Tiếng Việt | English

19/11/2021 - 21:25

Những 'người mẹ' đặc biệt của trẻ em khuyết tật

Không chỉ dạy dỗ, chăm sóc, rèn luyện cho học sinh (HS) những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, tại ngôi trường của những “HS đặc biệt”, các cô giáo phải có tình yêu thương chân thành mới đủ sự nhẫn nại, tận tâm để vượt qua khó khăn, từng ngày đồng hành, dìu dắt các em trưởng thành.

Chính vì sự gắn kết, gần gũi giữa cô và trò mà các em rất quý mến và tôn trọng cô Bùi Thị  Kim Huệ,  xem cô như “người mẹ thứ 2” của mình

Chính vì sự gắn kết, gần gũi giữa cô và trò mà các em rất quý mến và tôn trọng cô Bùi Thị Kim Huệ, xem cô như “người mẹ thứ 2” của mình

Nghề của lòng yêu thương và nhẫn nại

Đến với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An - ngôi trường của những HS đặc biệt, các em được chia thành 2 nhóm gồm lớp can thiệp sớm và các lớp chuyên biệt. Không giống với môi trường học tập cho những HS bình thường, HS của trường được học tập với chương trình, nội dung phù hợp để đáp ứng nhu cầu hoạt động, vui chơi, học tập theo khả năng của trẻ. Tại đây, mỗi em có sự tiếp thu khác nhau, đòi hỏi giáo viên (GV) phải có sự quan tâm, sâu sát từng trường hợp. 

Cô Bùi Thị Kim Huệ là GV lớp 5 Nghe, nói với 14 năm gắn bó với ngôi trường này. Năm học này, lớp học do cô chủ nhiệm có 8 HS ở độ tuổi từ 10-17. Đối với cô Huệ, các trẻ khiếm thính khi có thiết bị hỗ trợ, việc giao tiếp, học tập sẽ không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu trẻ khiếm thính bị kèm thêm các tật khác (đa tật), có trẻ còn bị tăng động, ít tập trung thì khả năng tiếp thu bị hạn chế, các cô phải thực sự nhẫn nại, có phương pháp hướng dẫn, giảng dạy với những yêu cầu phù hợp và quan trọng là không được gây áp lực với trẻ.

Cô Huệ chia sẻ: “Để việc giảng dạy đạt hiệu quả, chúng tôi không áp đặt mà phải tôn trọng sở thích, nhu cầu của trẻ, thường xuyên động viên, khích lệ và khen ngợi khi trẻ hoàn thành được yêu cầu của GV. Trong giao tiếp với trẻ khiếm thính, chúng tôi phải kết hợp giữa lời nói, cử chỉ, tạo không khí sinh động, hấp dẫn trong từng tiết học và quan trọng nhất là sự hòa nhã, gần gũi để tạo cho trẻ tâm lý thoải mái khi tiếp thu bài học. Có lẽ chính vì sự gắn kết giữa cô và trò mà các em rất yêu mến và tôn trọng cô, xem như “người mẹ thứ 2”. Thấy sự tiến bộ của các em qua từng ngày, đối với chúng tôi, đó chính là niềm hạnh phúc to lớn!”. 

Khi cô giáo trở thành “người mẹ” của trẻ

Dạy một HS bình thường đã khó, làm nghề “đưa đò” với những HS khuyết tật lại khó khăn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết để trở thành một GV ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh chính là lòng yêu nghề, mến trẻ. Tại ngôi trường này, không chỉ có trách nhiệm giữa thầy, cô giáo đối với học trò mà còn có cả sự yêu thương, tình cảm gắn bó như những người cha, người mẹ, người bạn đồng hành của trẻ. 

