Minh họa: Internet
|
Bé Tư neo sào cho con đò cập bến. Bao bận rồi vẫn vậy, mỗi độ ô môi bừng trổ, nhuộm hồng hai bên ven sông, nó lại xuôi về triền sông cũ mà nghe lòng dậy lên nỗi đắn đót xưa xa, cũ rích. Lẫn trong những cơn gió chiều bàng bạc, từng cánh hoa lả tả theo dòng nước.
Đời con người ta, ai cũng có những nỗi niềm riêng mang. Đôi khi chỉ cần một lần lỡ thương mà suốt mười năm trời cũng không thể quên. Con tim luôn có những lý lẽ riêng để bào chữa cho sự chờ đợi trong vô vọng. Cũng có bận, nó nghe má ca, câu xưa lơ, xưa lắc “Ô môi rụng xuống bến sông, anh đi em vẫn ở không đợi chờ”. Đó là lúc má thấy nó nhẹ tênh lướt qua thanh tân đời con gái, chẳng đoái hoài năm bảy mối dạm ngỏ, lủi thủi đi về hai buổi sớm chiều sau giờ dạy. “Mà con chờ làm chi hả Bé Tư, người có lòng thì cũng đâu hơn chục năm biệt xứ” - má cứ chắc lưỡi. Bé Tư biết chớ, nhưng ngặt nỗi từ hồi Tú đi với lời hứa hẹn chỉ một mùa ô môi thôi sẽ về, xuôi thuyền hoa, dưới trời nhuộm hồng phơn phớt đón dâu, là Bé Tư khép lòng đợi chờ, trọn dạ mà tin tưởng.
Vài ba lần điện thoại, năm bảy khi nhắn tin rồi biền biệt chẳng lời tạ từ. Gái ba hai, miệt này người ta tay bế, tay bồng. Sớm chưa đợi tiếng gà, đã dậy cơm nước chồng con. Chiều chưa tắt nắng, đã ấm nồng bếp lửa gia đình. Như bây giờ, mỗi năm nhận lớp mới, lại thấy vài đứa bạn dắt con đến gởi gắm, Bé Tư cười tươi roi rói mà lòng rưng rức một niềm riêng.
Trái tim Bé Tư chai sần, lạnh ngắt hồi nào đến nỗi nó còn hổng hay biết. Chỉ nhớ duy nhất một điều, rất nhiều mùa ô môi rợp hồng cái triền sông, nó đều dành ra một buổi ngồi thơ thẩn, chỉ là muốn nhắc mình từng có một mối tình và lời hứa ngọt ngào.
Hai Hoàng ghé nhà, gởi Bé Tư mấy trái sầu riêng cùng cả bao lớn dâu da. Con nhỏ lắc đầu đây đẩy:
- Anh Hai để mà ăn, chớ nhà có mỗi em với má, ăn sao hết chừng này!
- Cô giáo mà hổng nhận, tui chở dìa nhà, con nhóc ở nhà lại giận dỗi. Quà này là nó đặc biệt gởi cô giáo đó. Nó nói nó thương cô. Thương kiểu như là... ờ như là con thương mẹ.
Hai Hoàng ấp úng rồi ra xe chạy vội. Bé Tư nhìn mớ trái cây vườn bộn bề ngoài bậu cửa mà nhớ tới cô học trò nhỏ của mình. Con bé ngoan, học giỏi nhất lớp. Mẹ nó bị băng huyết lúc sanh rồi ra đi khi con bé còn đỏ hỏn. Thành ra con bé chỉ biết mẹ qua những tấm hình cha mẹ chụp chung hồi mới cưới. Ngày đầu tiên vào lớp, nó nhìn miết Bé Tư. Gặng hỏi mãi, con nhỏ mới nói “Cô giống mẹ con lắm đó! Con ước gì cô là mẹ con”. Bé Tư tự dưng nghe lòng mình xốn xang quá đỗi. Chừng sau này, có dịp gặp Hai Hoàng mới biết sự thể. Những lần đưa đón con, Hai Hoàng tiện thể vài lời tâm sự với cô giáo, riết thành thân hồi nào chẳng hay.
Có bữa, Hai Hoàng bận việc không thể rước con, đành nhờ cô giáo chăm sóc, xế trời mới ghé nhà cô rước. Con nhỏ về nhà Bé Tư, gặp má thì gọi ngay là ngoại, khiến má Bé Tư sững người một chút nhưng rồi lại móm mém cười đôn hậu. Vài lần như thế, Bé Tư thêm thương con nhỏ học trò. Lại cám cảnh Hai Hoàng "gà trống nuôi con" nên cái chuyện qua lại cũng thêm phần gần gũi.
