Tiếng Việt | English

19/11/2021 - 13:05

Nỗi đau người ở lại

Ngoài thiệt hại về kinh tế, dịch Covid-19 còn gây nhiều đau thương, mất mát lớn về mặt tinh thần mà thời gian chẳng thể nào bù đắp được, nhất là đối với những gia đình có người thân mất do Covid-19.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Câu chuyện xảy ra cách đây gần 7 tháng nhưng khi nghe ai nhắc đến vợ chồng anh Nguyễn Văn Chính và chị Nguyễn Thị Hằng, bà Phạm Thị Sữa - mẹ ruột chị Hằng (ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) không kìm được nước mắt. Làm sao không khóc được khi “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”; đồng thời, nhìn thấy hình ảnh hai đứa cháu còn quá nhỏ phải sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, rồi đây tương lai của các cháu sẽ không biết đi về đâu?

Bà Sữa nghẹn ngào: “Con rể mất do tai nạn mới được 100 ngày, gia đình tôi chưa hết bàng hoàng, đau xót thì nghe con gái mình nhiễm Covid-19 và mất, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Thương cháu ngoại, tôi đón về nhà chăm sóc nhưng tuổi đã cao, không biết lo cho cháu được bao lâu”.

Em Nguyễn Hoàn Phương Trúc và em Nguyễn Hiếu Thành phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ do Covid-19

Được biết, chị Hằng sống bằng nghề buôn bán cá ở chợ Long Hựu Tây. Ngày hay tin mình bị nhiễm Covid-19, chị rất kiên cường, thường xuyên điện thoại về hỏi thăm gia đình và dặn dò hai con phải nghe lời ông bà nội, còn chị sẽ cố gắng điều trị để được sớm về nhà. Ai ngờ, lời hứa đó mãi không thực hiện được.

Em Nguyễn Hoàn Phương Trúc - con anh Chính, chị Hằng (học lớp 5, Trường Tiểu học Long Hựu Đông 2), bộc bạch: “Cha mất, em còn chưa hết buồn thì mẹ cũng mất. Bỏ lại em và em trai Nguyễn Hiếu Thành mới 5 tuổi, nhiều đêm thấy em khóc đòi cha mẹ, em chẳng biết làm sao nên cũng ôm em khóc theo. Bây giờ, em chỉ mong mình lớn thật nhanh để có thể chăm sóc em trai và thay cha mẹ chăm sóc ông bà nội, ngoại”.

Trước khi mất, vợ chồng anh Chính, chị Hằng sống cùng bà Kiều Thị Nga (mẹ ruột anh Chính tại xã Long Hựu Tây). Cuộc sống gia đình vốn rất hạnh phúc, dù kinh tế không khá giả. Vậy mà biến cố lại ập đến quá bất ngờ, quá đau thương. Bà Nga chia sẻ: “Mới có 100 ngày mà phải mất hai đứa con, đau khổ lắm! Nhiều khi nhìn ảnh hai đứa con trên bàn thờ mà không kìm được nước mắt”.

Trò chuyện cùng Nguyễn Hoàn Phương Trúc, chúng tôi cảm thấy thương xót, chạnh lòng cho hoàn cảnh của gia đình em. Dù biết rằng, Trúc và Thành nói riêng, 82 trẻ em mồ côi do Covid-19 khác trên địa bàn tỉnh sẽ được các cấp, các ngành, mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ bằng nhiều cách đến khi các em trưởng thành nhưng đối với các em, không có gì bằng tình thương của cha mẹ.

Chỉ còn lại hũ tro cốt

Đối với gia đình, việc được nhìn mặt người thân và đưa tiễn họ ở giây phút cuối cuộc đời là điều thiêng liêng nhất. Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 lại cướp đi những điều tưởng chừng đơn giản ấy. Ông Phạm Văn Lộ (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Con dâu tôi làm công nhân tại Bến Lức và nhiễm Covid-19, mất cách đây hơn 2 tháng, bỏ lại đứa cháu ngoại Phạm Văn Châu Thanh mới sinh năm 2015. Ngày nhận hũ tro cốt con dâu, cả gia đình tôi như chết lặng, chắc lúc gần mất, con dâu tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, bởi không có người thân bên cạnh ở những giây phút cuối đời. Gia đình tôi rất hối tiếc vì không nhìn được mặt con dâu nhưng đây là quy định trong công tác phòng, chống dịch nên phải chấp nhận”.

Tỉnh vận động xã hội hóa chăm lo cho trẻ em mồ côi do Covid-19

Không riêng gia đình ông Lộ mà nhiều gia đình khác khi có người thân mất do Covid-19 cũng cảm thấy đau xót, chạnh lòng xen lẫn hối tiếc khi không được đưa người thân mình ở đoạn đường cuối của cuộc đời. Anh Lê Minh Toàn (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa), có vợ mất do Covid-19, bộc bạch: “Ngày còn sống, vợ tôi thương chồng, thương con lắm! Cái gì tốt cũng dành cho chồng, con. Nhớ ngày mới phát hiện mình nhiễm Covid-19 và đi cách ly, vợ tôi điện thoại dặn dò đủ điều nào là phải ở nhà chăm sóc con cho tốt, con có hỏi thì nói mẹ đi ít ngày rồi về, lần điện thoại nào cũng nói nhớ chồng, con. Lần cuối vợ điện thoại về, tôi chỉ khuyên vợ cố gắng điều trị thật tốt, nghĩ đến điều tích cực, đừng bi quan,… nhưng ít ngày sau, bệnh viện cho hay vợ tôi không qua khỏi. Nghĩ đến lúc mất, cô ấy phải nằm lạnh lẽo trong bệnh viện mà tội! Giờ nhìn di ảnh và hũ tro cốt mà thương cho hai đứa con còn quá nhỏ phải mồ côi mẹ”.

Đối với những người làm cha mẹ, con cái là tài sản vô giá nhất, còn đối với các đứa trẻ thì được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ là điều hạnh phúc, ấm áp nhất. Vậy mà, dịch bệnh Covid-19 bỗng chốc làm nhiều gia đình phải sinh ly, tử biệt, mới nói chuyện hôm qua thì hôm nay đã không còn… Trước những mất mát, đau thương này, chúng ta cần nêu cao tinh thần tự giác, không được lơ là trong công tác phòng, chống dịch, phải chấp hành thông điệp “5K” của Bộ Y tế dù trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào, góp phần cho sự mất mát, đau thương giảm xuống mức thấp nhất./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết