Tiếng Việt | English

29/01/2024 - 09:33

Niềm vui của người chế tác kim hoàn ở Long Thượng

Đầu năm 2024, người dân ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đón nhận tin vui nghề sản xuất và chế tác kim hoàn bằng vàng mà người dân trong ấp gìn giữ suốt mấy mươi năm được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Ngày diễn ra lễ trao bằng công nhận, hầu như tất cả hộ làm nghề kim hoàn trên địa bàn xã đều có mặt.

Đầu tháng 01/2024, nghề sản xuất và chế tác kim hoàn bằng vàng tại ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc được công nhận là nghề truyền thống

Đầu tháng 01/2024, nghề sản xuất và chế tác kim hoàn bằng vàng tại ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc được công nhận là nghề truyền thống

Nghề sản xuất, chế tác kim hoàn bằng vàng xuất hiện trên địa bàn huyện Cần Giuộc cách nay hơn 50 năm, tập trung nhiều nhất tại ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Theo một số người cao tuổi làm nghề tại địa phương, trước những năm 1970, một bộ phận người dân ấp Long Thới, xã Long Thượng, do hoàn cảnh khó khăn phải rời quê lên Sài Gòn (TP.HCM bây giờ) tìm việc làm. Họ đến Chợ Lớn và học được nghề kim hoàn, sau đó, trở về Long Thượng làm nghề, truyền dạy lại cho con cháu. Đến nay, con cháu trong các gia đình này và nhiều gia đình khác tại địa phương tiếp tục kế thừa và lưu giữ nghề.

40 năm theo nghề sản xuất và chế tác kim hoàn bằng vàng, bà Đoàn Thị Nhung (ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) xem nghề như một phần cuộc sống. Bấy nhiêu năm thăng trầm cùng sự biến động của thị trường, bà Nhung vẫn miệt mài bám trụ, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè để phát triển công việc của mình. Bà Nhung kể, có thời điểm, xưởng sản xuất của gia đình bà có hơn 40 người thợ, sản phẩm làm ra có đầu mối thu mua ngay, đời sống của người làm nghề nhờ vậy mà có phần khấm khá.

Theo sự phát triển của xã hội, yêu cầu và tính cạnh tranh của thị trường ngày càng cao nên hiện tại, gia đình bà thu hẹp quy mô nhưng bà khẳng định: “Nghề sản xuất, chế tác kim hoàn là một phần đời sống của tôi và gia đình. Cả 4 người con của tôi đều theo nghề của cha mẹ nên sẽ không bao giờ có chuyện bỏ nghề! Mới đây, nghề sản xuất, chế tác kim hoàn bằng vàng vừa được công nhận là nghề truyền thống của địa phương. Đó là động lực to lớn cho gia đình tôi nói riêng và những người làm nghề ở xã này nói chung. Chúng tôi rất tự hào và sẽ chung tay gìn giữ truyền thống của gia đình, làng xã”.

Nghề sản xuất, chế tác kim hoàn bằng vàng đòi hỏi người thợ phải đam mê và kiên trì mới bám trụ được

Nghề sản xuất, chế tác kim hoàn bằng vàng đòi hỏi người thợ phải đam mê và kiên trì mới bám trụ được

Theo bà Nhung, trước đây, các sản phẩm được làm từ vàng như dây chuyền, vòng đeo cổ, tay, nhẫn và các loại nữ trang khác, đa phần làm thủ công với nhiều mẫu mã, kiểu dáng độc đáo và được thị trường ưa chuộng. Về sau, do nhu cầu khách hàng, người làm nghề sản xuất, chế tác kim hoàn tại xã Long Thượng dần chuyển hướng sang đầu tư máy móc hiện đại và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế tác nhằm tạo ra sản phẩm đặc sắc, tinh xảo hơn, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

“Bây giờ có nhiều máy móc hỗ trợ quá trình chế tác nên người thợ đỡ vất vả. Tuy nhiên, chế tác kim hoàn có những công đoạn phức tạp buộc phải làm thủ công. Người làm nghề phải có lòng đam mê, kiên trì và cả kinh nghiệm mới bám trụ, duy trì và phát triển được nghề” - bà Nhung nói.

Sản phẩm kim hoàn bằng vàng tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc thường xuyên được cập nhật mẫu mã, đáp ứng yêu cầu của thị trường

Sản phẩm kim hoàn bằng vàng tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc thường xuyên được cập nhật mẫu mã, đáp ứng yêu cầu của thị trường

Theo Chủ tịch UBND xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Minh Vương, hiện nay, toàn xã có khoảng 13 hộ theo nghề với số lao động trung bình 4-6 người/hộ và tiếp tục phát triển. Việc công nhận nghề sản xuất và chế tác kim hoàn bằng vàng tại xã Long Thượng là nghề truyền thống là sự ghi nhận đối với những nỗ lực, tâm huyết của người làm nghề, giúp họ tự hào và phát triển hơn nữa nghề của thế hệ đi trước.

Ông Nguyễn Minh Vương khẳng định: “Khi nghề sản xuất và chế tác kim hoàn bằng vàng được công nhận là nghề truyền thống, địa phương có cơ sở tiếp tục giữ gìn và phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Việc gìn giữ, phát triển nghề truyền thống còn giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, hình thành các sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường”./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết