Tiếng Việt | English

14/09/2022 - 23:20

Nơi giữ lửa phong trào đờn ca tài tử

Dù không phải là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ nhưng loại hình nghệ thuật này đã tồn tại và phát triển trong đời sống của người dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An hàng chục năm qua. Từ một ít câu lạc bộ (CLB) chỉ với vài thành viên, phong trào ĐCTT nay đã phát triển được hơn 20 CLB từ huyện đến các ấp, khu phố, thu hút trên 400 thành viên tham gia sinh hoạt.

Không những là nơi giao lưu, gắn kết những người có cùng niềm đam mê nghệ thuật, các CLB ĐCTT ở các địa phương còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Trong đó, phải kể đến CLB ĐCTT thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện. Năm 2003, CLB được thành lập với 5 thành viên, nay tăng lên 30 thành viên, quy tụ được những người say mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật ĐCTT.

Đến giờ sinh hoạt, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Bến Lức lại vang lên tiếng đờn, lời ca. Các thành viên đến đúng giờ, góp vui bằng chất giọng mượt mà của mình với những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, tình yêu đôi lứa. Top 7 Chuông vàng Vọng cổ do HTV9 tổ chức, anh Phạm Hoàng Thu (nghệ sĩ Hoàng Thu)  có hơn 10 năm gắn bó với CLB, cho biết, sinh hoạt trong CLB  giúp anh thỏa niềm đam mê ca hát. Hiện anh là một trong những gương mặt quen thuộc tại các hội thi, hội diễn ĐCTT trong huyện, tỉnh với giọng ca ngọt ngào, cao vút.

Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Bến Lức tập luyện chuẩn bị cho hoạt động Giao lưu Đờn ca tài tử tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022

Anh Phạm Hoàng Thu chia sẻ: “Hiện nay, người thích hát tài tử, cải lương rất nhiều nhưng chủ yếu hát phong trào, còn hát đúng bài bản, đúng chất ĐCTT thì không nhiều. Vì thế, tôi và các thành viên CLB mong muốn địa phương tổ chức nhiều hội thi, hội diễn giao lưu giữa các tài tử, qua đó tạo sân chơi bổ ích cho những người có cùng đam mê. Đồng thời, giúp các tài tử chuyên và không chuyên được cọ xát thực tế trên sân khấu để rèn luyện tiếng đờn, lời ca thêm điêu luyện”.

Gắn bó với CLB ĐCTT từ khi thành lập đến nay, ông Dương Phú Quí (nghệ danh Dương Quí) cho biết, trong các loại nhạc cụ như đờn tranh, đờn bầu, đờn kìm, ông mê nhất cây đờn kìm. Nhờ diễn đạt được nhiều sắc thái tình cảm khác nhau nên đờn kìm là loại nhạc cụ khá quen thuộc trong dàn nhạc dân tộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của nước ta, được nhiều người yêu thích.

Ông Dương Phú Quí nói: “ĐCTT như đã ăn sâu vào tâm thức người dân Nam bộ, trở thành bản sắc văn hóa của người dân Nam bộ nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Dù xã hội phát triển nhưng đối với những người đam mê loại hình nghệ thuật này vẫn bền lòng với ĐCTT. Tôi đang truyền dạy ĐCTT cho một số người ở địa phương để biết cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc”.

Không chỉ hoạt động sôi nổi, CLB còn là đầu tàu khơi dậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt phong trào ĐCTT ở địa phương. Hàng năm, CLB phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện tổ chức tập huấn cho thành viên các CLB ở các xã, thị trấn về ĐCTT Nam bộ. Bên cạnh đó, các thành viên nòng cốt của CLB còn ra sức truyền nghề, tìm kiếm, bồi dưỡng những nhân tố mới. Có thể nói, CLB là cầu nối cho sự hình thành và phát triển phong trào ĐCTT ở địa phương.

Ðiều mà các thành viên CLB ÐCTT huyện Bến Lức mong muốn là có sân chơi thường xuyên, "có đất dụng võ" trong các hoạt động văn nghệ hoặc có thể biểu diễn văn nghệ ở địa phương. Ðiều đó sẽ tiếp thêm động lực để ngọn lửa đam mê ÐCTT mãi rực cháy./.

Việt Hằng - Kim Phượng

Chia sẻ bài viết