Tiếng Việt | English

18/07/2019 - 14:48

Phải công khai, minh bạch lộ trình, tiến độ tất cả dự án

Từ ngày 25/4 đến 06/6/2019, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Long An tổ chức giám sát việc thực hiện các dự án (DA) hạ tầng công nghiệp, dân cư trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang trình báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa IX.

HĐND tỉnh giám sát dự án ở huyện Thủ Thừa

Theo kết quả giám sát, việc triển khai thực hiện các DA đầu tư hạ tầng công nghiệp và dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập: Một số DA trễ tiến độ thực hiện so với thời gian quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, có DA đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, được cho gia hạn, nhưng chủ đầu tư lại chậm triển khai san lấp mặt bằng, chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như một số khu công nghiệp (KCN) thành phần trong KCN Đức Hòa III (huyện Đức Hòa); KCN Việt Phát (huyện Thủ Thừa);...

Có DA đã san lấp mặt bằng xong nhưng chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm Vissan (huyện Bến Lức) với diện tích 24ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, gia hạn 1 lần, đã san lấp mặt bằng 100% diện tích, nhưng đến nay chỉ mới xây dựng hàng rào, chưa đầu tư xây dựng hạ tầng. Hoặc có DA đã được thỏa thuận địa điểm đầu tư từ rất lâu, nhưng kéo dài đến nay vẫn chưa thực hiện như một số DA khu đô thị, khu tái định cư của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư tại xã Phước Lý (huyện Cần Giuộc) và xã Long Khê, Long Trạch (huyện Cần Đước) được tiếp nhận, thỏa thuận địa điểm đầu tư từ năm 2006.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuy được tập trung thực hiện nhưng hiện vẫn còn nhiều DA dở dang, giải phóng mặt bằng dạng “da beo” kéo dài, gây khó khăn trong quá trình triển khai đồng bộ DA, không thể đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như KCN Đức Hòa I giai đoạn mở rộng (huyện Đức Hòa) còn 20 hộ (18,6ha) kéo dài gần 10 năm nay; KCN Đức Hòa III - Long Đức, KCN Đức Hòa III - Resco (huyện Đức Hòa) còn khoảng 30ha dạng “da beo”; KCN Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa) còn 160 hộ dân với diện tích 59ha đang khiếu nại về chính sách hỗ trợ, tài sản trên đất và chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, giao đất;...

Đây là điểm “nghẽn” lớn trong quá trình thu hút đầu tư, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất sạch để cho thuê tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, có một số DA dù mới được phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào thời gian gần đây (cuối năm 2018) nhưng tỷ lệ chi trả bồi thường đạt thấp như các DA tại địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc: Khu dân cư của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát diện tích 36,47ha, đạt khoảng 52,73%; Khu dân cư An Long - Nam Sài Gòn diện tích 109ha, đạt khoảng 42,46%; Khu dân cư của Công ty Cổ phần Bất động sản Phố Đông diện tích 54,6ha, đạt khoảng 27,54%.

Bên cạnh đó, việc DA đã có chủ trương đầu tư, được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, nhưng chậm hoàn thành các thủ tục tiếp theo về đất đai đã làm hạn chế một số quyền sử dụng đất của người dân trong vùng DA. Một số chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, sau khi được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện DA, tiến hành chuyển nhượng DA, thay đổi tỷ lệ góp vốn, thay đổi thành viên, cổ đông. Điều này phần nào gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý, theo dõi việc thực hiện DA.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn, hạn chế, bất cập là do chính sách, pháp luật về đầu tư, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong thực hiện, tạo sự so bì, thắc mắc, khiếu nại kéo dài. Long An tiếp giáp TP.HCM, thị trường bất động sản luôn sôi động, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng đầu cơ đất, hình thành các khu dân cư nhỏ, lẻ tự phát, gây sốt đất, giá đất tăng ảo, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Việc xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất đối với DA có diện tích trên 10ha thường kéo dài, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai DA. Khâu thẩm định DA chưa chặt chẽ, nhất là chưa nắm kỹ về năng lực tài chính của nhà đầu tư. Hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ trong việc thanh tra, xử lý đối với các DA chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

Việc công khai, minh bạch, thông tin, tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có mặt chưa thường xuyên. Chậm và chưa kiên quyết xử lý đối với các trường hợp kỳ kèo, đòi hỏi giá bồi thường quá đáng hoặc mang tâm lý “khiếu nại cầu may” kéo dài. Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính khi triển khai DA; hoặc không thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, gắn bó với DA; xin chủ trương đầu tư DA chủ yếu để tìm đối tác chuyển nhượng lấy lãi.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các DA đầu tư hạ tầng công nghiệp và dân cư trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 15. Theo đó, nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương tổng kiểm tra, rà soát tất cả DA hạ tầng KCN, cụm công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư, phân loại từng nhóm DA cụ thể, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và đưa ra biện pháp xử lý, lộ trình giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với từng DA.

Đồng thời, kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư đối với các DA chậm tiến độ do nguyên nhân từ chủ đầu tư và đủ điều kiện thu hồi. Đối với DA bị thu hồi nhưng không xóa quy hoạch và tiếp tục kêu gọi đầu tư thì trong thời gian kêu gọi nhà đầu tư mới, phải quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản trong phạm vi DA để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Những DA chậm triển khai, kéo dài, gây bức xúc do nguyên nhân từ phía chủ đầu tư thì kiên quyết không cho chủ trương tiếp nhận các DA mới trên địa bàn tỉnh. Từ nay đến cuối năm 2019, tất cả DA phải được công bố công khai, minh bạch lộ trình, tiến độ (tại điểm thực địa triển khai DA phải có bảng chỉ dẫn ghi cụ thể về tiến độ, lộ trình theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cấp). Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin các DA đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để theo dõi chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện đối với tất cả DA.

Đối với những DA trước đây đã được phê duyệt phương án giá đền bù, người dân đồng ý nhận tiền nhưng chủ đầu tư không có năng lực tài chính chi trả thì xác định lại phương án giá đền bù để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, xuyên suốt, nhất là trên địa bàn các địa phương trọng điểm của tỉnh. Đối với những trường hợp người dân cố tình kỳ kèo, cản trở thi công thì củng cố thủ tục pháp lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Các DA tiếp nhận sau này phải tổ chức thẩm định chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Việc phê duyệt phương án giá đền bù phải bảo đảm sát với thị trường. Thực hiện tốt chính sách về tái định cư; việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc kết cấu hạ tầng của khu tái định cư theo quy định tại Điều 85 Luật Đất đai năm 2013, bảo đảm cho người dân di dời đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm điều kiện sản xuất, phát triển bền vững trong tương lai.

Hồng Anh

Chia sẻ bài viết