Bữa cha nó chở qua gởi vài ngày vì bận công việc ở xa, con nhỏ được thể sớm chiều quấn quýt ngoại, thỏ thẻ chuyện cha nó thương cô giáo lắm. Nhưng cha nó sợ phận mình chẳng chữ nghĩa nên đâu dám nói. Con nhỏ vừa kể, vừa cuộn tròn trong lòng ngoại. Hai bà cháu đung đưa nhịp võng. Má cười khì rồi thở dài. Nhìn ráng chiều đỏ ối ven sông.
- Nay nước tràn bờ sớm, để má ra chợ kiếm bông điên điển về chấm mắm kho nghen Bé Tư! Mày ngày nào cũng đi dạy, được có ngày nghỉ, ở nhà cho khỏe đi con.
- Thôi mà má, để con đi cho. Ngày nào má cũng đi rồi, nay có ngày con nghỉ à, má cứ ở nhà nằm nghe cải lương hen.
Hai má con dùng dằng cái giỏ đệm qua lại một đỗi má mới lơi tay nhưng ánh mắt dò xét: “Mày ra chợ, khéo nghe người ta nói chày nói cối chuyện gì thì kệ thiên hạ nghen con!”.
Bé Tư nhìn má chưng hửng. Đâu khi nào con nhỏ ra chợ mà má dặn kỹ vậy đâu ta.
- Có chuyện gì hả má?
- Ờ thì... thiên hạ người ta nói thằng Tú dìa rồi, hơn tuần nay, nhưng nó không ghé nhà mình. Chắc là nó ngại gặp bây. Nghe là có thêm con vợ nó dìa. Hồi nó mới qua bên đó, chân ướt chân ráo, người ta giúp nó, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, đâu chừng hai mặt con với nhau. Mới đầu chỉ tính kết hôn giả để nó sang đó định cư đổi đời, ai dè vậy ra thành thiệt rồi con. Nhà người ta cũng đãi tiệc linh đình, nhận dâu, nhận cháu rồi bây à!
Bé Tư nghe tim đập thình thịch, cổ họng nghẹn ứ chẳng nói nên lời. Dạo đó, cái miệt này rộ lên chuyện người ta bán đất gom tiền nhờ mối mai làm giấy tờ giả để sang xứ người định cư. Xứ người dẫu xa lắc, xa lơ nhưng trong tâm trí dân nơi này, đó là xứ phồn hoa, dễ kiếm tiền lắm!
Từ ngày Tú đi, Bé Tư biết cái tình yêu này trùng trùng ly biệt rồi. Mà tại nó dại khờ tin lời hứa, tin vào những ngọt ngào mà hai đứa cùng mơ ước vẽ trên nền trời hồng màu ô môi. Dẫu biết bao năm trường chuẩn bị tâm lý đón chờ nỗi đau này nhưng nay sao nghe xa xót quá thể. Đằng đẵng những ngày dài mỏi mòn đời con gái, đổi lại là sự thờ ơ, tránh né. Ráo hoảnh như người ta thả cái gàu xuống giếng sâu rồi cắt cái bụp ngọt xớt. Chẳng hề mảy may luyến nhớ gì hết trơn. Bạc còn hơn vôi.
- Thôi má đi chợ hen, con vào soạn mấy cái giáo án cho tụi nhỏ học hè!
Má khép cái cổng rào thì cũng nghe tiếng xuồng nổ lạch bạch từ bến sau vọng ra. Má thở dài, che nghiêng nón lá. Triền sông con nước ròng lớn bao mùa vẫn lả tả cánh ô môi.
Hai Hoàng ghé nhà gởi bó hoa sen mới cắt hồi sáng để mai giỗ tía chưng lên bàn thờ. Má đung đưa cái võng, nhịp chân theo lời hát “thuyền ơi rẽ sóng vào thơ, nói cho em biết giấc mơ tan rồi, về thôi em hãy về thôi, ô môi đã nở, mồ côi sao đành...”.
Bé Tư nhìn Hai Hoàng lừng khừng vụng về nơi bậu cửa.
- Anh Hai rảnh hôn, lái xuồng chở tui ra cái mé sông này, tui muốn hái mấy trái ô môi, lấy hạt, mai nấu chè cúng tía.
Một chiều tàn mùa ô môi, bên triền sông quê, có bóng dáng hai người nắm tay nhau, đi dưới vòm trời còn sót lại vài bông hoa, bung cánh hồng muộn mằn./.
Trúc Thiên