy, cô giáo đã và đang hết lòng với nghề, với học sinh, cùng hướng đến mục tiêu chung là góp phần giúp các em phát triển toàn diện, để trở thành những người có ích cho xã hội./.
An Nhiên