Cô Võ Hoàng Quế Anh phụ trách lớp Chậm phát triển trí tuệ với 10 HS ở độ tuổi từ 8-11. Ở lớp học này, khả năng tiếp thu của các em rất hạn chế, do đó, cô Quế Anh phải nỗ lực rất nhiều để có thể kèm cặp, giúp trẻ tiến bộ từng ngày. Cô cho biết: “Trước đây, tôi học chuyên về trẻ khiếm thính. Khi mới nhận lớp chậm phát triển trí tuệ, tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, càng dạy, tôi thấy mình càng phải yêu thương, trách nhiệm, tận tâm hơn, tự nhủ rằng không được nản lòng vì các em rất cần mình hỗ trợ. Là GV trẻ, tôi học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, đọc nhiều tài liệu giáo dục để nâng cao kỹ năng, kiến thức áp dụng vào công việc chuyên môn. Hơn nữa, với các trẻ khuyết tật, sự quan tâm của gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, chúng tôi phải sâu sát, thường xuyên trao đổi với phụ huynh để có sự đồng hành từ phía gia đình. Với trẻ khuyết tật, điều quan trọng là cả gia đình và nhà trường không được nản lòng. Tôi nhớ mãi về một phụ huynh có con chậm phát triển từng chia sẻ rằng câu khẩu hiệu của nhà trường đã giúp họ không bỏ cuộc, cố gắng vì sự phát triển của trẻ. Câu khẩu hiệu đó chính là “Mỗi một lần nỗ lực của chúng ta là thêm một lần trẻ có thể có cơ hội để tiến bộ hơn”. Đây cũng là động lực để tôi và các đồng nghiệp vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề, tất cả vì sự tiến bộ của các em”. 

Cô Quế Anh cũng là Bí thư Đoàn trường. Cô đặc biệt quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ nên bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn chú trọng hướng dẫn kỹ năng sống cho HS với các nội dung về giáo dục giới tính, kỹ năng cần thiết khi đến tuổi dậy thì, tổ chức hội trại “Rồi em sẽ lớn”,... để giúp các em có những kiến thức thiết thực để tự phục vụ, bảo vệ bản thân.

Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Huỳnh Đăng Quang cho biết, tại ngôi trường này, độ tuổi học tập của các em khác nhau với các dạng tật, mức độ tật và tâm, sinh lý không đồng đều. Do đó, các GV phải có sự nỗ lực đặc biệt, phải nắm bắt, theo sát từng em. Chỉ những ai có lòng kiên nhẫn, tình yêu trẻ thực sự thì mới có thể gắn bó với công việc này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong muốn gia đình có sự quan tâm đặc biệt dành cho trẻ, phối hợp đồng bộ cùng nhà trường, mang đến cho trẻ môi trường học tập, rèn luyện thật tốt để phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. 

Cô Bùi Thị Kim Huệ (bên trái) và cô Võ Hoàng Quế Anh (bên phải) chuẩn bị  bài học để hướng dẫn trẻ ôn tập, tự học tại nhà

Cô Bùi Thị Kim Huệ (bên trái) và cô Võ Hoàng Quế Anh (bên phải) chuẩn bị bài học để hướng dẫn trẻ ôn tập, tự học tại nhà

Được biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong thời điểm nhà trường chưa thể tổ chức giảng dạy trực tiếp cho HS, các GV của trường vẫn luôn theo sát, giúp trẻ ôn tập, tự học tại nhà. Theo đó, các GV tổ chức hướng dẫn, khuyến khích phụ huynh hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em tham gia học tập qua các nguồn tài liệu, clip các tiết dạy với nội dung được chọn lọc phù hợp. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm của nhà trường trong sự phát triển của HS.

Trong “ngôi nhà chung” đầy ắp tình thương này, nhờ có những “người mẹ” tận tâm, bằng cả tình thương, trách nhiệm của mình, nhiều trẻ em đã vượt qua mặc cảm về khuyết tật của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng. Mai sau, dù các em trưởng thành nhưng những bài học, lời dạy dỗ ân cần cùng những tình cảm, kỷ niệm bên các thầy, cô tại mái trường đặc biệt này vẫn sẽ là hành trang quý báu theo các em đến suốt cuộc đời./.

Trong “ngôi nhà chung” đầy ắp tình thương này, nhờ có những “người mẹ” tận tâm, bằng cả tình thương, trách nhiệm của mình, nhiều trẻ em đã vượt qua mặc cảm về khuyết tật của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng”.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết